Người đàn ông mắc hội chứng lạ khiến tim đập 'như văng khỏi lồng ngực'
Tim bệnh nhân có lúc đập lên đến 300 lần/phút, cao hơn gấp 3 lần so với người bình thường khiến bệnh nhân cảm giác như muốn văng tim ra ngoài.
Ngày 9/7, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khoa Điều trị Rối loạn nhịp của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân tên P.V.Đ. (ngụ tỉnh Bến Tre) được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, nhiều tháng trước người bệnh thường xuyên có các cơn nặng ngực, chóng mặt, hồi hộp dữ dội. Đêm trước khi nhập viện, người bệnh mô tả như tim sắp văng ra khỏi lồng ngực nên cấp tốc đến Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cấp cứu.
Bệnh nhân nhanh chóng được các bác sĩ chẩn đoán mắc chứng rung nhĩ nhanh trên nền có bệnh lý kích thích sớm - hội chứng Wolff - Parkinson - White (WPW). Đây là một dạng rối loạn nhịp hiếm gặp và nguy cơ đột tử cao nếu rơi vào những cơn nhịp rất nhanh. Theo ghi nhận có lúc tim bệnh nhân đập những nhát đến 300 lần/phút.
Tuy nhiên, sau nhiều cú sốc điện nhằm chuyển nhịp tim vẫn không đáp ứng, bệnh nhân được gấp rút chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Đồng thời hình ảnh về các cơn rối loạn nhịp cũng được các bác sĩ tại Bến Tre chuyển trực tiếp qua internet để ê-kíp tại Bệnh viện Chợ Rẫy nắm bắt tình huống sớm trong lúc tiếp nhận bệnh nhân sau đó.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi được hội chẩn với tổ chuyên gia điều trị các rối loạn nhịp nhanh từ khoa Điều trị Rối loạn nhịp, bệnh nhân nhanh chóng được sắp xếp lịch trình để thăm dò và cắt đốt điện sinh lý cấp cứu. Đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, ít gây tổn thương và không để lại sẹo trên người bệnh.
Sau gần 2 giờ căng thẳng, bệnh nhân nhanh chóng qua được cơn nguy kịch. Một ngày sau can thiệp, bệnh đã ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, rung nhĩ trên người có hội chứng WPW có xuất độ vào khoảng 68-170/100.000 dân. Bệnh nhân có hội chứng WPW kèm rung nhĩ, thường rơi vào các cơn loạn nhịp tim với tần số đáp ứng thất rất cao khoảng 200-240 lần mỗi phút và nhanh chóng thoái biến vào nhanh thất hoặc rung thất dẫn đến đột tử.
Tỷ lệ điều trị đốt bằng sóng cao tần qua catheter thành công từ 50 đến 90% tùy vào nghiên cứu. Tái phát phải đốt lại khoảng 6%.
"Trong khoảng 10 năm qua, kỹ thuật cắt đốt điều trị rung nhĩ có nhiều tiến bộ hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho những bệnh nhân WPW có rung nhĩ nói riêng, cũng như bệnh nhân rung nhĩ đơn độc tính chung, hay rộng hơn là cho hầu hết các bệnh lý loạn nhịp nhanh khác”, bác sĩ Thức nói.