Người đàn ông mắc hội chứng 'nhìn người hóa quỷ'

'Tôi đi ra ngoài và thật bất ngờ khi khuôn mặt của tất cả những người tôi nhìn thấy đều giống như ma quỷ', Victor kể.

Ông Victor Sharrah, 59 tuổi, đến từ Clarksville, bang Tennessee (Mỹ), được chẩn đoán mắc hội chứng Prosopometamorphopsia (PMO). Đây là một dạng rối loạn thần kinh cực hiếm, khiến gương mặt của người mà bệnh nhân nhìn thấy bị biến dạng.

Theo tâm sự của bệnh nhân, những triệu chứng kinh hoàng của PMO bắt đầu xuất hiện vào một ngày mùa đông.

"Tôi vừa thức dậy và đang ngồi trên ghế xem TV thì người bạn cùng phòng bước vào, sau đó là bạn gái của anh ấy. Hai khuôn mặt quen thuộc này có vẻ mặt nhăn nhó, đôi mắt dài và những vết sẹo hằn sâu. Khi bạn tôi nói, hay quay sang một bên, tôi thấy đôi tai nhọn đột nhiên xuất hiện, giống như tai nhân vật Spock trong phim 'Star Trek'.

Tôi cố gắng giải thích với bạn mình về những gì tôi đang thấy thì anh ấy lại nghĩ tôi bị điên. Sau đó, tôi đi ra ngoài và thật bất ngờ khi mọi khuôn mặt của những người mà tôi nhìn thấy đều giống như ma quỷ", Sharrah cho hay.

Victor Sharrah từng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực khi còn là một thiếu niên. Tình trạng của Sharrah ngày càng trầm trọng hơn sau một thời gian Sharrah phục vụ trong Thủy quân lục chiến Mỹ tại Beirut năm 1983.

Chứng rối loạn lưỡng cực của Sharrah đã trở thành chứng rối loạn sau chấn thương. Lo sợ về những gì đang xảy ra với mình sau khi thấy những khuôn mặt của người đối diện bị biến dạng, ông đã đăng mô tả về các triệu chứng của mình lên mạng.

Ông Victor Sharrah đang mắc hội chứng PMO. (Ảnh:Webdunia)

Ông Victor Sharrah đang mắc hội chứng PMO. (Ảnh:Webdunia)

Ghi nhận 81 trường hợp mắc bệnh

Prosopometamorphopsia (còn được gọi là "hội chứng mặt quỷ") là một rối loạn thị giác đặc trưng bởi sự thay đổi nhận thức về khuôn mặt. Trong nhận thức của người mắc hội chứng này, các đặc điểm trên khuôn mặt của người đối diện bị biến dạng theo nhiều cách khác nhau, bao gồm chảy xệ, sưng tấy, đổi màu và thay đổi vị trí.

Trong khoảng một nửa số trường hợp được báo cáo, các đặc điểm ở cả hai bên khuôn mặt đều bị biến dạng. Trong nửa trường hợp còn lại, sự biến dạng chỉ giới hạn ở một bên mặt (trái hoặc phải).

Hội chứng PMO khác với hội chứng "mù mặt" (prosopagnosia), tình trạng mà diễn viên Brad Pitt, cựu Thống đốc Colorado John Hickenlooper, nhà thần kinh học nổi tiếng Oliver Sacks và nhiều người khác mắc phải. Khi bị "mù mặt", bộ não của người bệnh gặp khó khăn trong việc nhận dạng khuôn mặt, thậm chí cả những khuôn mặt quen thuộc, khiến gần như tất cả mọi người đều trở thành người lạ.

Một số người mắc PMO thấy khuôn mặt của chính họ cũng bị biến dạng, nên có bệnh nhân khi đứng trước gương thấy một mắt của mình lồi ra khỏi hốc và trườn xuống má. Cũng có bệnh nhân chỉ thấy nửa khuôn mặt của mình vẹo đi hoặc dị dạng.

Hầu hết những người mắc PMO đều thấy khuôn mặt bị biến dạng trong đời thực và trên ảnh.

Hầu hết những người mắc PMO đều thấy khuôn mặt bị biến dạng trong đời thực và trên ảnh.

Duchaine, tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet, cho biết, đến nay trên thế giới mới ghi nhận 81 trường hợp mắc PMO. Thực tế, con số này có thể cao hơn. Theo nghiên cứu này, các nguyên nhân của hội chứng PMO có thể đến từ não, do đột quỵ xuất huyết não, chấn thương đầu và khối u trong não...

Hiệu quả điều trị chưa cao

Hầu hết những người mắc PMO đều thấy khuôn mặt bị biến dạng trong đời thực và trên ảnh. Điều này khiến khoa học không thể ghi lại chính xác những gì bệnh nhân nhìn thấy nên kết quả can thiệp vẫn còn hạn chế. Hiện tại, Sharrah đang hợp tác với phòng thí nghiệm Dartmouth, giúp thử nghiệm các biện pháp can thiệp để giảm bớt các triệu chứng của PMO.

Nghiên cứu về tác dụng của tròng kính màu xanh lá cây trong việc chống lại các triệu chứng PMO và phát hiện thấy, việc điều khiển màu sắc trong tròng kính có thể giúp ích cho người mắc hội chứng PMO.

Một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn khác là kết hợp dùng kính để giúp người bệnh nhìn thấy khuôn mặt cân đối hơn. Hiện tại, y học vẫn chưa hiểu hết nguyên nhân của hội chứng này nên hiệu quả điều trị chưa được như mong đợi. Tất cả phương pháp điều trị chỉ là tình thế như dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc điều trị bệnh động kinh, rối loạn lưỡng cực và chứng đau nửa đầu.

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo bác sĩ phải thận trọng khi khám cho người mắc hội chứng PMO vì đây là hội chứng hiếm gặp, cần tránh chẩn đoán sai dẫn đến việc người bệnh phải vào bệnh viện tâm thần hay được chỉ định dùng thuốc không phù hợp.

(Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguoi-dan-ong-mac-hoi-chung-nhin-nguoi-hoa-quy-ar875175.html