Người đàn ông ngồi hát bên mộ vợ trong lễ tạ mộ ngày cuối năm
Gửi đến người vợ ở bên kia thế giới những khúc nhạc yêu thích trong lễ tạ mộ ngày cuối năm, ông Bách mong mỏi ở nơi ấy, người vợ của ông cùng những chân linh quá cố cũng luôn được an giấc ngàn thu.
Ông Đinh Tùng Bách hát bên mộ vợ.
Những ngày cuối năm, nhiều người đi viếng mộ người thân tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) không khỏi xúc động khi bắt gặp cảnh tượng một người đàn ông trung niên ngồi bên mộ vợ, ôm cây đàn ghitar và nghêu ngao hát những ca khúc dành tặng người vợ quá cố.
Ông Đinh Tùng Bách (52 tuổi, ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết, trước giờ ông hay tham gia biểu diễn ở các lễ hội, đám cưới… nhưng đây là lần đầu tiên ông chơi đàn và hát ở một nơi không có sân khấu và khán giả của ông là những người ở thế giới bên kia, trong đó có người vợ của ông.
"Đã từng chơi đàn ở nhiều nơi nhưng khi chơi đàn ở bên cạnh vợ, tôi thấy mình có nhiều cảm xúc nhất. Tôi đã đánh những khúc nhạc mà khi còn sống, vợ tôi thích nhất" - ông xúc động chia sẻ.
Gửi đến người vợ ở bên kia thế giới những khúc nhạc yêu thích, ông Bách mong mỏi ở nơi ấy, người vợ của ông cùng những chân linh quá cố cũng luôn được an giấc ngàn thu.
Ông tâm sự, vợ ông lúc trước từng là diễn viên, biên đạo múa. Bà không may mắc căn bệnh hiểm nghèo. 4 năm ròng rã, ông cùng vợ đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội để chữa trị nhưng không qua khỏi. 5 năm từ ngày vợ mất vì bệnh hiểm nghèo, ông Đinh Tùng Bách hễ cứ có thời gian là lại đến thăm mộ vợ. Ngày cuối năm, ông đến dọn dẹp phần mộ của vợ từ sớm, bày bình hoa và thắp nén hương.
Không chỉ có ông Bách, những ngày này, nhiều gia đình đi tạ mộ, tưởng nhớ người quá cố và mời họ về đón Tết cùng gia đình. Những người đi tạ mộ mang đào quất đến trang trí cho phần mộ của người thân, cảm ơn sơn thần, thổ địa và mời gia tiên về đón Tết cùng gia đình.
Bà Dương Kim Phượng (70 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cùng con cháu đến thăm phần mộ của người thân trong những ngày cuối năm. Bà cho biết, việc đi tạ mộ đã trở thành truyền thống của gia đình bà nhiều năm nay, nhằm giáo dục con cháu "uống nước nhớ nguồn", luôn hướng về tổ tiên. Bà mong rằng, truyền thống này sẽ được con cháu và các thế hệ trẻ trong gia đình bà tiếp tục duy trì.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, tục tạ mộ thể hiện tấm lòng hiếu thảo, tưởng nhớ của con cháu tới ông bà, tổ tiên. Với người dân Việt Nam, tục tạ mộ trước thềm Tết Nguyên đán đã thành truyền thống tốt đẹp, nét văn hóa ngàn đời nay. Mỗi độ Tết đến, xuân về, con cháu lại tụ tập để cùng nhau đến thăm phần mộ tổ tiên, báo cáo tổ tiên về một năm cũ sắp qua và gửi gắm ước vọng về một năm mới suôn sẻ, đủ đầy, hạnh phúc.