Người đàn ông ngừng tim trên đường đi cấp cứu, cơ hội sống mong manh
Ông T. được gia đình đưa vào bệnh viện để khám do đau tức ngực. Trên đường đi, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, ngừng tim, ngừng thở.
Ông L.T.T. (trú tại Nghi Sơn, Thanh Hóa) được gia đình đưa vào viện cấp cứu vì đau tức ngực. Khi cách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa 6km, ông bất ngờ mất ý thức, ngừng tim, ngừng thở.
Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho ông T. như sốc điện, ép tim ngoài lồng ngực, hỗ trợ hô hấp… Sau hơn 30 phút, tim bệnh nhân đập lại, tuần hoàn được tái lập, nhưng tình trạng rất nguy kịch: hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp tụt phải duy trì 3 loại thuốc vận mạch liều cao và phải thở máy.
Người nhà cho biết nam bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim, đã đặt stent động mạch vành cách đây 12 năm. Hai ngày trước, ông T. cảm thấy đau tức ngực trái từng cơn tăng dần, kèm theo khó thở.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Thái, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết đây là trường hợp rất nguy kịch, nguyên nhân có thể là nhồi máu cơ tim gây ngừng tim, kèm theo bệnh lý nền phức tạp. Bên cạnh đó, do thời gian ngừng tim trước khi đến viện kéo dài (khoảng 10 phút) nên tiên lượng di chứng do tổn thương não để lại sẽ rất nặng nề nếu bệnh nhân không được hạ thân nhiệt chỉ huy sớm.
Bệnh nhân được đưa về Khoa Hồi sức tích cực 1 - Chống độc để tiếp tục áp dụng các kỹ thuật hồi sức tích cực chuyên sâu.
Sau hơn 2 tuần, ông T. không phải thở máy, gọi hỏi biết, không yếu liệt, chức năng gan, thận, hô hấp cải thiện theo hướng tốt dần, hết đau tức ngực, khó thở. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị thuốc kết hợp dinh dưỡng nâng cao thể trạng và phục hồi chức năng.
Sau 37 ngày nằm viện, sức khỏe ông T. đã hồi phục một cách thần kỳ. Khi vào bệnh viện, cả gia đình đều nghĩ lần này chắc ông sẽ không qua khỏi. Tuy nhiên, ngày ra viện, bệnh nhân tỉnh táo, không có bất kỳ di chứng nào.
Nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong và hầu hết các trường hợp xảy ra trước khi đến bệnh viện. Những bệnh nhân được điều trị sớm sẽ có tiên lượng và khả năng phục hồi tốt hơn sau nhồi máu cơ tim cấp. Do đó, cần lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế có thể điều trị tái tưới máu cơ tim càng sớm càng tốt khi xuất hiện các triệu chứng.
Thời gian vàng để điều trị nhồi máu cơ tim là 1-2 giờ hoặc ít nhất là trong 6 giờ đầu để giảm mức độ hoại tử tim, giảm nguy cơ suy tim sau đó.