Người đàn ông nhiễm liên cầu lợn may mắn được cứu sống

Ông T.K.H. có triệu chứng sốt cao từng cơn, rét run, được người nhà đưa đến thăm khám tại Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà và bệnh nhân được chuyển tuyến điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis II (khuẩn liên cầu lợn).

Chiều 11/10, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết, sau thời gian được các bác sĩ tích cực điều trị, bệnh nhân T.K.H. (SN 1966, trú ở tổ dân phố Liễu Nam, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị nhiễm liên cầu lợn đã được xuất viện.

Trước đó, ngày 27/9, ông T.K.H. có triệu chứng sốt cao từng cơn, rét run, có uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Sau đó ông H. được người nhà đưa đến thăm khám tại Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà và bệnh nhân được chuyển tuyến lên điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết. Ngày 3/10, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis II (khuẩn liên cầu lợn).

Nhờ được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 điều trị kịp thời, tích cực nên sức khỏe bệnh nhân T.K.H. dần hồi phục, được cho xuất viện.

Nhân viên y tế phun thuốc xử lý môi trường sau khi phát hiện ca nhiễm liên cầu lợn.

Nhân viên y tế phun thuốc xử lý môi trường sau khi phát hiện ca nhiễm liên cầu lợn.

Theo điều tra dịch tễ, gia đình ông H. có nuôi 13 con lợn. Ngày 20/9, số lợn này được bán hết, tình trạng lợn lúc bán không bị bệnh. Gia đình ông H. thỉnh thoảng có ăn thịt lợn mua ở chợ không rõ nguồn gốc.

Sau khi nhận được thông tin bệnh nhân T.K.H. nhiễm liên cầu lợn, ngành y tế đã tiến hành điều tra người tiếp xúc trong gia đình và xung quanh khu vực nhà bệnh nhân, không phát hiện người có biểu hiện bệnh tương tự. Qua điều tra của Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà tại khu vực nhà bệnh nhân không có tình trạng lợn mắc bệnh, không có dịch lợn tai xanh.

Ngành y tế đã tiến hành phun thuốc xử lý môi trường bằng hóa chất tại nhà ông T.K.H. và các hộ xung quanh. Đồng thời tuyên truyền trực tiếp cho người dân trong khu vực về các dấu hiệu bệnh, các biện pháp theo dõi, hướng điều trị và biện pháp phòng, chống bệnh.

Trước đó, vào đầu tháng 8/2024, tại tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận một trường hợp nhiễm liên cầu lợn là bệnh nhân N.V.A. (SN 1973, trú ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền). Ông N.V.A. khởi phát bệnh với các biểu hiện đau đầu, sốt, rét run, đau bụng. Sau khi nhập viện tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis II (khuẩn liên cầu lợn).

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao. Do đó, để phòng tránh nhiễm liên cầu lợn, người dân cần ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh, thịt lợn chết không rõ nguồn gốc. Đồng thời tuyến y tế cơ sở cần tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc không giết mổ gia súc bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, vệ sinh sát khuẩn dụng cụ chế biến thực phẩm sau khi chế biến.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/nguoi-dan-ong-nhiem-lien-cau-lon-may-man-duoc-cuu-song-i746915/