Người đàn ông ở Hà Tĩnh làm nên cơ nghiệp nhờ thuần hóa lươn đồng

Sau nhiều lần thất bại, anh Trần Xuân Trường (SN 1982, trú thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, Can Lộc, Hà Tĩnh) mạnh dạn đầu tư nuôi lươn đồng mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bể nuôi lươn của anh Trần Xuân Trường đều sạch sẽ thoáng mát.

Bể nuôi lươn của anh Trần Xuân Trường đều sạch sẽ thoáng mát.

Hơn 20 năm lăn lộn với đủ thứ nghề như: nuôi gà, nuôi lợn, nuôi rắn... nhưng đầu tư vào đâu là hỏng đấy. Chán nản, anh Trần Xuân Trường xuất khẩu lao động sang Malaysia.

Hết thời hạn hợp đồng, trở về nước, anh nhận thấy lươn đồng có giá trị kinh tế cao nên quyết định vào các tỉnh Nam Bộ để học hỏi kinh nghiệm. Sau khi nắm bắt một số kỹ thuật, năm 2018, anh Trường đầu tư hơn 200 triệu đồng xây 18 bể nuôi, mỗi bể 4 m2 rồi mua 10.000 con lươn đồng với giá 65 triệu đồng mang về thuần hóa.

Thời kỳ mới nuôi, do thiếu kinh nghiệm nên lươn chết dần. Không nản chí, anh Trường lên mạng tìm hiểu thêm thông tin rồi tìm đến những cơ sở nuôi lươn ở huyện Yên Thành, Đô Lương (Nghệ An) để học hỏi thêm kỹ thuật.

Từ đó, anh xác định lươn giống bị chết trong những ngày đầu mới nuôi là do môi trường nước. Bởi vậy, nước sau khi bơm từ giếng khoan dẫn đến bể nuôi anh lắp thêm hệ thống lọc có độ PH tương đồng với môi trường tự nhiên nên lươn đồng thích nghi tốt, khỏe mạnh sinh trưởng tốt.

Lươn sau khi thuần hóa vẫn có màu vàng khỏe mạnh.

Lươn sau khi thuần hóa vẫn có màu vàng khỏe mạnh.

Theo anh Trường, thuần hóa lươn đồng rất khó, không phải ai cũng làm được, vì vậy, nếu không tâm huyết, kiên trì rất dễ bỏ cuộc. Bởi vậy, khi mua giống, anh chỉ chọn những con lươn khỏe mạnh, kích thước đồng đều dù giá thành cao hơn. Đặc tính của các loại lươn là thích chui rúc, sợ ánh sáng, sợ nóng và tiếng ồn, vì vậy, nuôi lươn trong bể phải sạch sẽ thoáng mát, được che chắn bằng chùm dây ni lông tối màu để lươn có chỗ trú.

“Thức ăn của lươn đơn giản là cám công nghiệp hoặc các loại cá mụn rất dễ tìm kiếm trên thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi phải thay đổi nước 3 lần mỗi ngày, đồng thời thường xuyên theo dõi các yếu tố bất lợi của môi trường (nắng, mưa) để điều chỉnh cho phù hợp. Nếu không chăm sóc kỹ, lươn rất dễ bị nhiễm các bệnh như nấm, xuất huyết đường ruột, nhiễm khuẩn ký sinh trùng” - anh Trường cho biết thêm.

Thời kỳ đầu anh Trường chủ yếu thuần lươn giống, sau 3-4 tháng, lươn phát triển thì đem bán cho các cơ sở giống ở các địa phương khác. Mỗi năm, anh xuất bán gần 10 vạn con giống thu về hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, lươn giống không bán hết sẽ được nuôi thương phẩm, sau 7- 8 tháng thì xuất bán.

Từ thành công của việc thuần hóa và nuôi lươn, đầu năm 2022, anh Trường tiếp tục đầu tư thêm 200 triệu đồng mở rộng sản xuất, xây thêm 6 bể nuôi ốc bươu đen.

Ao nuôi ốc bươu đen của anh Trường được phủ bèo che ánh nắng.

Ao nuôi ốc bươu đen của anh Trường được phủ bèo che ánh nắng.

Nuôi ốc bươu đen không khó như thuần hóa và nuôi lươn đồng, nhưng nhờ nắm chắc kỹ thuật nên ốc bươu của anh sinh trưởng tốt. Đến nay, ốc bươu đen đã đến thời kỳ xuất bán (trọng lượng 35 con/kg), giá bán 120.000 đồng/kg. Vụ “đầu tay”, anh Trường thu về trên 100 triệu đồng.

Nhờ táo bạo đầu tư mô hình, gia đình anh Trường đã tích góp xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền.

Ông Nguyên Hữu Hài - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Can Lộc đánh giá: “Anh Trường là nông dân chịu khó, dám nghĩ dám làm, biết áp dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất chăn nuôi để phát triển kinh tế. Anh Trường là người đầu tiên trong huyện thuần hóa lươn đồng. Mô hình này sau đó có một vài người làm, nhưng đa số theo được thời gian ngắn rồi bỏ cuộc. Anh Trường thành công nhờ kiên trì và sáng tạo”.

Hoài Nam

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/nguoi-dan-ong-o-ha-tinh-lam-nen-co-nghiep-nho-thuan-hoa-luon-dong/233116.htm