Người đàn ông ở Phú Thọ 'đứng trước 'cửa tử' sau ăn món nhiều người Việt thích
Sau nhiều ngày ăn lòng lợn, người đàn ông ở Phú Thọ đều phải nhập viện vì nhiễm liên cầu lợn, bệnh chưa có vaccine điều trị, tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ mới tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp người bệnh bị viêm màng não do liên cầu lợn (Steptococcus Suis). Bệnh nhân là ông V.H.K (sinh năm 1966, ở Đoan Hùng) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn.
Trên người ông K có nổi ban xuất huyết lấm tấm dưới da, tiếp xúc chậm, giảm thính lực (trước đó người bệnh có thính lực bình thường). Khoảng 10 ngày trước khi bị sốt, ông K có ăn lòng lợn.
Nhận thấy người bệnh có dấu hiệu viêm màng não, bác sĩ đã chỉ định chọc dịch não tủy cho người bệnh làm xét nghiệm cấy máu và cấy dịch não tủy. Kết quả cho thấy người bệnh dương tính với liên cầu lợn và được điều trị theo kháng sinh đồ. Sau 21 ngày điều trị, người bệnh đã khỏi, sức khỏe ổn định và được ra viện.
Trước đó vào cuối tháng 6/2024, Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cũng tiếp nhận và điều trị cho người bệnh N.B.K (42 tuổi, trú tại xã Minh Đài) nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.
Nhà người bệnh nhân cho biết, cách vào viện 3 ngày, ông N.B.K có ăn tiết canh lợn, uống rượu nhiều ngày. Sau ăn, ông K mệt mỏi, xuất hiện mảng bầm tím vùng đùi trái và nhiều mảng bầm tím ở vùng ngực và được người nhà đưa vào Trung tâm y tế huyện khám và điều trị.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân K nhiễm liên cầu lợn - rối loạn chuyển hóa lipid - xơ gan/lạm dụng rượu. Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định.
Liên cầu lợn có tên khoa học là Steptococcus Suis, là tác nhân gây bệnh ở lợn và một số gia súc khác (trâu, bò, dê, ngựa) mang mầm bệnh, đôi khi gây bệnh trên người. Bệnh ở lợn biểu hiện bằng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm nội tâm mạc, viêm khớp. Bệnh ở lợn thường xuất hiện tản phát nhưng cũng có khi bùng phát thành dịch.
Ở người, khi tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, lợn chết hoặc ăn tiết canh, lòng lợn, thịt lợn nấu chưa chín thì vi khuẩn gây 2 bệnh cảnh chính là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong.
Thực tế đã có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm căn bệnh này, điển hình như: Tháng 1/2024, một người đàn ông ở Nam Định cũng nhiễm liên cầu lợn và tử vong do trước đó có tham gia mổ lợn và làm tiết canh liên hoan tất niên. Đến tháng 3/2024, một người đàn ông 43 tuổi, ở Điện Biên nhập viện với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn/suy đa tạng/theo dõi liên cầu lợn, tử vong 1 ngày sau đó...
Theo bác sĩ Mai Giang Nam – Trưởng khoa Cấp cứu, Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn, bệnh liên cầu lợn hiện chưa có vaccine điều trị. Do đó để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo người dân nên chọn thực phẩm tươi sống, không nhiễm bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không ăn tiết canh, các loại thịt tái, sống. Khi chế biến cần đảm bảo nấu chín, sử dụng riêng các dụng cụ chế biến thực phẩm sống – chín như dao, thớt, kéo, bát, đĩa… Khi bảo quản thực phẩm cũng cần chú ý để riêng thực phẩm sống và chín để tránh nhiễm vi khuẩn chéo.
Sau khi giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn sống phải vệ sinh tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn. Không tiếp xúc với lợn ốm, lợn bệnh để tránh những ảnh hưởng tới sức khỏe.
Khi nghi ngờ người bệnh bị nhiễm liên cầu lợn qua các dấu hiệu như: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, huyết áp tụt, vã mồ hôi, xuất huyết dưới da,... cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.