Người đàn ông phát bệnh dại sau 2 tháng bị chó cắn

Dù được gia đình và nhân viên y tế nhắc nhở, người đàn ông vẫn chủ quan không đi tiêm phòng dại dù trước đó bị chó lạ cắn.

 Nạn nhân phát bệnh sau 2 tháng bị chó dại cắn mà không tiêm vaccine. Ảnh minh họa: The Economic Times.

Nạn nhân phát bệnh sau 2 tháng bị chó dại cắn mà không tiêm vaccine. Ảnh minh họa: The Economic Times.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hải Dương, nạn nhân là ông V.V.T. (49 tuổi), bị chó lạ cắn nhưng không đi tiêm phòng.

Theo lời gia đình, khoảng hơn 2 tháng trước, ông T. bị một con chó lạ cắn vào lòng bàn tay trái. Dù được gia đình và nhân viên y tế nhắc nhở tiêm phòng dại, ông T. vẫn chủ quan không đi.

Đến chiều 16/6, nạn nhân bắt đầu có biểu hiện tê cánh tay trái. Một ngày sau, ông T. đi kiểm tra tại phòng khám địa phương do cánh tay trái tê nhiều hơn kèm thêm triệu chứng buồn nôn, người mệt mỏi, chán ăn.

Ngày 18/6, ông cùng vợ lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám và được theo dõi mắc bệnh dại. Một ngày sau, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và nhận kết quả chẩn đoán mắc dại. Đến sáng 20/6, ông T. không qua khỏi.

Theo ThS.BS Hoàng Văn Huỳnh, Phó giám đốc CDC Hải Dương, từ 2016 đến nay, địa phương này ghi nhận 6 trường hợp không qua khỏi vì bệnh dại.

Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, chủ yếu lây truyền từ chó, mèo bị nhiễm bệnh cắn, cào người hoặc khi động vật liếm vào da, niêm mạc đang bị tổn thương.

Hiện, y học vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu với người nhiễm virus dại đã phát bệnh. Khi người nhiễm virus dại xuất hiện triệu chứng, tỷ lệ không qua khỏi lên tới 100%.

Bệnh dại có quá trình ủ bệnh rất phức tạp, có thể chỉ trong vòng từ 7 đến 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài trên 1 năm, phụ thuộc vào mức độ nặng, nhẹ và vị trí vết cắn của động vật. Vết thương càng sâu, càng gần khu vực thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Do vậy, tâm lý chủ quan là điều rất nguy hiểm.

Bác sĩ Huỳnh nhấn mạnh thông tin một số cơ sở y học cổ truyền hoặc các bài thuốc nam có khả năng phát hiện cũng như điều trị bệnh dại.

"Khi đã nhiễm virus dại, cách điều trị dự phòng duy nhất là thực hiện các biện pháp xử lý tại vết thương nhằm loại bỏ bớt virus dại và ngay lập tức tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt”, Phó giám đốc CDC Hải Dương cho hay.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-dan-ong-phat-benh-dai-sau-2-thang-bi-cho-can-post1482479.html