Người đàn ông suýt phải cắt cụt chi do nghiện thuốc lá hơn 30 năm

Khi nhập viện, ngón chân của bệnh nhân này trong tình trạng sưng tím, nhức và mưng mủ.

Nhiều người hút thuốc lý luận rằng nếu không phải thuốc lá, chúng ta cũng mắc các bệnh về phổi vì khói bụi, ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, trên thực tế, phổi không phải cơ quan duy nhất chịu ảnh hưởng của thói quen khó bỏ này.

Suýt phải cắt cụt chi

Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cơ sở y tế này vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 55 tuổi, trú tại Hà Nội, tiền sử hút thuốc lá hơn 30 năm, gần đây có biểu hiện đau nhức chân, cảm giác đau buốt lên thái dương.

Qua lời kể, cơn đau của bệnh nhân thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc khi đi lại. Các cơn đau cách nhau vài giờ. Người đàn ông này trước đó đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế, được kê thuốc uống, đắp cao nhưng tình trạng không tiến triển.

Khi ngón chân sưng tím, nhức và mưng mủ, ông buộc phải đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để kiểm tra. Lúc này, bệnh nhân được chẩn đoán thiếu máu mạn tính, cần can thiệp nội mạch để tránh nguy cơ cắt cụt chi.

Bác sĩ Lê Nhật Tiên, Phó trưởng khoa Nội, Can thiệp Tim mạch và Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết bệnh nhân bị tắc hai mạch máu nhỏ ở chân, ngón chân có dấu hiệu sớm của hoại tử. Nguyên nhân đến từ tình trạng xơ vữa mạch máu, hậu quả của việc hút thuốc lá hơn 30 năm.

 Bác sĩ Tiên kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân trước khi can thiệp tĩnh mạch. Ảnh: TA.

Bác sĩ Tiên kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân trước khi can thiệp tĩnh mạch. Ảnh: TA.

Sau đó, bệnh nhân này được chỉ định can thiệp mạch tắc kết hợp điều trị nội khoa tối thiểu 6 tháng để ổn định tình trạng xơ vữa, kiểm soát mỡ máu đồng thời phải bỏ thuốc để sớm hồi phục.

Theo bác sĩ Tiên, bệnh viện cũng mới tiếp nhận một ca tương tự là cụ ông 74 tuổi, có tiền sử thiếu máu, huyết áp cao, máu nhiễm mỡ. Bệnh nhân này tới khám khi xuất hiện những cơn đau cách hồi trong quá trình đi lại.

Ông được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn 3, chân khi tới khám đã teo nhỏ, viêm ửng đỏ, tắc mạch máu từ bẹn xuống, diễn biến rất nặng.

Nguy cơ với người hút thuốc cao gấp 2-6 lần

Bác sĩ Tiên thông tin: "Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 10-15 người đến khám. Hầu hết bệnh nhân đến khi đã ở giai đoạn muộn, có biểu hiện đau liên tục, sưng tím, mưng mủ thậm chí hoại tử chi".

Vị chuyên gia giải thích thiếu máu mạn tính chi dưới (hay bệnh động mạch chi dưới mạn tính) là tình trạng động mạch chủ và các động mạch ở chi dưới bị hẹp hoặc tắc, gây cản trở lưu thông máu đến các cơ quan như cơ và bộ phận liên quan khác gồm dây thần kinh, da,... ở phía hạ lưu.

Điều này dẫn đến sự chuyển hóa yếm khí và sinh ra nhiều acid lactic, gây đau nhức chân khi vận động.

Ông nhận định đây cũng là nhóm bệnh phổ biến tại nước ta nhưng ít người để ý hoặc lầm tưởng với các bệnh về xương khớp, tĩnh mạch, thần kinh cột sống. Người bệnh chỉ đến bệnh viện khi ngón chân đã sưng tím, hoại tử và phải cắt cụt chi.

Ở giai đoạn sớm, bệnh biểu hiện bằng những cơn đau cách hồi, đau khi đi lại, dừng lại nghỉ sẽ đỡ đau nhưng lại đau khi tiếp tục đi. Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân chỉ đi được quãng đường ngắn, phải nghỉ mới có thể đi lại tiếp kèm đau nhức chi dưới liên tục. Lâu dần, phần bàn chân bị loét, nhiễm trùng, hoại tử,...

 Hình ảnh tổn thương của bệnh nhân. Ảnh: TA.

Hình ảnh tổn thương của bệnh nhân. Ảnh: TA.

Bác sĩ Tiên cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu là xơ vữa mạch máu làm giảm lưu lượng máu xuống chân, đái tháo đường, người mắc các bệnh chuyển hóa như béo phì, rối loạn lipid máu, người ít vận động, ngồi nhiều, nghiện thuốc lá.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết bệnh thường hay gặp ở người cao tuổi, tiểu đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá hoặc thuốc lào nhiều năm.

Vị chuyên gia nhấn mạnh nguy cơ tắc động mạch chi dưới với người hút thuốc lá cao gấp 2-6 lần người bình thường. Với người tiểu đường, nguy cơ gấp 2-4 lần.

Theo số liệu nghiên cứu năm 2015, trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị bệnh thiếu máu chi dưới. Hơn 20% người trên 70 tuổi bị tắc động mạch chi dưới. Khi bệnh ở giai đoạn muộn, 20% bệnh nhân phải cắt cụt chi. Bệnh ngày càng trẻ hóa do lối sống, dinh dưỡng, vận động,...

Để điều trị, người bệnh phải được phẫu thuật, can thiệp nội mạch và điều trị nội khoa. Trong đó, can thiệp nội mạch ngày càng phổ biến, ít xâm lấn, có thể can thiệp vào mạch máu nhỏ, thời gian nằm viện ngắn.

"Bệnh động mạch chi dưới mạn tính ít gây tử vong nhưng có thể làm tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống do phải cắt cụt chi. Do đó, bác sĩ luôn cố gắng bảo tồn chi tối đa, giúp cải thiện chất lượng sống của người bệnh", bác sĩ Tiên nói.

Tắc động mạch chi dưới mạn tính là bệnh lý phát triển dai dẳng và theo từng giai đoạn, tỷ lệ tái phát cao. Người bệnh phải điều trị nội khoa lâu dài để kiểm soát bệnh huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, đồng thời thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, tập luyện thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng lý tưởng,...

Các bác sĩ khuyến cáo khi có dấu hiệu đau cách hồi, đau không thể đi lại, sưng tím ngón chân,... bệnh nhân cần đi kiểm tra để giảm thiểu biến chứng do tắc động mạch hay cắt cụt chi, tàn phế suốt đời.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hut-thuoc-hon-30-nam-nguoi-dan-ong-suyt-phai-cat-cut-chi-post1334520.html