Người đàn ông tự cứu mình khỏi cơn đột quỵ cấp

Khi đang ngủ, ông Hiếu thấy mình bị yếu liệt chân tay, nói ngọng. Do thường xuyên đọc báo về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, ông nhận ra mình đang có dấu hiệu của bệnh đột quỵ nên gọi bạn nhờ đưa đi cấp cứu.

Sau khi đón Giao thừa còn gia đình, ông Nguyễn Văn Hiếu, (53 tuổi, trú tại Bình Minh, Vĩnh Long) đi ngủ vào lúc 1h, sức khỏe bình thường. Bốn giờ sáng, ông chợt nhận thấy tay chân yếu hơn. Ông đổi tư thế nằm ngửa để theo dõi thêm. 10 phút trôi qua, tình trạng này vẫn không thay đổi.

Do có thói quen đọc báo hàng ngày để cập nhật các thông tin về sức khỏe, ông nhận ra bản thân đang có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ. Vội lấy điện thoại gọi cho bạn, ông nghe giọng của mình đã ngọng, lưỡi cứng hơn.

Ông cố gắng ngồi dậy, không dám đứng lên đi vì sợ ngã ảnh hưởng tới não và bình tĩnh gọi vợ. Vài phút sau, người bạn đã đến nhà và đưa ông đi bệnh viện trong tình trạng liệt tay, chân trái.

Ông Hiếu qua cơn nguy kịch nhờ tự nhận ra tình trạng đột quỵ của mình. Ảnh BVCC

Ông Hiếu qua cơn nguy kịch nhờ tự nhận ra tình trạng đột quỵ của mình. Ảnh BVCC

Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị đột quỵ cấp nên được chụp MRI não. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não và được điều trị thuốc tiêu sợi huyết. Đến 16h ngày mùng 1 Tết, ông Hiếu tỉnh dậy, tay chân không còn liệt. Sau ba ngày, ông hồi phục hoàn toàn.

Bệnh nhân này cho rằng mình may mắn thoát "cửa tử" vì tự nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ nên đến bệnh viện sớm và được bác sĩ cứu chữa nhanh chóng.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đột quỵ hay còn gọi tai biến mach máu não là biến cố xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não của chúng ta bị giảm hoặc mất hoàn toàn. Tình trạng này xuất hiện do mạch máu não bị tắc hoặc vỡ khiến vùng não đó không còn được cung cấp oxy nên chết đi. Trường hợp bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời, tế bào nào đã chết sẽ không thể khôi phục chức năng như trước.

Theo thống kê, trong số bệnh nhân bị đột quỵ, 10-13% bệnh nhân tàn phế, nằm liệt giường, 12% hồi phục một phần, 25% bệnh nhân có thể độc lập đi lại.

Đột quỵ là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới và 5 triệu người tàn phế hoặc chịu những di chứng. Tại Việt Nam, căn bệnh này vượt qua ung thư trở thành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Lĩnh, Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đột quỵ thiếu máu não chiếm tới 80% các trường hợp đột quỵ nói chung. Điều trị nhồi máu não có 2 phương pháp bằng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân có tắc mạch lớn.

Thời gian có thể điều trị tái thông rất ngắn, chỉ trong vòng 3-4,5 giờ kể từ khi khởi phát bệnh. Hiện nay, khoảng 3-5% bệnh nhân được tiếp cận với những phương pháp này. Số còn lại do đến viện muộn đã qua thời gian vàng.

Vì vậy, bác sĩ Lĩnh khuyến cáo người dân cần hiểu rõ các triệu chứng khởi phát đột quỵ não như méo miệng, nói ngọng, tê yếu tay chân, mất thăng bằng, nhìn mờ... PGS cũng Nam cho rằng khi một người có biểu hiện của đột quỵ cần gọi cấp cứu 115, hoặc người chứng kiến đưa bệnh nhân đến các các cơ sở y tế để được xử lý ngay lập tức.

Phương Thúy Nhà báo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nho-cham-chi-doc-bao-nguoi-dan-ong-tu-cuu-minh-dem-giao-thua-2105624.html