Người đàn ông 'vũ phu nhất huyện' bật khóc khi nhắc đến chuyện quá khứ
'Qua các thước phim phản ánh về tình trạng bạo lực gia đình tôi nhận thấy hình ảnh của mình ở trong đó và tôi nghĩ rằng bản thân mình cần phải thay đổi để có một cuộc sống tốt đẹp hơn…', người đàn ông nhiều năm bạo hành vợ chia sẻ.
Cầm dao dọa giết vợ chỉ vì… nói nhiều
Ở xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) ai cũng bảo anh Nguyễn Văn Binh* (SN 1983) là người đàn ông vũ phu nhất xã, thậm chí nhất huyện. Trong vòng 9 năm, anh Binh đã cưới tới 3 vợ và người vợ nào cũng bị anh đánh đến "thân tàn ma dại", nhẹ thì bầm tím chân tay, mặt mũi; còn nặng thì đi viện cấp cứu.
Tiếng xấu đồn xa, anh Binh cũng trở nên nổi tiếng trong vùng vì không ai đánh vợ, cưới vợ nhiều như anh. Từ một người đàn ông bị mang tiếng là gia trưởng, cục cằn, nhưng bằng cách nào đó, anh Binh rất nhanh chóng cưới được vợ mới sau mỗi lần ly hôn.
Kể về mối lương duyên với người vợ đầu tiên vào năm 2009, anh Binh cho biết, đó là mối tình đẹp, anh chị đã có khoảng thời gian yêu nhau 5 năm trước khi nên duyên vợ chồng. Sau 3 năm chung sống cùng nhau, vợ chồng anh chị sinh được 2 người con trai vào các năm 2010, 2012.
Trước đây mỗi lần tan làm là anh lại về nhà hỗ trợ vợ chăm con, nhưng sau khi có cậu con trai thứ 2, anh Binh thường xuyên đi tụ tập ăn nhậu, hát hò với bạn bè. Tiền công cả tháng không đưa vợ đồng nào, thậm chí còn vay tiền của người thân để chơi bời.
"Bạn bè mời mình 1 bữa ăn, mình cũng phải mời bạn lại 1 bữa hát. Là thằng đàn ông thì cũng phải có thể diện, chứ không thể đi 'ăn chùa' mãi được. Người ta mời mình 1 lần, 2 lần mình từ chối, nhưng đến lần thứ 3 người ta mời mà không đi thì còn ai chơi với mình nữa…", anh Binh nói và cho biết, sau mỗi lần đi ăn nhậu với bạn bè về thì vợ lại nói này nói kia.
Hoàn cảnh vợ chồng anh Binh thời điểm đó rất khó khăn, cả nhà chỉ trông chờ vào mỗi đồng lương đi làm thợ đóng gạch của anh, nhưng anh kiếm được đồng nào là xào đồng ấy, 2 đứa con nhỏ cũng không được anh mua cho hộp sữa hay gói bánh nào. Cuộc sống không tiền, vợ chồng anh thường xuyên cãi nhau và mỗi lần cãi nhau anh Binh lại sử dụng nắm đấm để giải quyết mọi chuyện. Có lần anh vừa đánh vừa chửi, cầm cả dao kề vào cổ vợ dọa giết chỉ vì tội… nói nhiều.
Âm thầm chịu đựng
Chứng kiến cảnh chồng sa đọa, nhiều lần chị Hiền* (vợ anh Binh) góp ý, nhưng mỗi lần chị lên tiếng là mỗi lần chị bị... "ăn đòn". Sống cùng anh Binh thời điểm đó chẳng khác gì "địa ngục trần gian". Do không chịu được cảnh bị chồng suốt ngày đánh đập, chửi bới, cuối năm 2012, người phụ nữ xấu số này làm đơn ly hôn gửi ra tòa và được tòa chấp nhận.
Chỉ 1 năm sau khi ly hôn người vợ đầu tiên, anh Binh kết hôn với một cô gái khác huyện, nhưng bản tính anh Binh không thay đổi. Cuộc hôn nhân này nhanh chóng khép lại bằng lá đơn ly hôn của người vợ khi cả 2 chung sống chưa đầy 2 năm.
Năm 2018, trong một lần đi lái máy cày cho nhà bà ngoại, anh Binh bị lật xe, trong lúc chờ máy cẩu đến hỗ trợ thì anh gặp chị Bích* (SN 2000) đang cấy lúa ở ruộng bên cạnh. Anh Binh sang bắt chuyện, thế rồi vài câu đong đưa, vài lời bông đùa, anh Binh đã xin được số điện thoại và hàng ngày nhắn tin tán tỉnh chị Bích.
Chị Bích dù biết tiểu sử của anh Binh nhưng vẫn đem lòng cảm mến. Thời gian đầu cặp đôi này cứ suốt ngày quấn quýt, ríu rít như đôi chim ri. Bố mẹ chị Bích thấy thế nên cũng đồng ý cho chị kết hôn với anh Binh khi cả 2 quen nhau chưa đầy 2 tháng. Ngã rẽ cuộc đời của cô thôn nữ vừa bước sang tuổi 18 cũng bắt đầu kể từ đây. Sau đêm tân hôn là chuỗi ngày kinh hoàng khi liên tục phải hứng chịu những trận đòn vô cớ từ chồng.
"Cứ mỗi lần chồng em đi uống rượu về là lại đánh, vớ được cái gì là cầm cái đó phang, lần thì đòn gánh, lần thì cái mũ cối, có lần cầm cả cái phích nước nóng ném vào người em, trong khi em đang bế con. Chồng chửi mắng không cần lý do, thấy chồng về muộn, em hỏi thăm thì anh ấy cũng lao vào đánh túi bụi. Hôm sau em rút kinh nghiệm không nói gì nữa, thế rồi anh ấy vẫn đánh…", chị Bích trải lòng.
Chị Bích sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố mẹ chị cũng thường xuyên xảy ra cãi nhau, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Chính vì điều này mà chị Bích hiểu rằng cặp vợ chồng nào rồi cũng có lúc cơm không lành, canh không ngọt. Quan trọng phải biết cư xử sao cho cuộc sống nhẹ nhàng, để có thể tiếp tục thắp tiếp ngọn lửa hạnh phúc.
Dù luôn nhẫn nhịn, yêu thương chồng, nhưng từ ngày lấy nhau về, chị Bích ăn đòn còn nhiều hơn... ăn cơm. Mặc dù bị đánh liên tục trong 1 thời gian dài, nhưng chị Bích âm thầm chịu đựng, không dám nói với ai, vì sợ nói ra sẽ bị chồng đánh nhiều hơn.
Được trang bị nhiều kỹ năng
Khoảng tháng 9/2019, sau trận đòn nhừ tử, chị Bích đánh liều, đem chuyện mình bị chồng đánh kể với 1 cán bộ xã. Trước khi đi đến quyết định này chị đã xác định rằng nếu đến tai chồng thì sẽ phải chịu đòn, nhưng chị nghĩ dù kể hay không kể thì cũng sẽ bị đánh. Thà rằng cứ kể ra nếu mọi người giúp đỡ được thì tốt.
Ông Hồ Diên Cảnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cho biết, chuyện anh Binh thường xuyên bạo hành vợ diễn ra từ lâu, cả 3 đời vợ đều bị anh này đánh đập. Công an xã nhiều lần phải gọi anh Binh lên nhắc nhở, ngoài ra thì cán bộ Hội phụ nữ cũng nhiều lần đến gia đình làm công tác hòa giải, giúp vợ chồng gắn kết hơn. Thế nhưng chỉ được vài hôm, gia đình anh Binh lại xảy ra chuyện.
"Cuối năm 2019, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam phối hợp cùng Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu mở các lớp tập huấn về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và thành lập đội phản ứng nhanh ở xã (gồm 15 người: trong đó có cán bộ thôn, hội viên phụ nữ, công an…). Đội phản ứng nhanh được trang bị các kiến thức tiếp cận nạn nhân cũng như trong công tác hòa giải. Chỉ trong 1 thời gian ngắn hoạt động "đội phản ứng nhanh" đã mang lại các kết quả khả thi, tình trạng bạo lực gia đình giảm hẳn. Nhiều người đàn ông trước đây hay đánh vợ nay đã thay đổi rất nhiều. Phụ nữ bị bạo hành cũng đã dám lên tiếng…", ông Cảnh nói.
Chị Bích cho biết, sau khi tham gia vào các lớp tập huấn về BLGĐ, chị đã được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, chăm sóc bản thân và phát triển lòng tự tin. Khi thấy chương trình hay và bổ ích, chị đã thuyết phục được chồng tham gia câu lạc bộ dành cho nam giới và chỉ trong 1 thời gian ngắn, chồng chị đã có những thay đổi bất ngờ.
"Ở lớp tập huấn họ hướng dẫn tôi nhiều thứ lắm. Ví dụ: Khi nào thấy sắc mặt chồng không vui và nói lời lẽ khó nghe thì mình phải đảm bảo an toàn cho mình ví dụ nhẫn nhịn, hay tìm nơi an toàn, hạn chế khiến căng thẳng leo thang gây nguy hiểm cho chính mình. Nếu chồng vẫn bực tức thì tôi sẽ tránh mặt đi khoảng 30 phút. Vì cơn bực tức nhất sẽ kéo dài trong khoảng 30 phút đầu tiên. Nếu định khuyên ngăn chồng cái gì thì phải lựa lúc nào 2 vợ chồng vui vẻ nhất mới nói, chứ những lúc chồng say, về muộn mà nói từ nay chồng đừng đi uống rượu nữa thì cũng rất dễ bị đánh… từ ngày tham gia lớp tập huấn tôi đã biết cách bảo vệ bản thân và hạn chế để mình bị tổn thương thân thể…", chị Bích vui vẻ nói.
"Ân hận vì đánh vợ nhiều quá"
Kể về những thay đổi của bản thân, anh Binh nói: "Trước đây, gần như ngày nào 2 vợ chồng cũng xảy ra chuyện, việc đánh vợ xảy ra như cơm bữa. Nhưng sau khi tham gia các buổi học, tôi đã nhận ra nhiều điều. Không còn đánh mắng vợ nữa mà thấy thương nhiều hơn. Nghĩ lại những gì đã đối xử với vợ, tôi ân hận vô cùng…".
"Tham gia các buổi tập huấn, tôi được xem nhiều các clip, bộ phim ngắn về BLGĐ, hậu quả của việc bạo lực ảnh hưởng rất lớn đến con cái, người thân. Còn bản thân người gây ra bạo lực thì bị xã hội xa lánh, ghẻ lạnh. Qua các thước phim phản ánh về tình trạng BLGĐ tôi nhận thấy hình ảnh của mình ở trong đó và tôi nghĩ rằng bản thân mình cần phải thay đổi để có một cuộc sống tốt đẹp hơn… ".
Anh Nguyễn Văn Binh
Từ một người đàn ông luôn cậy sức mạnh, dùng quyền làm chồng để chèn ép, đánh chửi vợ, anh Binh đã thay đổi sau khi được tập huấn. Giờ đây, anh đã tu chí làm ăn, không còn tham gia các cuộc nhậu vô bổ. Thay vào đó là những buổi đưa vợ đi chơi, đi mua sắm.
Câu chuyện buộc phải dừng lại vì anh Binh liên tục bị xúc động, rơi nước mắt khi được hỏi về quá khứ...
*Tên nhân vật đã được thay đổi.