Người dân phải làm gì khi phát hiện người thân của mình phạm tội?

Theo quy định của pháp luật, khi phát hiện người thân phạm tội, người dân cần trình báo cho cơ quan chức năng để tránh bị khởi tố về các hành vi 'Không tố giác tội phạm' hoặc 'Che dấu tội phạm'.

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố đối tượng Bùi Đình Khánh về các tội Giết người; Mua bán trái phép chất ma túy; Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Ngoài việc Bùi Đình Khánh bị khởi tố, bắt tạm giam, bạn gái của Khánh là Nguyễn Hoài Thương cũng bị khởi tố về hành vi Che giấu tội phạm. Đây là vụ án liên quan các đối tượng buôn ma túy bắn tử vong một cán bộ công an ở Quảng Ninh.

Bùi Đình Khánh và bạn gái bị khởi tố trong cùng một vụ án

Bùi Đình Khánh và bạn gái bị khởi tố trong cùng một vụ án

Cũng trong vụ án này, bị can Hà Thương Hải bị khởi tố, bắt tạm giam về các tội Giết người; Mua bán trái phép chất ma túy; Tàng trữ trái phép chất ma túy; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Ngoài ra, nhiều người thân của Hà Thương Hải cũng bị khởi tố về tội Che giấu tội phạm gồm: mẹ, vợ và bạn gái của đối tượng Hải.

Thông qua vụ việc, dư luận đang quan tâm đến vấn đề: Nên xử lý thế nào khi phát hiện người thân của mình phạm tội? Phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam đã phỏng vấn Luật sư Đỗ Thành Hưng (Giám đốc công ty luật TNHH LTH, Đoàn luật sư TP Hà Nội) liên quan vấn đề này.

PV: Thưa luật sư, luật sư có thể cho biết, pháp luật quy định như thế nào về việc phát hiện người thân phạm tội. Trong trường hợp này, người dân phải làm thế nào để không vi phạm pháp luật?

Luật sư Đỗ Thành Hưng: Khi phát hiện người thân của mình phạm tội, thì tùy từng giai đoạn phạm tội và hành vi của người dân mà pháp luật sẽ có những quy định khác nhau. Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta cần phân biệt được thế nào là: “Không tố giác tội phạm” và thế nào là “Che dấu tội phạm”, cụ thể:

Đối với hành vi “Không tố giác tội phạm”, pháp luật hình sự hiện hành đang quy định rằng người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong trường hợp này, hành vi của chủ thể là biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện hoặc đã được thực hiện nhưng không tố giác với cơ quan chức năng có thẩm quyền mặc dù đã biết rất rõ về tội phạm.

Đối với hành vi “Che dấu tội phạm”, pháp luật hình sự hiện hành cũng quy định người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, giấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm theo quy định tại Điều 389 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Biểu hiện của hành vi này thường được thể hiện ở các dạng khác nhau như: Che giấu người phạm tội (vd: Cho người phạm tội trốn trong nhà mình hoặc nơi khác hoặc biết người phạm tội đang ở đâu nhưng không khai báo và tìm mọi cách che giấu người phạm tội); Che giấu giấu vết, tang vật của tội phạm hoặc hành vi cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm (Ví dụ: cố tình cung cấp các thông tin sai sự thật, xóa bỏ giấu vết của tội phạm, tiêu hủy các công cụ, phương tiện tội phạm…)

Như vậy, có thể hiểu đơn giản là khi biết rõ tội phạm đang chuẩn bị được thực hiện, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì tùy trường hợp sẽ bị xử lý về tội Không tố giác tội phạm. Trường hợp không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, giấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm theo quy định.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào có hành vi che dấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm cũng phải chịu trách nhiệm hình sự, bởi:

Luật sư Đỗ Thành Hưng (Giám đốc công ty luật TNHH LTH, Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Đỗ Thành Hưng (Giám đốc công ty luật TNHH LTH, Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Pháp luật hình sự cũng có quy định rất nhân văn, dựa trên tâm lý, đạo đức trong mối quan hệ ruột thịt và một phần của đạo lý truyền thống của người Việt Nam, đó là:

Trong trường hợp người có hành vi không tố giác tội phạm nhưng người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định (trừ trường hợp không tố giác các tội về Xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) – khoản 2 Điều 19 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trong trường hợp người có hành vi che dấu tội phạm nhưng người Che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định (trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định) – khoản 2 Điều 18 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Vì vậy, khi rơi vào hoàn cảnh này, người dân có thể tìm gặp Luật sư để được tư vấn xem hành vi của mình là không tố giác hay che dấu tội phạm, hành vi đó của mình có thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hay không để có thể đưa ra được quyết định đúng đắn nhất, tránh trường hợp vi phạm pháp luật.

PV: Nếu người dân thấy cần thiết phải trình báo công an về việc người thân của mình phạm tội thì nên làm như thế nào?

Luật sư Đỗ Thành Hưng: Khi phát hiện hành vi phạm tội hay biết tin báo về tội phạm và thấy cần thiết phải trình trình báo, người dân có thể thực hiện tố giác bằng hình thức văn bản hoặc lời nói. Người dân có thể đến trình báo (bằng lời) hoặc văn bản gửi đến Công an cấp xã/phường nơi cư trú.

Ngoài ra, người dân có thể gọi điện đến đường dây nóng của Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an hoặc đường dây nóng của Công an các tỉnh, thành phố để tố giác tội phạm.

Bị can Ngô Thị Thơ, mẹ đẻ của đối tượng Hà Thương Hải bị khởi tố về tội Che giấu tội phạm.

Bị can Ngô Thị Thơ, mẹ đẻ của đối tượng Hà Thương Hải bị khởi tố về tội Che giấu tội phạm.

PV: Làm sao để xác định hành vi của người thân mình có phải là hành vi phạm tội hay không?

Luật sư Đỗ Thành Hưng: Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy, để xác định được hành vi có phải là hành vi phạm tội hay không thì cần phải được chứng minh theo trình tự, thủ tục và phải có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, trước khi quá trình trên diễn ra, để biết hành vi của người thân mình có dấu hiệu của tội phạm hay không thì cần phải có có căn cứ chứng minh cũng như đánh giá từ những người có chuyên môn. Trong trường hợp muốn biết hành vi của người thân mình có dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không thì người dân có thể lắng nghe ý kiến tư vấn từ những người có chuyên môn như các luật sư có nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn hành nghề.

PV: Quan điểm của luật sư về những vụ việc đối tượng phạm tội kéo theo nhiều người thân phạm pháp, điển hình như trường hợp vụ án nói trên?

Luật sư Đỗ Thành Hưng: Trường hợp phạm tội của đối tượng Bùi Đình Khánh và Hà Thương Hải nói trên là trường hợp phạm nhiều tội và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Về tâm lý, những người thân thích như bố mẹ, vợ hay bạn gái đều sẽ có tâm lý bao che do có mối quan hệ huyết thống, vợ chồng hay mối quan hệ tình cảm yêu đương. Tuy nhiên đối với cả hai trường hợp này, người phạm tội đều phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên người thân thích không thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định.

Như đã phân tích ở trên, khi người phạm tội phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định thì người thân thích nếu biết về hành vi hay tin báo về tội phạm thì không được che dấu người phạm tội, giấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Đồng thời, người thân vẫn phải trình báo với cơ quan có thẩm quyền để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trọng Phú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/nguoi-dan-phai-lam-gi-khi-phat-hien-nguoi-than-cua-minh-pham-toi-post1195835.vov