Người dân phấn khởi, kỳ vọng vào công trình hồ nước ngọt

Mục tiêu của các dự án là xây dựng hồ trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận với nước sạch không gián đoạn, nhất là trong mùa khô, xâm nhập mặn…

Người dân ở Bến Tre dùng lu trữ nước mua sử dụng trong mùa khô hạn.

Người dân ở Bến Tre dùng lu trữ nước mua sử dụng trong mùa khô hạn.

Nỗi ám ảnh hạn mặn

Hàng năm, cứ khoảng cuối tháng 2 trở đi là vùng ven biển Bến Tre rơi vào cảnh khô hạn. Xa xa, trên những cánh đồng, người nông dân đội nắng cháy, đi cắt lúa chết vì nhiễm mặn về cho bò ăn. Ông Nguyễn Văn Lâm (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) kể, nhà ông trồng 2 công (2.000m2 - PV), năm nào vào mùa hạn mặn cũng bị khô héo vì thiếu nước ngọt. Có năm nước mặn về sớm cộng với khô hạn khắc nghiệt khiến cho cánh đồng của ông và những hộ dân lân cận nhuốm một màu vàng hoe. Ông Nguyễn Văn Lâm phải vạch từng gốc lúa, bới lớp đất đã khô queo, nứt nẻ, nhưng vẫn không thể cứu được cây lúa.

Cách đó không xa, với ông dân Trần Văn On, mỗi năm cứ đến mùa hạn mặn lại là một nỗi ám ảnh. “Hồi tháng 5 vừa rồi, tôi có 4 công lúa sạ được gần 1 tháng thì nước mặn xâm nhập vào làm cây lúa lụi dần rồi cháy vàng. Hết cách, tôi đành bỏ ruộng, đi làm lúa thuê kiếm cái ăn. Ai dè đi tới đâu gặp ruộng chết tới đó, bà con xung quanh đều khổ sở”.

Hạn mặn khiến nhiều đồng lúa khô héo vì thiếu nước.

Hạn mặn khiến nhiều đồng lúa khô héo vì thiếu nước.

Ông Nguyễn Văn Lâm và ông Trần Văn On là một trong số hàng ngàn nông hộ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng đang chịu tác động ngày càng tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu; mà điển hình nhất là tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn mỗi năm.

Đầu tháng 4 vừa qua, nước mặn xâm nhập sâu nên ảnh hưởng đến nguồn lấy nước của các nhà máy, dẫn đến nguy cơ gây thiếu nước cho khoảng 25.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp đảm bảo an ninh nguồn nước, chủ động cung cấp nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ cho thành phố Trà Vinh, huyện Càng Long và huyện Châu Thành trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp…

Xây hồ “cứu khát”

Nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, chủ động cung cấp nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt cho người dân; tỉnh Bến Tre đã triển khai xây dựng công trình hồ Lạc Địa sức chứa 1,3 triệu m3, là hồ trữ nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây, sẽ thi công vào năm 2021 và hoàn thành sau 5 năm, kinh phí hơn 352 tỷ đồng.

Thi công công trình hồ Lạc Địa sức chứa 1,3 triệu m3 ở Bến Tre.

Thi công công trình hồ Lạc Địa sức chứa 1,3 triệu m3 ở Bến Tre.

Dự án rộng 121ha, gồm 3 hạng mục là khu dân cư tập trung gắn với làng truyền thống, khu di tích lịch sử văn hóa và hồ lưu trữ nước ngọt. Trong đó, hồ có diện tích gần 57ha, sâu 4m, sức chứa 1,3 triệu m3. Khi hoàn thành, hồ sẽ cung cấp đủ nước trong 5 tháng mùa khô cho 59.500 hộ dân ở huyện Ba Tri, 340 cơ sở kinh tế, tiểu thủ công nghiệp, 255 phòng bệnh, trường học.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - chủ đầu tư cho biết: Mục tiêu của dự án là xây dựng mới hồ trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Ba Tri, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận với nước sạch không gián đoạn, nhất là trong mùa khô. Cùng với đó, kết hợp xây dựng hồ trữ nước ngọt với bảo tồn, quy hoạch xây dựng khu di tích căn cứ cách mạng Bưng Lạc Địa, quy hoạch xây dựng khu dân cư tập trung nhằm sắp xếp, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất đai, Khu sinh thái Lạc Địa để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Trần Minh Phương, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Xây dựng Chấn Hưng, một trong những nhà thầu thi công Gói thầu 01 của dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa cho biết: Những ngày qua, thời tiết mưa nắng thất thường, nhưng với tinh thần nỗ lực thi công, anh em công nhân luôn tranh thủ khi thời tiết đẹp, ăn vội bát cơm để còn làm việc, bù lại những thời gian phải ngừng thi công khi trời nắng nóng, mưa gió, để đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành đúng như cam kết với chủ đầu tư.

Khởi công dự án hạ tầng hồ chứa nước dọc bờ sông Láng Thé (giai đoạn 1) ở Trà Vinh.

Khởi công dự án hạ tầng hồ chứa nước dọc bờ sông Láng Thé (giai đoạn 1) ở Trà Vinh.

Mới đây, tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh đã diễn ra Lễ khởi công dự án hạ tầng hồ chứa nước dọc bờ sông Láng Thé (giai đoạn 1). Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư, bao gồm các hạng mục: Tuyến đường dọc hai bên sông Láng Thé, với tổng chiều dài 8,13km, chiều rộng mặt đường 11m; 7 tuyến đường kết nối 2.046km; chiều rộng đường 7,5m; 3 cầu giao thông (cầu Tất Định, Rạch Bọng, Trâm Sáu 2); cống thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 1.189 tỷ đồng, còn lại là ngân hàng Trung ương hơn 141 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 600 ngày (dự kiến hoàn thành tháng 4/2026).

Sông Láng Thé là một nhánh của sông Cổ Chiên, dài hơn 16km, chảy qua huyện Càng Long, Châu Thành và thành phố Trà Vinh. Đoạn sông xây hồ trữ nước ngọt có nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng, thường xuyên ngập úng vào mùa mưa và xâm nhập mặn vào mùa khô…

Vị trí thực hiện dự án nằm dọc theo sông Láng Thé chảy qua các xã Phương Thạnh, Đại Phúc, Đại Phước (huyện Càng Long), xã Nguyệt Hóa (huyện Châu Thành) và xã Long Đức (thành phố Trà Vinh).

Dự án khi hoàn thành có sức chứa hơn 10 triệu m3 nước trên địa bàn huyện Châu Thành, huyện Càng Long và thành phố Trà Vinh. Qua đó, giúp đảm bảo an ninh nguồn nước, chủ động cung cấp nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ cho thành phố Trà Vinh, huyện Càng Long và huyện Châu Thành trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp…

Bà Nguyễn Thị Xuân (xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Chúng tui rất vui mừng vì nay mai sẽ có hồ nước ngọt “cứu khát” cho một vùng rộng lớn. Bà con không phải sử dụng nước mặn, nên việc sinh hoạt, sản xuất sẽ đỡ vất vả hơn”.

Giang Sơn - Phạm Hổ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nguoi-dan-phan-khoi-ky-vong-vao-cong-trinh-ho-nuoc-ngot-387908.html