Người dân Phìn Ngan làm giàu nhờ cây sa nhân tím

Từng là xã nghèo của huyện Bát Xát, nhưng kể từ khi 'bén duyên' với cây sa nhân tím, nhiều hộ ở xã Phìn Ngan đã có thu nhập ổn định, từng bước xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Nhắc đến Phìn Ngan, nhiều người liên tưởng ngay đến mưa, lũ quét, sạt lở đất, đá… bởi từ năm 2010 đến nay, hầu như năm nào xã Phìn Ngan cũng hứng chịu những trận mưa, lũ lớn, nhỏ. Nặng nhất là trận lũ xảy ra vào tháng 8/2016 đã cướp đi sinh mạng của 3 người, cuốn trôi hàng chục căn nhà, hàng trăm héc ta hoa màu và nhiều công trình… Nhưng có lẽ chính từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà đồng bào các dân tộc Phìn Ngan đã nỗ lực học hỏi, chăm chỉ trong lao động, sản xuất, từ đó đưa cây sa nhân về trồng, chăm sóc và có được thành công như ngày nay.

Cây sa nhân tím được trồng nhiều ở xã Phìn Ngan.

Cây sa nhân tím được trồng nhiều ở xã Phìn Ngan.

Ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết: Phìn Ngan là xã trồng nhiều sa nhân tím nhất huyện Bát Xát, với khoảng 200 ha, trong đó 150 ha đã cho thu hoạch. Năng suất trung bình của sa nhân tím năm nay khoảng 0,7 tấn quả tươi/ha và giá bán quả tươi từ 150 nghìn đồng/kg trở lên, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân của xã.

Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, ông Tả liền “kéo” tôi đến nhà ông Chảo Láo Khờ, ở thôn Van Hồ của xã. Gia đình ông Khờ trồng gần 4 ha sa nhân tím, trong đó hơn một nửa đã cho thu hoạch, năm nay dự tính thu khoảng 1,5 tấn quả tươi, bán được hơn 200 triệu đồng. Ông Khờ tâm sự: Nhà tôi trồng sa nhân tím đã gần chục năm, năm nay vừa được mùa vừa được giá. Cây sa nhân dễ trồng, dễ chăm sóc. Nhờ cây sa nhân tím mà gia đình tôi đã thoát nghèo, mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt.

Ông Chảo Sành Tịnh, thôn Sùng Bang có hơn 3 ha cây sa nhân tím đã cho thu hoạch quả ổn định từ 2 năm trước. Năm nay, ông dự tính thu khoảng 2 tấn quả tươi, bán được gần 300 triệu đồng. Ngoài tiền bán quả tươi, gia đình ông Tịnh còn thu được vài chục triệu đồng từ tiền bán cây giống. Theo ông Tịnh, trồng cây sa nhân tím không tốn nhiều công làm cỏ, phun thuốc trừ sâu bệnh như các loại cây khác. Hơn nữa, cây sa nhân tím sinh trưởng và phát triển khá nhanh, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 2 năm, thu hoạch ổn định từ năm thứ 3 trở đi. Hiện sa nhân tím là cây trồng hiệu quả nhất trên đất Phìn Ngan, hơn cả thảo quả. Thời gian tới, gia đình ông sẽ tận dụng những tán rừng trồng để mở rộng diện tích cây sa nhân tím.

Ước tính, năm nay người dân Phìn Ngan thu gần 20 tỷ đồng từ tiền bán quả và cây giống sa nhân tím. Có thể khẳng định, cây sa nhân tím là cây trồng chủ lực của nông dân xã Phìn Ngan thời điểm này. Cây sa nhân tím được ngành chức năng đánh giá là phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của xã Phìn Ngan. Cây trồng ở độ cao vừa phải, khoảng 1.000 m so với mực nước biển nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi băng, tuyết. Một ưu điểm nữa là cây được trồng dưới tán rừng trồng nên không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng tự nhiên như cây thảo quả. “Hiện nay, giá quả sa nhân tươi đang ở mức cao, dao động khoảng 140 - 150 nghìn đồng/kg. Cây sa nhân đã góp phần nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo thôn bản của xã”, ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã nói.

Không chỉ ông Khờ, ông Tịnh, mà trên địa bàn xã Phìn Ngan hiện có hơn 100 hộ trồng sa nhân tím, mỗi hộ trồng khoảng 1 - 3 ha, có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm nay, sa nhân vừa được mùa vừa được giá, chắc chắn mảnh đất Phìn Ngan lại có thêm nhiều hộ thoát nghèo, thậm chí vươn lên trở thành hộ giàu nhờ loại cây này.

Trung Nguyên

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/nguoi-dan-phin-ngan-lam-giau-nho-cay-sa-nhan-tim-z3n20191029091558553.htm