Người dân quê mình không ai còn dám tắm sông

Sông bây giờ nước vẫn lớn, ròng đều đặn ngày 2 buổi nhưng gan cùng mình mới dám tắm sông

NƯỚC VẪN TRONG NHƯNG… KHÔNG DÁM TẮM

Ngày cuối tuần chú Sáu đưa mấy đứa con từ Sài Gòn về quê thăm ông bà nội. Vừa về tới, gặp con nước lớn đầy ắp trên con rạch Cái Sơn trước nhà, nên chào hỏi xong là mấy cha con chú Sáu hò nhau nhảy ùm xuống rạch, thi nhau vùng vẫy. Mấy cha con vừa tắm vừa khoái chí la hét vang trời, hai đứa nhỏ còn luôn miệng so sánh: tắm sông ở quê nội sướng hơn… tắm hồ bơi trên Sài Gòn.

Giữa lúc mấy cha con chú Sáu tắm quậy tưng bừng dưới bến sông thì bất ngờ ông Năm Cường xuất hiện trên bờ, miệng la bài hãi: "Trời ơi ! Bộ cha con tụi bây bị… khùng hết hay sao mà nhào xuống sông tắm? Cả chục năm nay xóm này không ai dám xài nước sông, chỉ có cha con tụi bây gan cùng mình mới dám xuống tắm".

Nghe ông Năm Cường la vậy, chú Sáu cười khà khà nói: "Sao vậy ông Năm. Con rạch này hồi nhỏ mấy anh em con lặn hụp suốt ngày, nước lớn thì tắm táp, nước ròng thì bắt tôm bắt cá, có đứa nào… chết đâu?". Nhưng ông Năm Cường cương quyết buộc cha con chú Sáu phải lên bờ ngay tức khắc và phải tắm lại bằng nước giếng khoan.

Trong buổi trà dư tửu hậu chiều hôm đó, ông Năm Cường mới từ tốn giải thích: "Nước sông bây giờ dơ lắm. Tắm vui một chút không sướng ích gì, nhưng coi chừng tốn tiền mua thuốc. Mấy đứa thấy không, nước lớn mênh mông con rạch mà con nít xóm này có đứa nào thèm xuống tắm, chỉ có cha con tụi bây "điếc không sợ súng" mới liều mạng nhào xuống rạch".

Ông Năm Cường nói vậy nhưng chú Sáu vẫn cố cãi: "Con thấy nước dưới sông vẫn trong veo như hồi xưa, có khác gì đâu? Chắc bà con mình có nước máy sinh hoạt nông thôn từ giếng khoan tầng sâu nên mấy đứa nhỏ trong xóm… quên mất thú vui tắm sông rồi".

Chú Sáu vừa dứt lời thì ông Năm Cường hỏi: “Cháu đi về dọc đường có thấy nơi nào bà con nông dân quê mình cũng lập vườn trồng cây ăn trái không? Cháu biết mỗi năm 1 héc-ta vườn cây ăn trái cần bao nhiêu thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học hay không? Cháu có biết mỗi năm có bao nhiêu tấn dư lượng thuốc BVTV và phân bón hóa học theo nước mưa, nước tưới trôi xuống kênh mương rồi đổ ra sông rạch hay không ? Rồi thiên hạ còn đua nhau quăng đủ mọi loại rác thải xuống sông nữa, nên nước sông tuy trong nhưng không còn lành như ngày xưa đâu cháu. Chính vì vậy mà người dân quê mình không ai còn dám tắm sông”.

Tắm sông, chuyện đã thành "cổ tích" với nhiều trẻ em ĐBSCL vì ô nhiễm thuốc BVTV, phân bón hóa học

Tắm sông, chuyện đã thành "cổ tích" với nhiều trẻ em ĐBSCL vì ô nhiễm thuốc BVTV, phân bón hóa học

Không phải chờ lâu, câu chuyện của ông Năm Cường được chứng minh tức thời: vừa ăn cơm chiều xong thì 2 đứa con của chú Sáu tự nhiên kêu ngứa khắp mình mẩy, da nổi mẩn đỏ. Chú Sáu tức tốc đưa con lên thị trấn Cái Bè đến bác sĩ, 2 đứa nhỏ được chẩn đoán là bị dị ứng da. Uống thuốc, xức thuốc cả đêm mà bệnh tình của 2 đứa nhỏ vẫn không thuyên giảm nên sáng hôm sau chú Sáu đành cắt ngắn chuyến về quê, đưa con trở lại Sài Gòn điều trị.

Trước khi xe lăn bánh, ông Năm Cường còn căn dặn với chú Sáu: "Nhớ điều này nghe con: sông rạch bây giờ nước vẫn lớn, ròng đều đặn ngày 2 buổi nhưng đủ thứ rác trôi lềnh bềnh khắp nơi, lại còn thêm nạn ô nhiễm thuốc BVTV, phân bón hóa học, nên lâu rồi không ai dám xài nước sông, lần sau cha con bây về quê chớ có dại dột".

SÔNG RẠCH ĐANG KÊU CỨU

Nghe chuyện của cha con chú Sáu, thầy giáo Sơn bạn của ông Năm Cường, giảng dạy môn hóa – sinh và nghiên cứu về môi trường, ngậm ngùi nói: "Tụi nhỏ đứa nào về quê mà không mê tắm sông, nhưng bây giờ không riêng con rạch Cái Sơn mà hầu như nguồn nước trên tất cả sông rạch ở đồng bằng sông Cửu Long đều bị ô nhiễm, không còn trong lành nữa".

Để chứng minh, thầy giáo Sơn đưa ra những thông số mà "ông giáo làng" này tích lũy được trong quá trình tự nghiên cứu: ĐBSCL có tổng diện tích tự nhiên khoảng 40.554 km2, chiếm 12,25% diện tích tự nhiên của cả nước, trong đó có khoảng 2,6 triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm và trồng lúa.

Sau mùa vụ sản xuất, nhiều địa phương tổ chức thu gom vỏ thuốc BVTV trên đồng ruộng, nhưng sau đó nhà nông vẫn vô tư thải ra môi trường, gây ô nhiễm.

Sau mùa vụ sản xuất, nhiều địa phương tổ chức thu gom vỏ thuốc BVTV trên đồng ruộng, nhưng sau đó nhà nông vẫn vô tư thải ra môi trường, gây ô nhiễm.

Theo một nghiên cứu của trường Đại học An Giang, tỉnh An Giang có diện tích đất nông nghiệp khoảng 600.000ha, nếu 1ha sử dụng bình quân 10kg thuốc BVTV thì nhà nông cần đến 6.000 tấn thuốc BVTV/năm. Không kể khối lượng thuốc BVTV tồn lưu trong đất rồi theo nước mưa, nước tưới trôi xuống kênh mương, sông rạch, chỉ riêng khối lượng bao bì, chai lọ, rác thải từ thuốc BVTV ước chừng 600 tấn/năm (trọng lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng lượng thuốc).

Nếu lấy "những con số biết nói" này nhân với 2,6 triệu héc-ta tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn vùng thì sẽ thấy một sự thật rất đáng kinh hãi. Kết quả điều tra của Đại học An Giang còn cho thấy có đến 50% rác thải thuốc BVTV được nhà nông vô tư bỏ lại ngoài môi trường, chỉ có 50% được nhà nông bán ve chai (đối với chai nhựa) và các ngành chức năng cùng doanh nghiệp sản xuất nông dược tổ chức thu gom lại để tiêu hủy.

Ngoài ô nhiễm thuốc BVTV, nhiều năm qua ô nhiễm môi trường do phân bón hóa học tồn lưu trong đất ở các tỉnh ĐBSCL cũng lên đến con số kinh hoàng: hơn 140.000 tấn/năm. Cũng như thuốc BVTV, lượng phân bón hóa học dư thừa trong sản xuất cũng theo nước mưa, nước tưới trôi xuống sông rạch, kênh mương trong vùng. Đó là chưa kể đến khoảng 1 triệu tấn chất thải từ nguồn thức ăn, thuốc kháng sinh các loại dư thừa ở các ao nuôi tôm, nuôi cá dày đặc tại các tỉnh miền Tây Nam bộ được thải ra môi trường.

Theo thầy giáo Sơn, từ xưa đến nay đặc tính của dòng chảy sông rạch là làm sạch môi trường, nhưng thời gian gần đây các dòng sông đã phải "kêu cứu" vì gánh chịu nguồn ô nhiễm quá mức, chức năng làm sạch gần như đã không còn.

Trong khi đó Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về môi trường ở ĐBSCL, cho rằng chính bàn tay con người đang tự hủy diệt môi trường sống của mình khi trực tiếp ngăn cản chức năng tự làm sạch của dòng chảy sông rạch. Theo ông Thiện, việc xây dựng quá nhiều các hệ thống cống, đập ngăn mặn, giữ ngọt trong toàn vùng thời gian qua đã khiến các dòng sông rơi vào trạng thái lờ đờ, dòng chảy không thông ra được những con sông lớn. Từ đó lượng thuốc BVTV, phân bón hóa học, chất thải chăn nuôi thủy sản dư thừa ngày càng tích tụ khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng.

Trên thực tế, lâu nay các chuyên gia nông nghiệp đều nhận ra vấn đề nghiêm trọng của ô nhiễm thuốc BVTV, phân bón hóa học và chất thải chăn nuôi thủy sản đối với cư dân ĐBSCL. Nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất được các chuyên gia liên tục khuyến cáo như yểm trợ kỹ thuật canh tác cho nhà nông, xây dựng năng lực nông dân hướng tới phát triển bền vững theo 3 bước cải thiện thu nhập, giảm chi phí sản xuất và giảm nhập lượng đầu vào, thực hiện các giải pháp ứng dụng kỹ thuật như "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"… trong sản xuất. Nhưng lâu nay có đến 70% nhà nông ở ĐBSCL vẫn khoái sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo ý thích của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tín, Trưởng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) cho biết từ thập niên 1980 đến nay giá trị nhập khẩu, số lượng và chủng loại hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu liên tục tăng. Các số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, trong giai đoạn 2000 - 2011, số loại thuốc BVTV đăng ký và sử dụng ở nước ta tăng gấp 10 lần. Riêng năm 2017, trong 430.000 tấn thuốc BVTV nhập khẩu có 38,1% thuốc trừ cỏ, 13,2% thuốc trừ sâu, 17,5% thuốc trừ bệnh, 1,3% thuốc trừ ốc và 1,3% thuốc điều hòa sinh trưởng, còn lại 28,6% là các loại nguyên phụ liệu khác.

Nghe thầy giáo Sơn đưa ra "những con số biết nói kinh hoàng" cùng nhận định của các chuyên gia, ông Năm Cường chỉ còn biết lắc đầu chép miệng thở dài.

Theo Anh Hùng (Tạp chí Nông thôn Việt)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/dia-phuong/nguoi-dan-que-minh-khong-ai-con-dam-tam-song-20190616123106076.htm