Người dân quét mã QR 'lạ' bị lừa đảo như thế nào?

Liên quan đến vụ 'Người dân cảnh giác thẻ 'lạ' chứa mã QR treo trên xe, cửa nhà ở TPHCM' như Báo Sài Gòn Giải Phóng đã thông tin, ngày 6-7, Công an TPHCM cho hay, hình thức lừa đảo theo chiêu thức quét mã QR xuất hiện khá nhiều và có nhiều cách khác nhau, hòng chiếm đoạt bằng được tài sản của người dân.

Theo Công an TPHCM, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn tùy vào thời điểm và ngày càng tinh vi, ứng dụng những công nghệ mới nhất.

Cơ quan chức năng đã chủ động tuyên truyền tới từng nhà dân, tuy nhiên, tình hình tội phạm lừa đảo vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Mới nhất là chiêu thức một số đối tượng treo các thẻ "lạ" có chứa mã QR lên xe, cửa nhà dân; giả nhân viên ngân hàng để hỗ trợ cài đặt sinh trắc học...

Chiêu thức lừa đảo bằng quét mã QR từng xuất hiện ở một số bệnh viện, cửa hàng buôn bán… Các đối tượng lợi dụng nhiều bệnh nhân hay khách hàng đông, trà trộn dán các mã QR “lạ” đè lên mã QR của bệnh viện, cửa hàng. Khi bệnh nhân, người dân quét mã thanh toán không kiểm tra thì tiền này sẽ chuyển qua tài khoản của các đối tượng lừa đảo.

Ngoài ra, người dân còn nhận được bưu phẩm tặng quà 0 đồng kèm thẻ cào dự thưởng. Người dân cào ra thì trúng thưởng có giá trị lớn và quy trình đổi thưởng phải quét mã QR. Người dân chỉ cần quét mã QR là bị dẫn dụ và “sập bẫy” mất tiền.

Thậm chí, đối tượng lừa đảo còn dùng chiêu phát tờ rơi quảng cáo dịch vụ massage có mã QR để người dân quét, truy cập website. Sau đó, những người này phải tải ứng dụng nhằm xem ảnh "nhạy cảm" của các người đẹp, giá cả dịch vụ. Thực chất, đây là phần mềm gián điệp, độc hại, đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.

 Công an cảnh báo việc hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo người dân

Công an cảnh báo việc hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo người dân

Đầu tháng 7-2024, một số đối tượng treo các thẻ "lạ" có chứa mã QR lên xe, cửa nhà dân để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Công an xác định, khi người dân quét mã QR bằng điện thoại thì thiết bị sẽ bị xâm nhập, chiếm quyền điều khiển; các đối tượng lừa đảo dễ dàng lấy tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc chiếm đoạt thông tin cá nhân…

Một cán bộ công an cho hay, hiện nay, việc quét mã QR để thanh toán ngày càng phổ biến, do tiện lợi và nhanh. Vì thế, tội phạm lợi dụng mã QR để tìm cách chiếm đoạt tài sản hay thông tin cá nhân của người dân.

Để tránh bị lừa, cơ quan chức năng đề nghị người dân khi quét mã QR, đặc biệt là các mã QR được dán, chia sẻ ở những nơi công cộng, gửi qua mạng xã hội, thư điện tử... cần xác minh kỹ thông tin giao dịch mới thực hiện các bước chuyển tiền trực tuyến.

Nếu quét mã QR có đưa tới đường link lạ, người dân cần phải kiểm tra kỹ đường link này có bắt đầu với https và tên miền hay không, sau đó mới thực hiện thao tác tiếp theo.

Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội… và phải xác thực 2 yếu tố, sử dụng phương thức bảo vệ khác cho các loại tài khoản đang sử dụng.

Các cơ quan, tổ chức cung cấp mã QR cần trong các hoạt động thanh toán, cung cấp thông tin, cơ quan chức năng đề nghị cần chú ý tuyên truyền đến người dùng về các thủ đoạn lừa đảo, cảnh báo đến khách hàng của mình; đưa ra giải pháp xác minh giao dịch có dấu hiệu bất thường; kiểm tra các mã QR được dán tại địa điểm cung cấp.

CHÍ THẠCH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-dan-quet-ma-qr-la-bi-lua-dao-nhu-the-nao-post748070.html