Người dân rốn lũ Quảng Bình chong đèn ăn cơm, dọn bùn khi nước rút
Mực nước tại sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đang rút dần. Tuy nhiên, nhiều xã tại huyện này vẫn chưa được cấp điện, nước trở lại.
Hôm nay (30/10), mực nước tại sông Kiến Giang đã rút khoảng 1,5m so với những ngày trước. Tuy nhiên, nhiều thôn, xã tại huyện Lệ Thủy - vùng rốn lũ tỉnh Quảng Bình vẫn đang chật vật trong sinh hoạt hàng ngày.
Thời điểm 19h tối, trên nhiều tuyến đường tại xã Liên Thủy vẫn còn nhiều đoàn cứu trợ, các tổ chức thiện nguyện, lực lượng chức năng tỏa đi các hướng trên địa bàn huyện để hỗ trợ, cung cấp thực phẩm cho người dân.
Ngồi trên chiếc đò chòng chành giữa biển nước để ra nhận đồ cứu trợ, bà Lê Thị Quyên (thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy) cho biết, mực nước tại thôn vẫn đang ở mức cao. Để chủ động, bà thường sử dụng chiếc đò nhỏ để di chuyển trong thôn cũng như đi nhận đồ tiếp tế từ các tổ chức.
Vội vàng trao cho bà Quyên đùm rau quả và ít đồ ăn khô, anh Chiến (Lệ Thủy) cho biết, gia đình ở vùng không bị ngập lụt, có thể đi ra ngoài nên anh chủ động mua hộ một số gia đình đồ ăn, đồ dùng cần thiết.
"Do quen địa hình, luồng sông suối trên địa bàn nên tôi và nhiều người dân cùng với chính quyền địa phương mỗi ngày chèo vài trăm lượt để đi giúp đỡ các hộ dân đang trong vùng ngập lụt" anh Chiến nói.
Đang quây quần ăn cơm dưới ngọn nến, bà Nguyễn Thị Huệ (68 tuổi, xã Liên Thủy) chia sẻ, tầm chiều nhận được mấy suất cơm từ các đoàn thiện nguyên, gia đình tranh thủ ăn sớm rồi dọn dẹp nhà cửa. Mấy hôm nay, nước từ ngoài sông Kiến Giang dâng cao làm ngập nữa căn nhà, gia đình phải đến ở nhờ người dân cao ráo hơn.
"Thời điểm này, nước đã rút nhiều, chúng tôi cố gắng dọn dẹp, lau chùi nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống. Bất tiện nhất của chúng tôi hiện nay là chưa có nước và điện sinh hoạt" bà Huệ thông tin.
Trao đổi với PV, lãnh đạo xã Liên Thủy cho biết, do địa phương thường xuyên chịu cảnh lũ lụt nên người dân ở đây có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai. Các gia đình phải tranh thủ nước rút để nhanh chóng đẩy phù sa ra khỏi nhà. Bởi nếu khi nước rút mà không được dọn dẹp kịp thời, bùn non đọng lại sẽ rất khó xử lý.
Ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch huyện Lệ Thủy cho biết, địa phương tiếp nhận hàng cứu trợ tại 2 khu vực là ngã tư Cam Liên (xã Cam Thủy) và chợ Động (xã Mai Thủy). Tất cả nhu yếu phẩm của các cá nhân, tổ chức sau khi địa phương tiếp nhận sẽ vận chuyển bằng thuyền của ngư dân vùng biển Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc tiếp tế cho người dân.
Từ ngày hôm qua (29/10) đến nay, các chuyến hàng cứu trợ của cá nhân, tổ chức vận động đã được trao tận tay cho người dân vùng lũ Lệ Thủy. Dự kiến, thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhu yếu phẩm cần thiết nữa được phân phát hỗ trợ cho người dân vùng "rốn lũ"…
Tính đến chiều 30/10, do ảnh hưởng của bão số 6, huyện Lệ Thủy có 3 người chết, 4 người bị thương; tổng số nhà ngập nước hơn 19.700 nhà; diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại hơn 600ha; số gia súc, gia cầm chết, bị cuốn trôi gần 62.000 con; diện tích nuôi cá-lúa, nuôi hồ mặt nước hơn 400ha; 52 điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó có 448 phòng học bị ngập nước, 24 điểm trường bị thiệt hại về cơ sở vật chất; hơn 16.000m kênh mương, đê bao bị sạt lở, hư hỏng…