Người dân săn lùng mua thuốc Tamiflu chữa cúm A: Bộ Y tế nói gì?

Trước cơn sốt săn lùng thuốc Tamiflu, Bộ Y tế và các chuyên gia đầu ngành đã đồng loạt cảnh báo người dân.

Tự ý dùng Tamiflu cực kỳ nguy hiểm

Mấy ngày gần đây, tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số lượng bệnh nhân mắc cúm đang không ngừng gia tăng.

Hiện người dân đang đổ xô săn lùng mua thuốc Tamiflu điều trị cúm về dự trữ. Có người phải mua với giá 1,6 triệu đồng/vỉ, trong khi giá thuốc này trong bệnh viện chỉ vài chục nghìn đồng.

Trước cơn sốt săn lùng thuốc Tamiflu, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, thuốc Tamiflu không thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, đây là loại thuốc phải bán theo đơn.

Thuốc Tamiflu thường được chỉ định cho những trường hợp đặc biệt.

Thuốc Tamiflu thường được chỉ định cho những trường hợp đặc biệt.

Cục Quản lý dược cảnh báo, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của bác sĩ thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết vẫn có đủ thuốc đáp ứng số bệnh nhân điều trị cúm phải dùng thuốc Tamiflu. Giá của thuốc Tamiflu vẫn được tính theo quy định, không có chuyện tăng giá hay giảm giá loại thuốc này.

TS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Nhi khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng cho biết, hiện tại mỗi ngày Khoa tiếp nhận 15-20 bệnh nhi mắc cúm phải nhập viện.

Tuy nhiên, theo BS Hải, không phải bệnh nhi nào cũng phải sử dụng đến thuốc Tamiflu. Thuốc này thường được chỉ định cho những trường hợp đặc biệt, có mắc cúm trên nền bệnh viêm phổi hoặc kèm các biến chứng khác. Hiện, bệnh viện cũng không thiếu thuốc điều trị bệnh cúm.

TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, theo thói quen dùng thuốc tràn lan, cứ khi có dịch cúm người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu. Điều này là không cần thiết. 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi.

Theo BS Cấp, giá của thuốc Tamiflu vẫn được tính theo quy định, không có chuyện tăng giá hay giảm giá loại thuốc này.

Theo BS Cấp, giá của thuốc Tamiflu vẫn được tính theo quy định, không có chuyện tăng giá hay giảm giá loại thuốc này.

Nếu dùng tràn lan thuốc kháng virus Tamiflu có thể dẫn đến kháng thuốc sẽ vô cùng nguy hiểm.

Theo ông, thay vì đợi khi có bệnh mới đi uống thuốc người dân có thể chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm văcxin cúm. Những trường hợp mắc cúm nhưng chỉ ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ, chụp Xquang phổi không có tổn thương thì chỉ cần điều trị ngoại trú, điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng để bệnh tự khỏi. Những người sốt cao liên tục, kéo dài, phổi tổn thương… cần nhập viện điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Những trường hợp cúm nặng sẽ được cách ly, vì bệnh lây qua đường hô hấp, chưa có miễn dịch cộng đồng. Ngoài thuốc Tamiflu bác sĩ sẽ dùng nhiều loại thuốc khác để phối hợp điều trị.

Cúm về mùa đông thường diễn biến nặng hơn

Theo các chuyên gia, cúm là bệnh cảnh thông thường, nhiều người mắc. Biểu hiện thường là hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng, đau mỏi người, nếu không có bội nhiễm và biến chứng bất thường thì bệnh có thể khỏi sau vài ngày. Đa phần người bệnh mắc cúm ở thể nhẹ, không cần đến bệnh viện.

Tuy nhiên, cúm về mùa đông thường diễn biến nặng hơn. Vì thế người dân không nên chủ quan.

Một số nhóm nguy cơ cao khi mắc cúm dễ trở nặng như: người già, trẻ nhỏ, thai phụ, người mắc bệnh mạn tính… Ngoài ra, những người bị cúm nhưng có dấu hiệu nặng lên như viêm phổi, suy hô hấp, sốt quá cao... thì cũng cần phải lưu ý.

Cúm do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng (hạ sốt, giảm ho, hắt hơi...). Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh vì không hề có tác dụng, người lại càng mệt mỏi hơn.

Để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…

Khi chưa mắc bệnh thì cần tránh tiếp xúc gần với người mắc cúm, hạn chế thời gian ở nơi đông người, tránh đưa tay lên mũi và miệng.

Trong trường hợp mắc cúm hay có biểu hiện hội chứng cúm thì nên ở nhà, nghỉ làm, nghỉ học, tránh tiếp xúc chỗ đông người. Virus cúm có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc do đó người bệnh nên đeo khẩu trang hoặc che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi để hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng.

Diệu Thu

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-dan-san-lung-mua-thuoc-tamiflu-chua-cum-a-bo-y-te-noi-gi-d445929.html