Người dân sẽ vẫn mãi là nguồn cảm hứng bất tận
'Em là dân miền Tây, về dưới chắc sẽ tiện hơn', Trưởng Cơ quan đại diện khi đó (giờ là 'thủ trưởng' - Phó Tổng biên tập Trần Kim Thẩm), nói như vậy khi nghe tôi báo cáo đã hoàn tất thời gian thử việc 6 tuần. Tôi 'dạ' rồi vọt một mạch về miệt 'gạo trắng nước trong'. Cầm hợp đồng nhận việc, được 'sếp' ký ngày 20/10 còn chưa ráo mực, tôi về miền Tây. Xốn xang lắm - tới giờ, tôi vẫn chưa quên tâm trạng mình khi đó, dù đã ngót 20 năm rồi…
Từ trung tâm Sài Gòn đi bằng xe máy về Cần Thơ, tôi mất khoảng 5 giờ đồng hồ cho chặng đường trên 170km. Trên lộ trình đó, tôi được bon bon chạy qua cầu Mỹ Thuận – khi đó là cầu bắc qua sông Mekong đầu tiên của Việt Nam. “Đi cầu dây văng chắc sướng lắm”, tôi cứ vui vui, nghĩ trong đầu.
Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long – 3 tỉnh mà tôi đi qua, khi đó nước lũ trắng đồng. Khi ấy, lũ tràn về cả vùng châu thổ là lũ dữ, chứ không hiền hòa, được người dân trông, ngóng như sau này. Thực tế trước ngày được điều về miền Tây, cũng theo phân công của “sếp”, tôi bám theo đưa tin hoạt động của Thứ trưởng Võ Thái Hòa kiểm tra công tác tại vùng “rốn lũ”. “Cố gắng ngày nào cũng phải có bài”, bảo tôi thế, “sếp” còn cẩn thận dặn dò thêm: “Viết xong bài, em nhờ mấy anh em bên bộ phận cơ yếu Công an tỉnh fax về mới kịp”.
Khi về tới thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, tôi tận mắt chứng kiến vụ tai nạn hy hữu – một chiếc xe máy va quệt một phương tiện giao thông thủy, dẫn đến ùn tắc. Anh CGGT cười nói đó là “chuyện xảy ra như cơm bữa” bởi nước lũ mênh mông, phương tiện thủy trườn lên mặt đường, xe chết máy lại bị trôi…
Và điều ấy tôi được chứng kiến khá phổ biến trên con đường chính tại trung tâm tỉnh lỵ Đồng Tháp khi xuồng ghe nhộn nhịp chẳng khác chợ nổi dưới ngã ba sông lúc chưa có lũ. Trụ sở Công an tỉnh khi ấy bị phong tỏa cả tầng trệt; xuồng có thể bơi được vào tận cửa phòng làm việc.
Anh Ba Bua, khi đó là Phó giám đốc bảo một cán bộ đội tuyên truyền (anh Trường Giang, hiện là BTV ANTV tại CQĐD Cục truyền thông CAND tại TP Hồ Chí Minh - PV) sắp xếp cho tôi tá túc tạm trên phòng làm việc. Nghe cấp dưới đề xuất, anh Nguyễn Hân Hoan – Trưởng phòng Công tác chính trị, bì bõm lội lên từ tầng trệt, “duyệt” ngay cho tôi được sử dụng chiếc máy tính bàn duy nhất của đơn vị. Không phải viết tay, sướng quá, tôi lộc cộc gõ bài tới gần nửa đêm, quên luôn cái lẩu cá linh non, bông diên điển dưới nhà khách…
Buổi sáng đó, Đồng chí Thứ trưởng đi thăm bà con và lực lượng Công an cơ sở ở khu vực biên giới Hồng Ngự, Tam Nông. Nước lũ uy hiếp Quốc lộ 30; nhiều khu dân cư bị cô lập. Tôi may mắn được ngồi cùng trên phương tiện ca nô với “chú hai” – cách gọi quen thuộc của nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Đồng Tháp lúc bấy giờ đối với Thứ trưởng Võ Thái Hòa.
Nước dâng cao nhưng đài khí tượng báo vẫn chưa đạt đỉnh. Phóng mắt về hướng thượng nguồn, tôi thấy chỉ có vài đọt tre lú lên khỏi mặt nước, có mấy con chim đậu run rẫy. Nhà người dân nằm giữa đồng bị ngập mút cánh én. Trên đường di chuyển, “chú hai” nhắc nhở cán bộ lái ca nô đi với tốc độ hợp lý nhất bởi sóng nước dễ làm tốc mái nhà, chìm xuồng, bà con sẽ khổ hơn. Là dân Tháp Mười, nhiều năm gắn bó với vùng “rốn lũ”, nên “chú hai” rất hiểu, thấm thía tình cảnh lam lũ của dân và luôn muốn chia sẻ với bà con...
Hai ba ngày vào “rốn lũ” của các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, tôi được tận mắt và nghe nhiều về sự ảnh hưởng của lũ đối với sinh hoạt, đời sống của người dân các tỉnh thượng nguồn. Nhiều gia đình trong cảnh màn trời, chiếu đất; tụ tập lên những mô đất, những con đường chưa bị ngập, mưu sinh lây lất qua ngày bằng công việc bắt chuột, bắt ốc, lưới cá đồng, cá linh, lặn ngụp tìm bứt từng cọng bông súng, từng mớ bông điên điển.
Mùa lũ năm 2000 được xem là mùa lũ kỷ lục, và mãi cho tới bây giờ, miền Tây vẫn chưa có mùa lũ nào bằng. Giữa vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, tôi chứng kiến lực lượng Công an trầm mình trong nước lũ để giúp dân. Trên cánh đồng lũ mênh mông, tôi vẫn không thể quê hình ảnh các chiến sỹ Công an cùng dân vớt từng bó lúa bị ngập, giúp bà con di dời, kê kích vị trí tạm trú chờ nước tút. Nhiều tháng ròng rã, cùng sống, sinh hoạt giữa đồng lũ, chấp nhận sự khắc nghiệt, thiếu thốn, các chiến sỹ Cảnh sát hình sự, CSGT, Công an huyện, Công an xã vất vả vô cùng bởi nạn trộm cắp nổi lên.
Nước lũ mênh mông sao tìm ra dấu vết tội phạm. Đó là chưa kể cái thời cách nay 20 năm, điều kiện liên lạc, đi lại đã khó, chứ mơ gì “mắt thần” camera được trang bị xuống tận ấp, tận xã như bây giờ. Nhưng cũng có những vụ, vất vả điều tra đã đời mới biết không phải bị trộm mà do… xuồng vuột dây, trôi rồi tự chìm; bò, heo xổng chuồng vì ngập nước nên chúng bơi tới nơi cao ráo, bốn bề nước mênh mông chẳng nhờ đường về. Nhớ khi tới xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tôi nghe được chuyện Công an xã “tập kích” vào một ngôi nhà mà trước đó người dân nói “bị ma ám”, rốt cuộc là do bầy ong bầu đục khoét gây ra tiếng động lạ…
Trở lại kỷ niệm ngày đầu di chuyển xuống miền Tây nhận công tác, khi bon bon qua cầu Mỹ Thuận hoành tráng và cũng là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam, vừa được khánh thành đúng dịp sinh nhật lần thứ 110 của Bác, tôi đặt chân tới đất học Vĩnh Long, rồi theo QL1A gần 40 cây số nữa để bước xuống phà Cần Thơ.
Tôi nhớ rất rõ, chuyến phà chiều ngày 20/10 năm ấy, người, xe đông nghẹt. Dưới sông Hậu, nước lũ vẫn đỏ ngầu, cuộn chảy mạnh từ hướng thượng nguồn. Mưa lất phất, tôi mua giúp bà cụ mấy tờ vé số. “Đón” tôi phía bờ Cần Thơ là Trung tá Lương Công Trường. Anh Trường có mặt tại Tây Đô từ ngày Báo chính thức ra mắt văn phòng thường trú đúng dịp 21/6 năm ấy.
Không chỉ đường về Văn phòng thường trú, anh lại chỉ tôi tới một quán… lẩu dê, nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Hùng Vương. Đi đường thấm thấm mệt và đói, nhưng được bắt đầu ngày đầu tiên ở đất miền Tây, ngồi bên cốc rượu ấm tình anh em, tôi xúc động và cảm thấy thích thú cho cái nghề mình đã chọn.
“Đất này không nhậu là không có thông tin đâu à”, anh Lương rót ly rượu “mời chú em Thái Bình”, chia sẻ kinh nghiệm “nhập cuộc”. Tôi nhớ anh Lương khi đó là Đội trưởng Phòng CSĐT Công an tỉnh (hiện là Giám thị Trại tạm giam Công an TP Cần Thơ). Là dân Hà Tây (nay là Hà Nội), nhưng sống lâu ở đất Tây Đô nên anh đã “Nam bộ hóa”.
“Bạn cọc chèo” với anh Lương là anh Mai Hoàng Dũng, khi đó là đội trưởng một phòng nghiệp vụ an ninh (trước khi về hưu là Giám đốc Trung tâm huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP Cần Thơ), nghe vậy gật gù, cười khà khà chen vô: “Đúng rồi. Dưới Cà Mau xứ anh, nghe nhà báo xuống là bà con khoái lắm, trải đệm chơi tới sáng. Bởi vậy không biết uống rượu thì coi chừng về mình không à nghen”.
Chưa quen với rượu thuốc của quán nên mới “chào bàn” mấy ly, tôi cảm thấy xây xẩm, nhưng cũng còn nhớ nói câu xả giao: “Chân ướt chân ráo xuống đây, có gì mấy anh giúp em với”. Nghe vậy, anh Trường khơi gợi: “Thì mai em chạy qua phòng, anh Lương, anh Dũng kết nối làm quen với anh em”. Cũng từng là cây bút quen thuộc độc giả xứ này, nên anh Dũng tận tình hứa sẽ “hỗ trợ chú em tới cùng”.
Đêm đầu tiên say khướt nhưng rất vui, tôi về Văn phòng thường trú nằm cạnh góc đường Hai Bà Trưng - Hải Thượng Lãn Ông, sát chợ Cần Thơ và thêm vài bước là tới bến Ninh Kiều. Buổi sáng, đường trước văn phòng rất nhộn nhịp, tôm cá, rau cải nhất là đặc sản mùa lũ bày bán xôm tụ. Buổi tối thì đường rất vắng, vắng đến mức thành nơi hẹn hò nhau của mấy chú mèo hoang.
“Chỗ này cơ quan mình thuê lại. Hy vọng mai mốt mình sẽ có chỗ đàng hoàng hơn”, anh Trường nói. Thực tế trước khi có được cơ ngơi như Văn phòng thường trú như ngày hôm nay tại địa chỉ 111 Trần Văn Hoài, phường Xuân Khánh, nhóm PV thường trú Báo CAND chúng tôi đã phải tạm tá túc tại một địa chỉ khác, nằm xéo xéo cổng chính trụ sở Công an TP Cần Thơ, gần bến phà trước đây. Chuyện xây dựng mối quan hệ để xin (đúng nghĩa) địa phương hỗ trợ 100m2 “đất vàng”, và xây cất ổn định tại địa chỉ này lại là câu chuyện không thể quên (nhưng tôi xin được kể trong một dịp khác).
Những ngày sau đó, tranh thủ sự kết nối của thủ trưởng trực tiếp và một số anh em đồng nghiệp mới quen, tôi tình nguyện ngược về thượng nguồn, ăn dầm nằm dề để thông tin sâu hơn về lũ. Những thông tin kịp thời cũng đã góp phần cho cả nước hiểu thêm về tình cảnh của người dân vùng “rốn lũ” Tây Nam Bộ. Và sau những thông tin đó, tôi cũng có mặt trên những chuyến xe chở đầy gạo, nước tương, sữa, đường, mì tôm,… do Báo CAND làm cầu nối, từ TP Hồ Chí Minh hướng về với đồng bào vùng lũ.
Tác nghiệp ở miệt sông nước Tây Nam Bộ rất đặc thù gần 20 năm trời, tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và trưởng thành hơn trong nghề. Cũng như bao kỷ niệm gắn với hàng chục mùa lũ dữ tại vùng châu thổ phì nhiêu, giờ tôi cũng không thể quên những ngày vất vả khi bám theo, đưa tin các vụ cháy, gây thiệt hại hàng ngàn hécta rừng tràm nguyên sinh ở U Minh Hạ (Cà Mau), U Minh Thượng (Kiên Giang); không thể quên con số gần 100 người chết, gần 1.800 người bị thương; trên 200 căn nhà bị sập, tốc mái và hình ảnh la liệt của nhà cửa, cây trái sau khi cơn bão muộn mang tên Sầu riêng (Durian) đổ bộ vào Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng vào cuối năm 2006; hay sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ làm trên 130 công nhân thương vong,…
Với những lúc cả vùng châu thổ được mưa thuận, gió hòa, ngồi nghe bà con nông dân kể chuyện lúa, chuyện cá tôm, chuyện cây ăn trái, chuyện làm du lịch sinh thái,… bên ly rượu ấm nồng, lững lờ trên mặt sông nước hữu tình, nghe cô gái mặc bà ba, nghiêng vành nón lá cất lời vọng cổ, tôi nhận ra những điều luôn rất cần cho cái nghiệp viết lách của mình.
Đó chính là thái độ sống – hãy cứ sống thật, sống và làm việc hết mình. “10% cuộc sống của bạn là do những gì bạn tạo ra, còn 90% còn lại tùy thuộc vào cách bạn suy nghĩ và cảm nhận” – có người đã nói thế mà.
Nguồn tư liệu phục vụ cho nghiệp viết lách dồi dào ở mức nào, tôi nghĩ thực ra cũng tùy thuộc vào chính ở thái độ sống; kèm theo đó là sự yêu nghề, miệt mài, dấn thân. Còn đề tài thì “dụng võ” ở đâu cũng thế - người dân sẽ vẫn mãi là nguồn cảm hứng bất tận…
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nguoi-dan-se-van-mai-la-nguon-cam-hung-bat-tan-617986/