Người dân sống khổ vì kênh nước bị ô nhiễm

Tuyến kênh Như Quỳnh có nhiệm vụ chính là phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Thế nhưng, tuyến kênh quan trọng này đang ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hơn 100 mét kênh chảy qua địa phận cầu Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội gần như không thể lưu thông.

Kênh Như Quỳnh bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tuyến kênh Như Quỳnh, hay còn gọi là kênh Dài, bắt nguồn từ Trạm bơm Bắc Hưng Hải qua tổ hợp Cụm sản xuất công nghiệp xã Minh Khai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và chảy qua các xã Dương Quang, Kim Sơn, Lệ Chi của huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Tuyến kênh này có nhiệm vụ chính là phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Thế nhưng, tuyến kênh quan trọng này đang trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hơn 100 mét kênh Dài chảy qua địa phận cầu Trung, xã Dương Quang huyện Gia Lâm gần như không thể lưu thông. 10 năm nay, người dân xã Dương Quang gọi đây là con kênh chết.

 Kênh nước ngập ngụa rác thải.

Kênh nước ngập ngụa rác thải.

Ông Lê Văn May (Xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) cho biết: “Nước ở đây nhân dân không thể dùng tưới cây được. Tưới cây có lên được đâu. Người dân ở đây phải khoan giếng tưới cây”.

Còn ông Lưu Văn Toàn (Xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) chia sẻ, hàng bao năm nay rồi, cứ mỗi khi có mưa hoặc nắng to, gió lớn thì mùi bốc lên rất ảnh hưởng đến cuộc sống, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Theo những người dân, nơi đây thường xuyên là nơi xả thải của các cơ sản xuất tái chế bao bì, ni lông tại thôn Minh Khai, xã Minh Khai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như thế này.

Các loại phế thải từ sản xuất, rác sinh hoạt, xác động vật kết thành mảng lớn cản trở dòng chảy.

Các loại phế thải từ sản xuất, rác sinh hoạt, xác động vật kết thành mảng lớn cản trở dòng chảy.

Đã nhiều lần chính quyền địa phương phải huy động các lực lượng để xử lý tạm thời tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, tình trạng này tiếp tục tái diễn.

Lãnh đạo UBND xã Dương Quang cho biết, tháng 6/2023, UBND xã đã phối hợp với các lực lượng để xử lý trước mắt. Với 1 đoạn kênh chưa đầy 100 mét đã vớt đến 25 tấn rác. Tuy nhiên việc này cũng không xử lý được triệt để.

Chung cảnh ngộ với người dân Dương Quang, các hộ dân sống dọc theo con kênh tại xã Kim Sơn và Lệ Chi thuộc huyện Gia Lâm cũng sống khổ vì sự ô nhiễm ngày càng gia tăng.

Chị Đinh Kim Hường (Xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) bức xúc: “Có lần nó đầy đến mức chúng tôi phải thuê múc. Thế nhưng vài hôm sau lại tiếp tục xả. Xả nó cao dềnh lên. Sợ cực kỳ.”

 Nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Theo lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, qua theo dõi ngoài rác thải trôi trên kênh thì tính chất nước cũng đã bị ô nhiễm. Năm 2018 đã thực hiện lấy mẫu thì kênh được xác định là ô nhiễm nặng.

Để ngăn chặn các nguồn xả rác, nước thải xuống kênh, tháng 7 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu các bộ và địa phương liên quan xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Người dân sống quanh khu vực đều mong mỏi cơ quan quản lý sớm quyết liệt vào cuộc, có những biện pháp giải quyết để làm hồi sinh con kênh này.

Duy Minh - Phan Hải

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/nguoi-dan-song-kho-vi-kenh-nuoc-bi-o-nhiem-161718.html