Người dân sống ven sông vẫn phải đóng tiền dịch vụ thoát nước?
Thời gian gần đây, Chuyên đề Công an TPHCM nhận được nhiều phản ánh của người dân trên địa bàn TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang phải chi trả tiền nước cao gấp nhiều lần so với trước. Giá nước tăng 'phi mã' không chỉ diễn ra ở các địa bàn trung tâm, mà người dân sống tách biệt bên Cù lao Ông Hổ, ven sông Hậu cũng chịu cảnh tương tự.
Nhiều người dân phản ánh, trên địa bàn TP.Long Xuyên dù đã đầu tư xây dựng (XD) hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thoát nước nhưng nhiều khu vực (KV) chưa được đồng bộ khi đấu nối với từng hộ gia đình, mỗi lần mưa xuống nước dội ngược vào nhà làm hỏng tài sản. Không chỉ vậy, một số KV vùng ven sông, nước sinh hoạt được thải trực tiếp ra sông, kênh, rạch và chưa thấy các dự án nạo vét để phục vụ thoát nước mưa, nước thải, do đó việc thu tiền dịch vụ thoát nước (DVTN) đối với tất cả hộ dân sống trên địa bàn thành phố chưa thỏa đáng.
Chị L. (ngụ P.Mỹ Bình, TP.Long Xuyên) cho biết, tháng 3 vừa qua gia đình phải đóng tiền nước 372 ngàn đồng, trong khi sử dụng (SD) thực tế chỉ 42m3. Theo hóa đơn, tiền nước gia đình chị L. cần chi trả 244 ngàn đồng, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế dịch vụ (DV) là 22,7 ngàn, còn tiền DVTN lên đến 105 ngàn. "Mấy tháng nay, giá nước tăng mà người dân còn phải đóng thêm thuế DVTN nhưng không được thông báo từ đơn vị cung cấp", chị L. cho hay. Tương tự, khách hàng D.H.T (ngụ P.Mỹ Phước) SD 90m3 từ 12-01 đến 13-02 nhưng phải đóng hơn 1 triệu 630 ngàn đồng; trong đó tiền nước 963,6 ngàn, còn DVTN phải đóng lên đến 562,5 ngàn. Khách hàng B.T.L bức xúc: "Cống dân tự làm, đường ống tự đấu nối, mà thu tiền DVTN phân nửa tiền nước SD thực tế? Người dân làm ăn khó khăn trong khi khoản DV đóng khá cao".
Không chỉ các gia đình sống gần trung tâm thành phố, mà người dân Cù lao Ông Hổ (thuộc xã Mỹ Hòa Hưng) nằm tách biệt giữa sông Hậu cũng phải chi trả khoản DVTN. Bà con cho rằng các địa phương vùng ven hoặc nằm tách biệt không được đầu tư cơ sở hạ tầng thoát nước, mà phải chi trả kiểu "cào bằng" với những KV được đầu tư hệ thống ống cống thì chưa hợp lý. "Ở đây chúng tôi SD nước sinh hoạt thải thẳng ra sông Hậu, chứ không đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải hay hệ thống cống thoát nước nhưng vẫn phải đóng khoản DVTN!", khách hàng tên N. ở xã Mỹ Hòa Hưng cho hay. Vấn đề này còn được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. "Nghĩ cũng lạ, KV các hộ dân đang sinh sống không có cống thoát nước nào mà cũng bắt đóng DVTN tới năm 2030?", một tài khoản tên H. chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu hộ giá DVTN do Công ty CP điện nước An Giang thực hiện; còn việc kiểm tra, rà soát lại những KV chưa được kết nối với hệ thống thoát nước thải thuộc thẩm quyền của Sở XD và UBND TP.Long Xuyên.
Trước đó, ngày 15-11-2021 ông Nguyễn Quốc Cường - Phó giám đốc Sở XD tỉnh An Giang - đã ký tờ trình gửi UBND tỉnh này về việc phê duyệt phương án giá và lộ trình thực hiện giá DVTN đô thị trên địa bàn; trong đó có nội dung: Phương án giá và lộ trình thực hiện giá DVTN đô thị trên địa bàn tỉnh là một trong những nội dung thuộc Chương trình hợp tác của UBND tỉnh và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) giai đoạn 2017 - 2019. Nội dung về XD phương án giá nêu trên đã được lãnh đạo Tổ chức GIZ, đơn vị đồng tài trợ (SECO) đồng thuận và thống nhất thực hiện hỗ trợ. Do đó, sở đã XD và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 62, ngày 20-12-2021. Cụ thể, đối với TP.Long Xuyên, lộ trình thực hiện giá DVTN, đối với hộ gia đình phải chi trả là 2.500 đồng/m3 (năm 2023 - 2024), 3.500 đồng/m3 (2025 - 2026), 4.500 đồng/m3 (2027 - 2028) và 5.500 đồng/m3 (2029 - 2030), cơ sở sản xuất thì mức giá gấp 2 lần hộ gia đình...
Liên quan đến vấn đề này, Công ty CP điện nước An Giang thông tin: Phần tiền DVTN và khoản thuế GTGT thoát nước là khoản thu mà công ty được UBND tỉnh giao thu hộ cùng hóa đơn tiền nước đối với các hộ dân SD nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung và nộp phần DVTN, thuế GTGT thoát nước vào ngân sách nhà nước để phục vụ công tác vận hành hệ thống thoát nước của thành phố, bao gồm: hệ thống mạng lưới thoát nước mưa và chi phí vận hành hệ thống thoát nước thải, cũng như thực hiện các công trình nạo vét hệ thống kênh, mương để phục vụ việc tiêu thoát nước tốt hơn, hạn chế tình trạng ngập úng đô thị. Số tiền thu được từ DVTN được dùng để tái đầu tư các công trình thoát nước nói chung và mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống xử lý nước thải.