Người dân tại các khu tập thể cũ Hà Nội: Cần được lắng nghe và chia sẻ

Gần 20 năm trôi qua kể từ khi chủ trương cải tạo các khu tập thể cũ được đặt ra, hàng nghìn hộ dân tại Hà Nội vẫn phải sống trong những căn hộ chật hẹp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Năm 2025, Hà Nội đang có những động thái cụ thể thúc đẩy tiến độ cải tạo các khu tập thể cũ, song người dân vẫn trông đợi không chỉ vào chính sách mà còn là cách thực thi.

Một tòa chung cư ở khu tập thể Giảng Võ (Hà Nội) xuống cấp, được gắn biển cảnh báo. Ảnh: Ngọc Anh.

Một tòa chung cư ở khu tập thể Giảng Võ (Hà Nội) xuống cấp, được gắn biển cảnh báo. Ảnh: Ngọc Anh.

Vì sao chậm triển khai?

Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 1.500 khu tập thể cũ, phần lớn được xây dựng trong giai đoạn 1960-1990. Các khu nhà này từng là niềm mơ ước của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên, nhưng giờ đây lại trở thành biểu tượng của sự xuống cấp. Những bức tường nứt nẻ, hệ thống dây điện chằng chịt như mạng nhện, cống rãnh tắc nghẽn, và đặc biệt là các “chuồng cọp” của các căn hộ cơi nới chồng chéo để tăng diện tích sử dụng đã khiến những không gian vốn nhỏ hẹp càng trở nên tù túng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, kể cả sụp đổ.

Mặc dù chính sách cải tạo các khu tập thể cũ đã được triển khai từ năm 2005, tuy nhiên đến nay, kết quả đạt được vẫn rất khiêm tốn; phần lớn các dự án vẫn chỉ dừng lại “trên giấy tờ”. Sự chậm trễ này có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu đồng thuận giữa các hộ dân, cũng như bài toán lợi ích giữa Nhà nước, các chủ đầu tư và người dân chưa được giải quyết hài hòa.

3 khu tập thể lớn nhất quận Ba Đình là Thành Công, Giảng Võ và Ngọc Khánh - hiện đang nằm trong đề án quy hoạch chi tiết cải tạo và tái thiết của thành phố Hà Nội. Hiện nay, khu G6A Thành Công được đánh giá là “nguy hiểm cấp độ D” đã bị phỏng tỏa, hầu hết hộ dân đã chuyển đi, song ở các khu nhà khác, người dân vẫn cư trú và sinh hoạt bình thường.

Tương tự, tại khu tập thể C8 Giảng Võ, xây dựng từ năm 1979 cũng thuộc diện nhà nguy hiểm cấp độ D, hiện nay đã hoàn thành việc di dời các hộ dân và bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương để tiến hành cải tạo, xây dựng lại. Trong khi đó, anh Vũ Quốc Hùng (24 tuổi), một cư dân từng sinh sống ở nhà C8 cho biết: Năm 2016 khi có chủ trương vận động di dời để cải tạo, gia đình đã đồng ý chuyển đi từ đầu và chọn nhận căn hộ tái định cư ở Yên Hòa cùng với 10 triệu đồng hỗ trợ. Tuy nhiên, tại nơi ở mới, phần lớn cư dân là người cao tuổi nên khiến việc buôn bán khó khăn hơn. Vì vậy, anh đã cho thuê lại căn hộ mới và quay về khu Giảng Võ tiếp tục kinh doanh.

Phải đảm bảo quyền lợi người dân

Tại khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa), ông Lê Văn Bình, 76 tuổi, sống tại tầng 3 khu tập thể cho hay, mừng khi nghe tin khu nhà sắp được cải tạo nhưng nghĩ đến việc phải chuyển đi nơi khác thì lại thấy buồn và lo lắng. Nếu buộc phải di dời, thì mong chính quyền có chính sách rõ ràng, hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện cho người dân được tái định cư tại chỗ.

Một số người dân tại khu tập thể Trung Tự (quận Đống Đa) cho biết, họ không phản đối việc cải tạo, bởi ai cũng mong muốn được sống trong điều kiện tốt hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, điều khiến người dân băn khoăn là việc triển khai tái thiết đến nay vẫn chưa rõ ràng, nhiều cư dân chưa được thông báo đầy đủ thông tin về lộ trình cải tạo và di dời. Ông Nguyễn Văn Dũng, 54 tuổi, một cư dân sống lâu năm tại đây bày tỏ, việc cải tạo là cần thiết để nâng cấp nơi ở, song ông cũng mong muốn các cơ quan chức năng và chủ đầu tư có phương án sắp xếp hợp lý cũng như chính sách đền bù thỏa đáng, giúp người dân yên tâm chuyển đến nơi ở mới và sớm ổn định cuộc sống.

Những chia sẻ của cư dân sinh sống tại các khu tập thể cũ không chỉ phản ánh hy vọng được sống trong một môi trường tốt hơn, mà còn cho thấy sự trăn trở và nỗi lo khi đứng trước thay đổi lớn liên quan đến nơi đã gắn bó suốt nhiều năm. Câu chuyện cải tạo các khu chung cư cũ vì thế không đơn thuần là công việc kỹ thuật của phá dỡ và xây mới. Đó còn là một hành trình phức tạp, đòi hỏi sự lắng nghe, thấu hiểu và đồng thuận của các cư dân với chính quyền địa phương, các chủ đầu tư và các đơn vị thực hiện dự án tái thiết có liên quan. Thành công của quá trình cải tạo, bên cạnh việc được đo bằng những công trình cao tầng, mà còn là sự hài lòng của cư dân, những người đã gắn bó từ lâu với khu tập thể cũ, họ không chỉ cần một nơi ở mới khang trang hơn mà còn cần được lắng nghe, tôn trọng và đảm bảo quyền lời một cách minh bạch, công bằng nhất. Bởi mỗi khu tập thể là một phần ký ức, nơi lưu giữ nếp sống, kỷ niệm, tình cảm xóm làng và cả những giá trị tinh thần khó thay thế.

NGỌC ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-dan-tai-cac-khu-tap-the-cu-ha-noi-can-duoc-lang-nghe-va-chia-se-10303555.html