Người dân tại nền kinh tế lớn nhất châu Phi chật vật vì tiền lương không 'đuổi' kịp giá hàng hóa

Đường phố Lagos, thành phố lớn nhất Nigeria, chật cứng những người biểu tình kêu gọi 'chấm dứt khó khăn ngay bây giờ!' trong bối cảnh quốc gia Tây Phi này đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ, DW (Đức) đưa tin.

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tuần trước sau khi một trong những công đoàn chính của đất nước, Đại hội Lao động Nigeria (NLC), kêu gọi người dân nước này xuống đường đòi quyền lợi.

Chủ tịch NLC Joe Ajaero nói với những người biểu tình: “Không người lao động, người công nhân nào có thể sống với mức lương tối thiểu 30.000 naira (18,40 USD)”. Ông đồng thời nhấn mạnh 150 triệu người dân sống tại Nigeria - được mệnh danh là nền kinh tế lớn nhất nhì châu Phi - đang sống dưới mức nghèo khổ”.

 Lạm phát và chi phí sinh hoạt cao ở Nigeria đã khiến một số người phải ăn những hạt gạo bị các nhà xay xát từ chối hoặc gạo được bán làm thức ăn cho cá. Ảnh: DW.

Lạm phát và chi phí sinh hoạt cao ở Nigeria đã khiến một số người phải ăn những hạt gạo bị các nhà xay xát từ chối hoặc gạo được bán làm thức ăn cho cá. Ảnh: DW.

Nigeria là nền kinh tế lớn nhất châu Phi và có dân số hơn 210 triệu người. Tuy nhiên, nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của dân số đang tăng trưởng với tốc độ nhanh.

Khi Tổng thống Nigeria Bola Tinubu nhậm chức vào tháng 5/2023, ông đã loại bỏ trợ cấp nhiên liệu như một phần của cải cách kinh tế. Tuy nhiên, các biện pháp này đã khiến chi phí nhiên liệu tăng vọt và giá thực phẩm cũng như vận chuyển tăng gần gấp ba.

Đồng naira đã mất khoảng 70% giá trị và giảm xuống mức thấp kỷ lục sau khi Tổng thống nước này hồi năm ngoái bãi bỏ việc neo tỷ giá đồng naira với đồng đô la Mỹ.

Hồi tháng 5/2023, 10.000 naira sẽ đổi được 22 USD. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, số tiền đó sẽ chỉ có giá khoảng 6,40 USD.

Đồng naira lao dốc đã khiến giá của tất cả các sản phẩm nhập khẩu tăng lên, đồng thời khiến lạm phát đã tăng vọt lên 30%.

Nhưng nhà kinh tế học người Nigeria Tunji Andrews nói với DW rằng việc loại bỏ trợ cấp nhiên liệu không phải là nguyên nhân khiến nền kinh tế Nigeria rơi vào tình trạng khó khăn.

Andrews nói: “Nền kinh tế suy thoái đã xảy ra trước khi ông ấy nhậm chức. Chính sách nêu trên chỉ khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn. Nó làm tăng lạm phát, đó là điều tự nhiên”.

Ngoài ra, chính những công dân bình thường đang phải gánh chịu sự suy thoái vì tiền lương ở Nigeria không theo kịp với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Một người biểu tình ở Lagos nói với DW: “Khó khăn ở vùng đất này rất, rất đáng báo động. Đa số người dân Nigeria đang đau khổ và chính phủ liên bang không làm những điều cần thiết. Họ đã đưa ra rất nhiều lời hứa nhưng chưa lời nào trở thành hiện thực”.

Tương tự, một người dân Lagos khác chia sẻ với hãng tin DW rằng cô đã phải vật lộn để mua thuốc cứu sống bản thân.

“Tôi mua thuốc tăng huyết áp với giá 6.000 naira - bây giờ là 9.000 naira. Người dân không đủ tiền mua, mọi người đang héo mòn. Thật kinh khủng. Thực phẩm tăng vọt. Nước tinh khiết giá 300 naira, bây giờ là 600 naira”, cô kể.

Nhà kinh tế Andrews nói với DW: “Nền kinh tế nước này đã phải hứng chịu những thách thức về lạm phát cao và vấn đề thứ yếu là sự mất giá của tiền tệ”.

 Khi lạm phát tăng vọt, nhiều người nghèo ở Nigeria đã phải bỏ bữa và từ bỏ các sản phẩm như thịt, trứng và sữa. Ảnh: DW.

Khi lạm phát tăng vọt, nhiều người nghèo ở Nigeria đã phải bỏ bữa và từ bỏ các sản phẩm như thịt, trứng và sữa. Ảnh: DW.

Theo DW, Chính phủ Tổng thống Tinubu cho biết họ đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng.

Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, ngân hàng trung ương Nigeria đã tăng lãi suất thêm 4 điểm phần trăm lên 22,75%.

Chính phủ Nigeria tuyên bố thành lập một hội đồng chịu trách nhiệm điều tiết giá lương thực và ra lệnh cho kho dự trữ ngũ cốc quốc gia phân phối 42.000 tấn ngũ cốc cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương ở Nigeria.

Các công đoàn lao động lo ngại rằng phần lớn số tiền đó không thực sự đến được với các gia đình nghèo.

Ngoài ra, chính phủ có kế hoạch hỗ trợ các nhà sản xuất gạo để đưa nhiều sản phẩm hơn ra thị trường. Khoảng 15 triệu hộ gia đình nghèo hơn đang nhận được khoản chuyển tiền mặt 25.000 naira mỗi tháng.

Nhiều chuyên gia phân tích nhấn mạnh rằng Nigeria cần các biện pháp khắc phục lâu dài để vực dậy nền kinh tế ốm yếu và làm cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn.

Khánh Vy (Theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-tai-nen-kinh-te-lon-nhat-chau-phi-chat-vat-vi-tien-luong-khong-duoi-kip-gia-hang-hoa-post286509.html