Người dân tham gia phòng, chống tội phạm
Phòng, chống tội phạm (PCTP) không chỉ là trách nhiệm riêng của công an, hay các lực lượng chức năng mà là của cả cộng đồng, nhân dân. Thực tế, người dân đã nâng cao ý thức cảnh giác, PCTP, cung cấp nhiều nguồn tin giúp công an bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội. Có những trường hợp, người dân còn trực tiếp ra tay bắt giữ tội phạm.
Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) ngày càng lan tỏa, huy động được đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân tham gia cùng lực lượng nòng cốt ở cơ sở tiến hành nhiều biện pháp giữ gìn an ninh, trật tự (ANTT) tại chỗ theo phương châm “Tự phòng, tự quản, tự hòa, tự bảo vệ”.
Đặc biệt, nhân dân đã cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều nguồn tin có giá trị, làm rõ, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến ANTT, trực tiếp phối hợp vây bắt các đối tượng phạm tội quả tang.
Ngày 03/4/2019, chị Trần Thị Thúy Kiều (SN 2000, ngụ khu phố Hòa Thuận 2, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) điều khiển xe môtô chở mẹ ruột lưu thông trên đường ở thị trấn Cần Giuộc bất ngờ bị 2 đối tượng đi xe môtô áp sát giật 1 điện thoại di động, sau đó, nhanh chóng tẩu thoát về hướng TP.HCM. Mẹ con chị tri hô thì được người dân xung quanh phối hợp hỗ trợ truy đuổi bắt được 2 đối tượng cùng tang vật, giao cơ quan công an xử lý theo quy định pháp luật.
3 giờ 30 phút, ngày 03/ 5/2020, một đối tượng lợi dụng đêm khuya vắng người, leo rào đột nhập nhà ông Đoàn Tấn Đạt, xã Long Trì, huyện Châu Thành, để trộm cắp tài sản. Sau khi trộm xe môtô hiệu SH Mode biển số 62G1-13046, chuẩn bị tẩu thoát thì bị ông Nguyễn Thành Long phát hiện, tri hô. Ông Phan Văn Việt ở gần đó chạy đến hỗ trợ ông Long khống chế, bắt giữ đối tượng cùng tang vật, giao cơ quan công an xử lý theo quy định.
Hay như anh Nguyễn Thành Trọng, ngụ xã Long Trạch, huyện Cần Đước, đã dũng cảm lao vào bắt cướp và bị thương. Câu chuyện về lòng dũng cảm bắt cướp của anh Trọng vẫn được nhiều người nhắc đến, cảm kích về tinh thần, sự dũng cảm trấn áp tội phạm. Anh Trọng chính là tấm gương sáng, điển hình, tiêu biểu, khích lệ phong trào TDBVANTQ trên địa bàn.
“PCTP không chỉ là trách nhiệm riêng của công an, hay các lực lượng chức năng mà là việc chung của cả cộng đồng. Là công dân thì mình phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ sự bình yên” - anh Trọng tâm sự.
Tại huyện Tân Trụ, từ năm 2015 đến nay, người dân đã phát hiện, cung cấp gần 900 tin có giá trị về tội phạm, tệ nạn xã hội cho các ngành chức năng. Qua đó, giúp lực lượng công an làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh làm rõ 406 vụ án các loại, xử lý 667 đối tượng, trong đó có 65 vụ án hình sự, triệt xóa gần 70 tụ điểm tệ nạn xã hội và xử lý gần 450 đối tượng. Nổi bật là quần chúng nhân dân đã cảnh giác, dũng cảm vây bắt được 69 đối tượng cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, lừa đảo; 91 đối tượng gây rối đánh nhau; 12 đối tượng quảng cáo cho vay “tín dụng đen” giao công an xử lý.
Tại huyện Đức Huệ, có nhiều mô hình PCTP đang phát huy hiệu quả khi tổng hợp được sức mạnh của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân. Trong đó, có những mô hình điển hình như Tiếng kẻng vùng biên ở các xã biên giới; Gia đình hội viên nông dân không có bạo hành và không tảo hôn; Móc khóa ANTT; Không buôn lậu, vận chuyển hàng cấm,... Thượng tá Trịnh Anh Kiệt - Phó Trưởng Công an huyện Đức Huệ, cho biết: “Từ năm 2015-2020, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng hơn 1.400 nguồn tin, giúp công an làm rõ, xử lý nhiều vụ phạm pháp hình sự, xử lý hành chính nhiều trường hợp, xóa 110 điểm cờ bạc, đá gà”.
Huyện Đức Hòa là địa bàn giáp TP.HCM, phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và tập trung nhiều công nhân, lao động đến sinh sống, làm việc. Tình hình ANTT diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động của các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật, ma túy,... 5 năm qua (2015-2020), người dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng huyện Đức Hòa gần 1.100 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an làm rõ gần 500 vụ phạm pháp hình sự, 58 vụ tệ nạn xã hội, triệt xóa 46 nhóm tội phạm, bắt giữ 582 đối tượng các loại, thu hồi tài sản trên 5 tỉ đồng. “Ngoài ra, 5 năm qua, người dân còn vận động 38 đối tượng phạm tội ra tự thú, tham gia tố giác, truy bắt 254 đối tượng phạm tội quả tang” - Thượng tá Lê Thành Trung - Trưởng Công an huyện Đức Hòa, thông tin.
Tại huyện Bến Lức, phong trào TDBVANTQ ngày càng lan tỏa. Điển hình như mô hình Đội dân phòng liên xã PCTP huyện được thành lập từ năm 2008, đến nay có 10 thành viên cùng hành nghề chạy Honda khách. Từ khi hoạt động đến nay, Đội đã phối hợp lực lượng công an và người dân bắt giữ được 450 vụ với hơn 500 đối tượng, thu hồi trên 400 xe môtô các loại và nhiều tài sản có giá trị khác. Ngoài báo tin, tham gia vây bắt tội phạm thì người dân còn tích cực tuyên truyền PCTP, cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng và vận động, kêu gọi các đối tượng phạm tội bị truy nã ra đầu thú,...
Thượng tá Ngô Văn Nho - Phó Trưởng phòng Xây dựng phong trào BVANTQ Công an tỉnh, cho biết, để phát huy phong trào TDBVANTQ, công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình liên quan đến ANTT để làm cơ sở tham mưu, đề xuất cấp ủy, UBND cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, tố giác tội phạm.
Đồng thời, công an các đơn vị, địa phương duy trì chất lượng hoạt động các câu lạc bộ, mô hình quần chúng tự quản về ANTT; quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng tuyên truyền ở cơ sở, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, biện pháp vận động để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác, đáp ứng nhiệm vụ được giao; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, những mô hình tiên tiến, động viên, khích lệ tinh thần quần chúng nhân dân tham gia PCTP.
Với nhiều kết quả mang lại, phong trào TDBVANTQ đã góp phần tích cực khơi dậy ý thức cảnh giác, tinh thần đấu tranh, PCTP, bài trừ tệ nạn xã hội trong cộng đồng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nguoi-dan-tham-gia-phong-chong-toi-pham-a101670.html