Người dân thay đổi nhận thức và hình thành văn hóa khi tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô

Nhiều người dân đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm soát, thể hiện sự thay đổi nhận thức và ý thức trách nhiệm, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông.

Thông tin từ Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, qua nửa tháng triển khai Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong ý thức chấp hành luật giao thông của người dân Hà Nội.

 Người dân đã tự giác chấp hành quy định khi tham gia giao thông tại Hà Nội khi không có sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Người dân đã tự giác chấp hành quy định khi tham gia giao thông tại Hà Nội khi không có sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Hình ảnh người dân xếp hàng chờ đèn tín hiệu, đi đúng làn đường tại các tuyến trọng điểm ngày càng phổ biến, tạo nên diện mạo giao thông văn minh hơn.

Trên địa bàn thành phố đã xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông, so sánh cùng kỳ giảm 10 vụ (17%). Lực lượng chức năng đã xử lý 12.267 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 30,5 tỷ đồng và 1.261 trường hợp bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh dịp cuối năm khi nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao.

Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều đã giảm rõ rệt, nhất là tại các khu vực đô thị lớn.

Nhiều người dân đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng CSGT kiểm soát, thể hiện sự thay đổi nhận thức và ý thức trách nhiệm, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông.

Mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn năm 2025.

TP Hà Nội đặt chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả, phấn đấu năm 2025 đạt 20%. Phấn đấu tiếp tục kiềm chế giảm tai nạn giao thông từ 5% so với năm 2024 trên cả 3 tiêu chí.

Tập trung giải quyết từ 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

 Lực lượng chức năng tăng cường xử lý các vi phạm.

Lực lượng chức năng tăng cường xử lý các vi phạm.

Cùng với đó, kịp thời xử lý những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông mới, các điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn về tai nạn.

Các nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện gồm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục học sinh các cấp học về kiến thức pháp luật trật tự, an toàn giao thông và văn hóa giao thông.

Quản lý chặt chẽ, kiên quyết không để học sinh, thanh thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ quy định tham gia giao thông,...

UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT chủ trì, tăng cường thực hiện công tác tổ chức giao thông trên địa bàn toàn, giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông.

Xử lý, khắc phục các điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ trên hệ thống đường bộ quản lý theo phân cấp.

Tổ chức thực hiện và đôn đốc các địa phương tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo phân cấp.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông theo thẩm quyền và quy định pháp luật;

Chủ trì xây dựng và triển khai kế hoạch vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Ất Tỵ năm 2025.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-thay-doi-nhan-thuc-va-hinh-thanh-van-hoa-khi-tham-gia-giao-thong-tren-dia-ban-thu-do-post330742.html