Người dân thủ đô Nhật Bản trả lại số tiền rơi kỷ lục
Những công dân trung thực của Tokyo (Nhật Bản) đã nộp lại cho cảnh sát số tiền nhặt được kỷ lục 3,99 tỷ yên vào năm ngoái.
Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho biết số tiền này tăng 600 triệu yên so với năm 2021 và đánh bại mức kỷ lục 3,84 tỷ yên năm 2019.
Nhiều người đã may mắn nhận lại số tiền họ đánh rơi. Văn phòng thất lạc và tìm kiếm của sở cảnh sát Tokyo cho biết họ đã trả lại gần 3 tỷ yên cho người đánh mất, trong khi 480 triệu yên đã được trao cho những người đã phát hiện ra số tiền rơi bởi thay vì bỏ túi cá nhân, họ đã quyết định làm điều ngay thẳng.
Bên cạnh đó, tổng cộng có 3,43 triệu đồ vật đã được giao nộp cho cảnh sát vào năm 2022, tăng 21.9% so với năm 2021. Giấy phép lái xe và các dạng giấy tờ tùy thân khác chiếm số lượng lớn nhất - 730.000 cái. Còn có cả găng tay, quần áo cũng như ví... Sự gia tăng các đồ vật bị thất lạc so với năm 2021 được cho liên quan đến tình trạng lây nhiễm COVID-19 chậm lại, dẫn đến việc người dân đi du lịch ngoài trời gia tăng.
Theo luật đồ thất lạc của Nhật Bản, bất kỳ ai tìm thấy tiền rơi đều phải giao nộp cho cảnh sát, nhưng họ có thể nhận phần thưởng từ 5% đến 20% nếu số tiền về với chủ nhân. Nếu sau 3 tháng, không có người đến nhận số tiền rơi, chúng sẽ được chuyển cho người tìm thấy. Nếu người tìm thấy không nhận được tiền trong vòng hai tháng sau đó, nó sẽ trở thành tài sản của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, chính sách này vẫn có kẽ hở. Cảnh sát ở hòn đảo Hokkaido đang cố gắng xác định chủ nhân của số tiền mặt trị giá 10 triệu yên được tìm thấy bởi một công nhân thu gom rác ở thành phố Sapporo vào cuối tháng 1. Kể từ khi cảnh sát công bố thông tin, có đến 13 người nói rằng số tiền này là của họ. Cảnh sát có thời hạn đến cuối tháng 4 để xác định xem liệu trong số 13 người này có người nói sự thật. Trong trường hợp không thể xác định được chủ nhân của 10 triệu yên này, nó sẽ trở thành tài sản của chính quyền Sapporo bởi vì số tiền mặt được tìm thấy bởi một nhân viên dịch vụ công cộng.
Số lượng lớn tiền rơi là một dấu hiệu của sự gắn bó lâu dài của Nhật Bản với tiền mặt và văn hóa không mặn mà với trả góp.
Sở cảnh sát thủ đô Tokyo đã kêu gọi công chúng đặc biệt thận trọng trong mùa ngắm hoa anh đào sắp tới, khi các nhóm đồng nghiệp và bạn bè tụ tập dã ngoại ngắm hoa. Đây được coi là yếu tố thường xuyên dẫn đến mất mát tài sản, uống nhiều rượu.