Người dân Ukraine: 'Tôi sợ hãi tra Google hầm trú bom gần nhất'

Khi ngày càng có nhiều tin tức về các hành động của Nga ở miền Đông Ukraine, một số người dân nước này đang chịu khủng hoảng tâm lý.

“Thể chất và tinh thần tôi đi xuống khi vật lộn trong căng thẳng và sợ hãi vì nghĩ đến nguy cơ chiến tranh”, Nika Savchak - một cư dân thành phố Kharkiv, nằm phía đông Ukraine, chỉ cách biên giới với Nga khoảng 50 km - nói với Zing sau hàng loạt tin tức Nga tiếp tục leo thang căng thẳng ở biên giới với Ukraine.

Cách đó khoảng 1.000 km, anh Lex Brightside ở Lviv cũng trong trạng thái lo lắng thời gian dài: “Không có nhiều thay đổi trong cuộc sống ở các thành phố lớn, nhưng tâm lý của chúng tôi đang bị ảnh hưởng vì lo sợ”.

Không chỉ người Ukraine trong nước, mà một số kiều bào ở nước ngoài cũng chịu gánh nặng tâm lý vì bồn chồn về tình hình ở quê nhà. “Tôi căng thẳng thường xuyên. Tôi có gia đình và người thân ở cả hai bên chiến tuyến (vùng ly khai)”, ông Yaro Slav, quê ở Luhansk hiện sinh sống tại Việt Nam, nói.

Trong suốt nhiều tuần nay, tình hình ở biên giới giữa Nga và Ukraine không ngừng gia tăng căng thẳng, khi Moscow tập trung khoảng 150.000 binh lính và các thiết bị quân sự đến gần biên giới, khiến các nước phương Tây lo ngại về nguy cơ chiến tranh.

Cuộc khủng hoảng trong vài ngày trở lại đây đang leo thang nghiêm trọng khi các cuộc đụng độ vi phạm lệnh ngừng bắn giữa quân chính phủ Ukraine và quân ly khai do Nga hậu thuẫn liên tục nổ ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 đã đưa căng thẳng lên đỉnh điểm khi công nhận nền độc lập của 2 vùng ly khai ở miền Đông Ukraine, đồng thời hạ lệnh đưa quân đội đến đây để “gìn giữ hòa bình”.

Trước đó, nhiều người Ukraine dường như vẫn không tin rằng Nga sẽ phát động chiến tranh, bất chấp cảnh báo liên tục từ các nước phương Tây.

Tại thủ đô Kyiv và các thành phố lớn, người dân cho biết cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Dẫu vậy, bên trong nhiều người, những chuyển biến tâm lý đã bắt đầu diễn ra, đặc biệt là khi họ tiếp nhận tin tức mới nhất về việc Nga đưa quân vào miền Đông Ukraine.

 Ukraine hôm 23/2 bắt đầu kêu gọi người dự bị nhập ngũ. Ảnh: Reuters.

Ukraine hôm 23/2 bắt đầu kêu gọi người dự bị nhập ngũ. Ảnh: Reuters.

Chiến tranh thực chưa đến, “chiến tranh nội tâm” đã giằng xé

Savchak cho biết cô đang phải vật lộn và luôn trong trạng thái tinh thần rất tệ trong những ngày gần đây vì lo lắng quá độ, khiến cô không thể hoạt động như bình thường.

“Thật kinh hoàng khi phải sống dưới sự đe dọa của chiến tranh; khi phải dự trữ thức ăn, nến, giấy vệ sinh và thuốc. Thật kinh hoàng khi đọc các bài báo kiểu ‘Phải làm gì nếu có giao tranh trong thành phố’, hay ‘Làm thế nào để sống sót nếu tên lửa tấn công’. Thật kinh hoàng khi phải tra Google ‘Các hầm trú bom gần nhất ở đâu?’”, Savchak nói.

“Thật kinh hoàng khi nghĩ đến việc mất đi mọi thứ: nhà cửa, bạn bè, gia đình, ước mơ, hy vọng, kế hoạch và cuộc sống, con mèo của bạn, những cuốn sách, chiếc cốc yêu thích, ảnh ngày bé, giường êm nệm ấm, và chiếc áo thun cũ yêu thích”, cô nói thêm.

Savchak chia sẻ rằng cô cũng bị dằn vặt bởi suy nghĩ về việc nên đi hay nên ở, về khả năng cô và gia đình có thể trở thành người tị nạn, hoặc thậm chí bị giết.

“Vài tháng vừa qua như địa ngục với tôi. Khu vực tôi ở chỉ cách biên giới 50 km”, cô nói, đề cập đến tin tức về hàng loạt xe tăng được nhìn thấy tiến vào Donetsk hôm 22/2.

 Binh sĩ Ukraine bên cạnh một tòa nhà bị trúng đạn cối ở làng Krymske, Luhansk. Ảnh: AP.

Binh sĩ Ukraine bên cạnh một tòa nhà bị trúng đạn cối ở làng Krymske, Luhansk. Ảnh: AP.

Trong trạng thái tương tự, anh Lex Brightside nói với Zing: “Điều cuối cùng trước khi ngủ và điều đầu tiên khi thức dậy mà tôi làm là đọc tin tức. Không biết điều gì sẽ xuất hiện trong đầu ông Putin vào ngày mai. Vì tôi không thể làm gì để thay đổi tình hình nên đã cố không lo lắng, nhưng mọi chuyện ngày càng tệ”.

Anh cho biết xung quanh anh có nhiều người đang bắt đầu tin vào khả năng chiến tranh, nhưng cũng có người vẫn cố phớt lờ những tin tức xấu hiện nay như một biện pháp phòng thủ bản thân khỏi những tổn thương. Một số người đang tìm cách rời đi.

Bản thân anh không tiết lộ về kế hoạch sắp tới của mình.

“Đúng là bạn sẽ không cảm thấy điều bất thường trong cuộc sống hàng ngày ở các thành phố lớn, nhưng chúng tôi luôn biết Nga có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn bất cứ lúc nào”, Brightside nói.

Mô tả điều tương tự, Savchak cho biết một số người bạn của cô vẫn tin rằng sẽ không có bất cứ cuộc chiến nào nổ ra, bất chấp những tin tức về việc động binh của Nga.

Vốn sinh ra và lớn lên ở Luhansk - một trong 2 vùng ly khai của Ukraine được Nga công nhận nền độc lập - ông Yaro Slav từ phương xa mỗi ngày đều theo dõi tin tức ở quê nhà và không thể thôi bồn chồn cả ngày.

“Tôi bất an và lo lắng thường xuyên vì gia đình và người thân ở vùng nhạy cảm. Thế nhưng, những gì tôi cảm nhận không là gì so những người đang sống dưới hiểm họa chiến tranh ngay lúc này”.

“Putin đang muốn toàn bộ Ukraine, chứ không phải một vài mảnh đất như bây giờ. Tấn công chỉ là vấn đề sớm muộn”, ông Yaro Slav nói.

 Hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine mà Nga công nhận độc lập. Đồ họa: New York Times.

Hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine mà Nga công nhận độc lập. Đồ họa: New York Times.

Yaro Slav cho biết bạn bè và người thân của ông ở Luhansk nhớ cuộc sống trước năm 2014.

“Họ nói rằng lương và lương hưu ở đó thấp hơn ở lãnh thổ do chính phủ Ukraine kiểm soát và ở Nga, trong khi giá cả mọi thứ khá cao. Một số người quen của tôi so sánh chúng với giá cả ở Moscow. Khu vực dường như thường xuyên có các vấn đề về sóng điện thoại di động, Internet, nguồn cấp nước, điện, cũng như giao thông”, ông nói thêm.

“Mọi người dường như đã thích nghi với việc sống bên cạnh các cuộc pháo kích và bất tiện, nhưng vẫn lo sợ một cuộc chiến toàn diện”.

“Sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất”

Lo sợ chiến tranh, Savchak cho biết bản thân muốn rời đi, nhưng đó không phải một quyết định dễ dàng vì nhiều khả năng cha mẹ cô sẽ chọn ở lại do không đủ khả năng tài chính. “Ra đi đồng nghĩa với rời xa gia đình và tổ ấm, và có thể sẽ không bao giờ đoàn tụ được với họ”.

Cô cho biết thêm xung quanh cô có rất ít người đã, hoặc có ý định rời đất nước.

“Không phải ai cũng có khả năng đi. Hầu hết người Ukraine không có tiền tiết kiệm hoặc tài sản bên ngoài thành phố mình sống. Họ không có tiền để đi và cũng không có nơi nào để đến”, Savchak quan sát.

Ông Yaro Slav chia sẻ điều tương tự và mô tả một số điều tích cực hơn mà ông nghe được từ bạn bè, người thân tại quê nhà.

 Nhiều người dân Ukraine học bắn súng để chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. Ảnh: AP.

Nhiều người dân Ukraine học bắn súng để chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. Ảnh: AP.

“Gia đình tôi ở Luhansk không đi đâu cả. Rất nhiều bạn bè của tôi ở phần còn lại của Ukraine đã tham gia các đơn vị bảo vệ lãnh thổ. Tôi thấy rất nhiều hình ảnh và video của bạn bè trên mạng xã hội. Họ học cách sử dụng vũ khí. Tôi không nghĩ rằng quân đội Nga sẽ được chào đón bằng hoa nếu họ đến”, ông nói.

Anh Brightside xác nhận và bổ sung rằng có nhiều người đang học các kỹ năng cấp cứu y tế, số khác hỗ trợ tiền cho quân đội thông qua các tổ chức tình nguyện.

“Chúng tôi hy vọng điều tốt nhất trong khi sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất”, anh nhấn mạnh.

Chia sẻ sự lạc quan ít ỏi còn lại, Savchak nói: "Tất cả chúng tôi tất nhiên vẫn hy vọng rằng điều tồi tệ nhất sẽ không xảy ra, và chúng tôi sẽ có thể ở lại nhà của mình ở Ukraine, tận hưởng cuộc sống yên bình".

Đại biện Ukraine: Những gì phương Tây nói đã thành sự thật ở Ukraine Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam Nataliya Zhynkina, nguyên nhân chính của tình hình căng thẳng hiện nay xuất phát từ tham vọng của Nga.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-ukraine-toi-so-hai-tra-google-ham-tru-bom-gan-nhat-post1298228.html