Người dân Vân Tảo hối hả cho vụ đào tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Xã Vân Tảo (huyện Thường Tín) là địa phương có điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng hoa đào từ. Từ hàng chục năm qua, nghề trồng hoa đào khiến cho người dân nơi đây luôn tất bật, hối hả mỗi dịp cận kề tết Nguyên đán...
Tăng diện tích trồng hoa đào
Vân Tảo phát triển nghề trồng hoa đào từ năm 1990, tuy nhiên, hàng chục năm sau đó phạm vi trồng hoa đào chưa nhiều. Kể từ ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh, Vân Tảo mới chuyển mình, tăng diện tích trồng đào.
Đến nay, ở Vân Tảo cây đào đang là cây chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây khác và trở thành nghề truyền thống. Không chỉ có kinh nghiệm, những người trồng đào của xã cũng nắm vững và áp dụng khoa học kỹ thuật: cưa cành, cắt tỉa lá, ghép mắt, bọc nilon, sưởi điện… giúp đào ra hoa đúng dịp tết Nguyên đán.
Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn cho biết, những năm gần đây, các gia đình ở Vân Tảo tăng diện tích chuyển đổi sang trồng cây hoa đào, cây cảnh, đã cho thu hoạch cao. Từ đôi bàn tay và khối óc của mình, người dân xã Vân Tảo đã tìm ra cho mình hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.
Chúng tôi có mặt tại xã Vân Tảo vào ngày 5/12/2024, thời điểm sau một thời gian vùng trồng đào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Tại nhà vườn của ông Nguyễn Văn Khả, thôn Nội Thôn đang trồng 6 sào cây đào, chủ yếu là đào thế, cổ thụ, mỗi sào trồng khoảng 60 cây cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm từ bán hoặc cho thuê cây mỗi dịp tết đến.
Ông Nguyễn Văn Khả chia sẻ: "do tết năm nay không có tháng dư và thời tiết như hiện nay, nên phải tuốt lá đào từ cuối tháng 10/2024 âm lịch để kiểm soát điều chỉnh cho cây đào ra hoa sớm còn phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp thuê trước tết. Còn với cây đào phục vụ đúng tết thì đến khoảng giữa tháng 11 âm lịch mới tuốt lá".
Liền kề nhà vườn của ông Khả là nhà vườn Đức Thắng của ông Nguyễn Văn Thắng số lượng đào đã đánh bầu cho vào chậu cũng chẳng kém gì. Ông Thắng cho biết, năm nay kinh tế khó khăn nên gia đình cân đối phương án phục vụ đào trước và đúng tết. Do vậy, mỗi giống đào có đặc trưng khác nhau nên sẽ tuốt lá ở phạm vi 45 - 60 ngày trước tết.
Tại vườn đào của ông Trần Văn Tưởng, thôn Nỏ Bạn, ông và con trai đang lúi húi đào từng gốc đào. Thấy có khách, ông vội vã vào lán cầm ấm rồi pha chè mời khách, đồng thời, giới thiệu một loạt cây đào gốc cổ thụ kèm theo giá bán hoặc giá cho thuê để khách biết còn lựa chọn tùy theo túi tiền.
Ông Tưởng chia sẻ, mấy tuần nay thời tiết nắng ấm khiến các chủ vườn dự báo năm nay như thế này là khá ổn định, rét ít, nên đến giữa tháng 11/2024 âm lịch là các hộ gia đình ở trong xã mới tập trung tuốt lá đào để kiểm soát và hãm tốc độ ra hoa của cây đào vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2025.
Ông cũng như những người trồng đào ở xã Vân Tảo hy vọng năm nay giá cho thuê hoặc bán cây đào khấm khá hơn năm ngoái, vì năm nay số lượng cây cung cấp ra thị trường rất hạn chế do bị ngập nước mưa ở cơn bão số 3 khiến hàng loạt cây bị chết hoặc cây có sống xót cũng bị chột.
“Gia đình nhà tôi có 8 sào đất trồng cây hoa đào, năm nay do bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3 làm ngập nước gây thiệt hại chết hàng loạt cây đào. Để giảm sự thiệt hại, những ngày này tôi đang dồn số cây đào cho thu hoạch được vào gần 3 sào ruộng để chuyển bầu trồng cây chờ ra dễ tôm rồi mới tuốt lá…” - ông Tưởng cho biết.
Sự chuyển mình của Vân Tảo hôm nay
Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn cho biết, hiện nay xã có trên 1.200 hộ trồng với 90ha trồng hoa đào ở các thôn: Nội Thôn, Đông Thai, Nỏ Bạn cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/năm/ha. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn thuê khoảng 30ha đất nông nghiệp ở xã Tự Nhiên và xã Chương Dương để trồng đào.
“Năm nay sẽ khó khăn hơn cho những gia đình làm nghề trồng cây hoa đào, bởi cơn bão số 3 diễn ra vào đầu tháng 9/2024 đã làm ngập hàng chục héc ta đào ở vùng bãi sông Hồng xã Tự Nhiên và một số khu vực vùng trũng của xã Vân Tảo, xã Thư Phú, gây thiệt hại chết hàng loạt cây đào…” - Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn
Sự chuyển mình của Vân Tảo góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động. Năm 2008, xã có 100 hộ nghèo, với thu nhập 25 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2024, toàn xã với 6 thôn đã cho thu nhập bình quân 75 triệu đồng/người/năm, hiện xã không còn hộ nghèo. Nhiều gia đình nhờ có nghề trồng hoa đào đã có kinh tế khá giả.
Nghề trồng hoa đào đang là hướng đi đúng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, địa phương xác định hướng tới xây dựng thành mô hình làng hoa, cây cảnh lớn nhất nhì miền Bắc, mỗi năm cung ứng hàng chục triệu sản phẩm hoa, cây cảnh các loại phục vụ thị trường dịp tết, trong đó cây hoa đào là cây chủ lực.
Hầu hết các vườn đào tại xã Vân Tảo trồng khoảng 300 - 400 gốc, với số vốn bỏ ra hàng tỷ đồng; nhiều nhà vườn mở rộng quy mô 600 - 700 gốc với số vốn bỏ ra lớn hơn. Trong đó phải kể đến vườn cây cảnh của các hộ ông Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Khả, Nguyễn Văn Đông… là những nhà vườn sở hữu nhiều gốc đào già giá trị.
Từ sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết trong sản xuất, năm 2012 thôn Nội Thôn đã được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề cây cảnh truyền thống. Năm 2018 (sau 10 năm mở rộng Hà Nội), Vân Tảo hoàn thành và được công nhận xã nông thôn mới. Ngày 15/1/2024, thôn Đông Thai cũng đã được UBND TP công nhận làng nghề truyền thống hoa cây cảnh.
Bí thư Đảng ủy xã Vân Tảo Nguyễn Thanh Liêm khẳng định, hằng năm làng nghề trồng hoa đào đã tạo việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương, thu nhập bình quân lao động từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng. Cây hoa đào góp phần đưa cuộc sống người dân Vân Tảo ngày càng sung túc, khấm khá hơn, đem lại khởi sắc cho diện mạo nông thôn.
Về thực tế, trước đây cây hoa đào chỉ được triển khai trồng tại một số hộ gia đình ở các thôn, nhưng đến nay đã phát triển toàn xã. Những năm tới, xã tiếp tục chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa đào, đây là tiền đề quan trọng giúp cải thiện tiêu chí thu nhập trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
“Phát triển diện tích trồng hoa đào đang là hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của Thường Tín nói chung và xã Vân Tảo nói riêng. Từ thực tế cho thấy nó đang trở thành nghề chính trong sản xuất nông nghiệp so với các ngành nghề khác” - Bí thư Đảng ủy xã Vân Tảo Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ.