Người dân ven biển tỉnh Quảng Ngãi hối hả phòng chống bão số 4
Sáng ngày 26-9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng đoàn công tác đã đến tỉnh Quảng Ngãi để kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 (bão Noru).
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã đến kiểm tra công tác neo trú tàu thuyền tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi).
Hiện tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa đang có 295 tàu neo đậu, đây là cảng neo trú có sức chứa 350 tàu, là khu neo đậu cấp tỉnh. Công trình gồm các hạng mục bến cá, bến neo đậu, công trình neo buộc tàu, khu neo đậu tàu thuyền phục vụ chính ngư dân tại 4 xã Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Bình Châu và Tịnh Kỳ. Ngoài ra, trong tình huống bão, các địa phương khác cả các tỉnh ngoài cũng vào neo đậu.
Tình hình neo đậu tại các cảng toàn tỉnh gồm cảng Lý Sơn đang neo đậu 457 chiếc và 26 lồng bè, cảng Mỹ Á là 155 chiếc, cảng Sa Huỳnh là 88 chiếc, cảng Tịnh Kỳ là 39 chiếc, cảng Tịnh Hòa là 295 chiếc.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho biết, hiện nay tỉnh đang chủ động các phương án ứng phó trước khi bão Noro đổ bộ vào đất liền. Tỉnh cũng đã quán triệt các địa phương không được để xảy ra những sự cố, vấn đề do lỗi chủ quan, trừ những sự cố bất khả kháng. Vấn đề lo ngại tiếp theo là sau khi bão đi qua, ảnh hưởng của mưa lớn và hoàn lưu của bão không thể chủ quan.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nói: “Điều quan tâm nhất là đảm bảo tính mạng cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Quảng Ngãi đặc biệt chú trọng đến 5 huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn. Lý Sơn được xác định là vùng đầu tiên ảnh hưởng nặng của bão nên ngày hôm qua, lực lượng quân đội đã giúp cho bà con chằng chống nhà cửa và thực hiện các phương án ứng phó”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: "Còn nhiều tình huống xảy ra khi bão số 4 đổ bộ. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi cần phân công cán bộ lãnh đạo bám sát cơ sở để vận động, tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là trước cơn bão được dự báo là rất lớn này".
Bộ trưởng chỉ đạo, ngoài việc chủ động kêu gọi các tàu thuyền neo đậu, hướng dẫn tàu thuyền, ngoài khơi tìm nơi tránh trú Quảng Ngãi cũng như các tỉnh miền Trung sẽ có những tình huống khó lường khi bão vào, trong đó đề phòng sạt lở khu vực miền núi. Dù tỉnh Quảng Ngãi đã có những kịch bản tương đối để ứng phó như bố trí điểm di dời dân các vùng xung yếu, tuy nhiên cần có lực lượng thường xuyên túc trực để kiểm soát tốt tình hình.
>>>Clip: Người dân ven biển tỉnh Quảng Ngãi hối hả phòng chống bão số 4
Sáng ngày 26-9, tại tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa trên diện rộng, đặc biệt tại các huyện ven biển Bình Sơn, TP Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn có mưa kèm gió. Để ứng phó với bão số 4, người dân các địa phương đã nhanh chóng di chuyển ghe, thúng, tàu thuyền vào trong bờ neo đậu, chằng chống nhà cửa.
Tại vùng biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, địa phương đang vận động người dân di chuyển thúng, ghe lên bờ. Hiện đã có 150 tàu cá đi tránh bão, neo đậu an toàn tại các cảng cá và 800 thúng đã được ngư dân kéo lên bờ.
Ông Đặng Văn Cư (thôn 2, xã Bình Hải) cho biết: “Nghe tin bão lớn, chúng tôi rất lo lắng, tôi nhờ các lực lượng dân quân và thanh niên đến đưa thúng máy lên bờ. Ngư dân có chiếc thúng để làm nghề ven bờ nên tôi rất cẩn thận đưa vào tận khu dân cư”.
Ông Huỳnh Tấn Hùng (thôn 2, xã Bình Hải), chia sẻ, ông đã cùng dân quân và thanh niên tranh thủ di chuyển thúng lên bờ. Ông nói: “Theo kinh nghiệm các ngư dân, khi có bão, biển động mạnh, sóng dâng cao đến 4-5m khả năng kéo thúng trôi nên ngư dân phải đưa vào trong sát khu dân cư cho an toàn”.
Lực lượng dân quân, thanh niên đã được huy động để đưa toàn bộ thúng đang neo ngoài biển vào bờ, đưa lên các lối đi vào xóm. Khu vực thôn 1 và thôn 2 vẫn chưa làm bờ kè, khi bão đến, triều cường xâm thực vào tận nhà dân ven biển, xói lở tạo thành mương cát lớn. Do vậy, người dân nơi đây rất lo lắng.
Ông Trần Đình Tiên (thôn 2, xã Bình Hải) ở một mình, ông cho biết: “Tôi đã chuẩn bị đồ đạc, chằng chống nhà cửa an toàn và sẽ di chuyển sang nhà các con tôi để tránh trú bão”.
Nhiều người dân đã tranh thủ chằng chống, gia cố nhà cửa bằng bao cát vì nhà dân đều nằm sát bờ biển. Xã Bình Hải đã ra quân chặt cây xanh, gốc cây lớn đã được hoàn thành.
Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết: “Đoạn thôn 1 và thôn 2, xã Bình Hải, chưa được kè nên khả năng triều cường xâm thực, xung yếu đoạn 400m, ảnh hưởng dọc ven biển 150 hộ. Hiện, địa phương vẫn tích cực vận động dân di dời đến nơi an toàn, ước chừng di dời 1.000 hộ/3.000 khẩu, di dời tập trung, xen ghép các nhà kiên cố”.
Trong sáng ngày 26-9, công nhân vẫn đang tiếp tục thi công công trình kè chống sạt lở tại thôn Phước Thiện 1 và Phước Thiện 2. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành tháng 10-2022, nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Dự kiến trong chiều cùng ngày, các công nhân sẽ đưa các phương tiện máy móc, xe cẩu… vào nơi an toàn để ứng phó bão số 4.
Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão tại các khu dân cư ven biển huyện Bình Sơn, TP Quảng Ngãi và các công trình chống sạt lở bờ biển Bình Hải (huyện Bình Sơn) và tại thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi.
Tính đến 8 giờ ngày 26-9, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn 511 tàu/5.319 lao động các hoạt động trên các vùng biển. Tất cả tàu, thuyền trên đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của bão và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Đối với các tàu đang ở khu vực biển quần đảo Hoàng Sa (87 tàu/684 lao động), hiện đang di chuyển về bờ hoặc di chuyển xuống phía Nam để tránh bão. Hiện nay đã có 5.133 tàu neo đậu tại bến.
Trung tá Bùi Quốc Đạt, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bình Sơn cho biết, Đảng ủy - Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ Ban CHQS huyện, đặc biệt nòng cốt là đội xung kích trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn bám nắm cơ sở, kiểm tra lại các khu vực hồ, đập, tuyến đường xung yếu, khu dân cư có nguy cơ ngập lụt do hoàn lưu bão gây mưa để lập ké hoạch, lên phương án chủ động ứng phó kịp thời. Hiện tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện hoàn tất các khâu chuẩn bị từ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng cơ động hỗ trợ nhân dân khi có sự cố do bão số 4 gây ra.
>>> Người dân ven biển xã Bình Hải chủ động phòng chống bão số 4: