Người dân vùng cao Hàm Thuận Nam nhận thức tốt về Luật Hôn nhân
Nhờ sự vào cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mạnh mẽ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương nên người vùng cao Hàm Thuận Nam hiện đã nhận thức tốt về các quy định của pháp luật, nhất là vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Hàm Thuận Nam có 12 xã và 1 thị trấn, với khoảng hơn 101.500 người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 5,52%, chủ yếu ở các xã vùng cao Mỹ Thạnh, Hàm Cần. Cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn nên nhận thức về các quy định pháp luật còn hạn chế. Chính vì vậy, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình... gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự vẫn còn.
Trước tình hình đó, Hàm Thuận Nam thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở vùng đồng bào DTTS. Nhất là từ năm 2021, ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó giai đoạn I của Chương trình được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025, thì công tác này càng được quan tâm hơn. Phòng Dân tộc đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức tuyên truyền đến người dân các chính sách dân tộc, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai…
Nhờ vậy đến nay nhận thức về pháp luật của một bộ phận người đồng bào DTTS nâng lên rõ rệt. Điều ấy thể hiện không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà qua những phần hỏi – đáp trong các hội nghị tuyên truyền, PBGDPL. Tại hội nghị tuyên truyền PBGDPL về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Phòng Tư pháp huyện Hàm Thuận Nam phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức mới đây ở các xã vùng cao Mỹ Thạnh, Hàm Cần là minh chứng. Nhiều người đồng bào DTTS không cần suy nghĩ, trả lời vanh vách các câu hỏi về những quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình của báo cáo viên. Điều đó khiến chúng tôi và ngay cả người trong đoàn công tác bất ngờ, vì không nghĩ họ đã nắm luật đến vậy. “Nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi mới đủ tuổi kết hôn, nếu chưa đủ tuổi mà lấy nhau là vi phạm pháp luật. Kết hôn cận huyết thống, sinh con ra sẽ dị tật, mang nhiều bệnh di truyền…”, bà Nguyễn Thị Thêm ở Mỹ Thạnh trả lời dứt khoát với báo cáo viên của Hội Luật gia tỉnh.
Trong khi ở bên lề một hội nghị tương tự ở Hàm Cần, bà Mang Thị Nhai chia sẻ, bà có hai người con gái, đứa nào bà cũng khuyên ngoài 20 tuổi mới lấy chồng. Bà nói, nhỏ tuổi mà lấy chồng sẽ khổ, không chỉ khổ cho cha mẹ mà còn cho chính chúng khi điều kiện sống còn khó khăn thiến thốn. Con cái nheo nhóc, chúng khỏe mạnh thì không sao nhưng bệnh tật thì khổ. Mình là cha mẹ nhìn thấy cũng đau lòng.
Tuy vậy, cũng như người dân địa phương khác, không phải ai ở đây cũng nắm vững hết các quy định pháp luật. Cho nên, họ cần nhiều hơn nữa những hội nghị tuyên truyền PBGDPL để nâng cao kiến thức pháp luật. Từ đó, tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lùi xa hơn. “Toàn xã có khoảng 80 thanh, thiếu niên từ 13 – 18 tuổi, từ đầu năm đến nay chưa xảy ra trường hợp tảo hôn. So với cách đây nhiều năm về trước, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể. Người dân ở đây bây giờ ai cũng hiểu luật, nhưng đôi khi còn chủ quan nên nguy cơ tảo hôn xảy ra”, anh Thông Hoài Thanh – Bí thư Xã đoàn Mỹ Thạnh cho biết.
Ông Trần Tiến Phúc - Trưởng phòng Tư pháp huyện Hàm Thuận Nam nhận xét, so với trước kia, ý thức chấp hành pháp luật của người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện nâng lên rõ rệt. Đặc biệt trong vấn đề hôn nhân gia đình, họ luôn ý thức việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không mang lại lợi ích cho gia đình. Tuy vậy, cũng có trường hợp hiểu luật nhưng cố tình do một phần chính quyền địa phương chưa xử lý tới nơi tới chốn.