Người dân vùng cao Lai Châu lao đao vì thiếu nước sinh hoạt
Nắng nóng, khô hạn kéo dài nhiều ngày qua đang gây ảnh hưởng lớn tới đời sống và sản xuất của người dân vùng cao Lai Châu. Không chỉ thiếu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương ở vùng cao cũng đang lao đao, chật vật vì thiếu nước sinh hoạt.
Hơn 2 tháng nay trên địa bàn xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) không có mưa. Nhiều diện tích cây cối, hoa màu và cả thảm thực vật trong rừng cũng đã héo khô. Không có mưa, đồng nghĩa với việc nhiều hộ dân trên địa bàn cũng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, khi các nguồn nước và thiết bị chứa nước mưa gần như cạn khô đáy.
Cũng như nhiều hộ dân ở các bản trong xã, trước thực trạng mó nước ở bản cạn khô, nhiều ngày nay người dân bản Làng Sảng, xã Hồng Thu phải đi tìm nguồn nước ở rất xa. Người vào rừng tìm, người xuống phố huyện, thế nhưng cũng không có đủ nước để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình.
Anh Liều A Khua, ở bản Làng Sảng, xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ chia sẻ: "Bà con trong bản đang thiếu nước trầm trọng. Không có nước để ăn uống và sinh hoạt nên bà con phải đi lấy ở cách đây hơn 5 cây số. Bà con phải dùng xe máy để chở từng can nước về dùng, nhưng không được nhiều do đường xa và đi lại khó khăn".
Người dân bản Làng Sảng thiếu nước, đồng nghĩa với việc sinh hoạt của hơn 60 cháu học sinh mầm non ở điểm trường của bản cũng gặp khó khăn do thiếu nước. Không có mưa, nên nhiều ngày nay téc chứa nước của điểm trường trường cũng cạn kiệt, khô đáy. Để có nước cho cô, trò sử dụng, đầu giờ sáng hàng ngày khi đến trường, giáo viên và phụ huynh đều phải kèm theo can nước nhỏ.
Cô giáo Trần Thị Bích Thùy, giáo viên điểm trường Mầm non bản Làng Sảng chia sẻ: "Từ đầu năm đến nay ở điểm bản này rất là thiếu nước, khô hạn. Do không có nước nguồn nên bà con chủ yếu sử dụng bằng nước mưa, nên việc sử dụng nước rất thiếu thốn. Để khắc phục được tình trạng này, nhiều ngày nay cô giáo cùng với phụ huynh học sinh vào mỗi buổi sáng phải mang nước đến để sử dụng. Để có đủ nước sinh hoạt cho các cháu, các cô giáo phải sử dụng rất là tiết kiệm. Khi rửa rau, rửa đồ ăn xong các cô phải tận dụng các nguồn nước thải đó để tưới rau".
Xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông. Do tập quán cư trú trên địa hình đồi núi dốc, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước mưa nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn xã Hồng Thu thường diễn ra quanh năm.
Đặc biệt, năm nay nắng nóng kéo dài, nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt xuất hiện ở 9/11 bản. Hình ảnh các đoàn xe máy chở các thiết bị chứa nước hoặc người dân gùi trên lưng can nước xuất hiện khắp các tuyến đường, làng bản vùng cao. Không chỉ riêng xã Hồng Thu, thực trạng thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất đang xuất hiện ở hầu hết các xã vùng cao:Tả Phìn, Phìn Hồ, Phăng Xô Lin, Tủa Sín Chải…
Ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết: "Ở thời điểm nắng, nóng kéo dài thì các xã vùng cao trên địa bàn cũng gặp rất nhiều khó khăn về nước sinh hoạt cũng như nước sản xuất. Trước khó khăn này, hàng năm bước vào mùa mưa huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo đối với các cơ quan chuyên môn, cũng như các xã rà soát lại hệ thống thủy lợi để vận động bà con nhân dân tiến hành nạo vét để đảm bảo sản xuất cho vụ mùa của năm. Đối với nước sinh hoạt, huyện cũng tuyên truyền bà con nhân dân sử dụng tiết kiệm. Thứ hai là đầu tư các vật dụng tích trữ nước, để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt tối thiểu cho gia đình vào những thời điểm khô hạn kéo dài".
Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất của người dân các xã vùng cao, chính quyền tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với hạn hán, trong đó ưu tiên đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho các cánh đồng tập trung. Đồng thời, tỉnh Lai Châu yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố, chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn để sớm đưa vào sử dụng, đảm bảo nguồn nước cho người dân.