Người dân vùng Đồng Tháp Mười ngóng lũ
Cuối tháng 8, chúng tôi chạy xe dọc các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, không còn thấy cảnh xuồng ghe tấp nập dọc các tuyến kênh hay trên cánh đồng nước mênh mông như những năm trước mà thay vào đó là hình ảnh những gương mặt buồn hiu đang 'đứng ngồi không yên' vì lũ vẫn chưa về.
Những năm trước, thời điểm này, nước đã “nhảy” khỏi bờ, từ đó, những người mưu sinh bằng nghề câu lưới cũng có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thế nhưng, năm nay đến thời điểm này, những người sống bằng nghề câu lưới vẫn chưa thể ra đồng giăng lưới, giăng câu, đặt lọp,... khiến cuộc sống của họ khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Ông Bùi Văn Lê, ngụ xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, nói: “Càng ngày nước lũ càng về ít, điều đó đồng nghĩa với việc người dân sống bằng nghề câu lưới phải bỏ nghề, thậm chí có người đổ nợ vì vay tiền đầu tư các ngư cụ. Còn gia đình tôi, vợ chồng người con út cũng bỏ nghề câu lưới, rời quê lên Sài Gòn làm công nhân. Cuộc sống mùa lũ tuy vất vả nhưng vui, gia đình được ở gần nhau!. Giờ đây, mùa lũ chỉ còn trong ký ức”.
Tiếp tục chạy xe về các xã đầu nguồn của huyện Tân Hưng như Hưng Điền B, Hưng Thạnh,... chúng tôi càng cảm nhận được cảnh khác thường, bởi nước dưới các con rạch, sông thấp lè tè, những chiếc ghe nằm chỏng chơ trên bãi bồi hoặc các ngư cụ được treo trên vách nhà,... Xa xa là đàn bò đang ăn cỏ trên ruộng lúa thay vì những chiếc xuồng câu lưới tấp nập đánh bắt quen thuộc như ngày nào.
Ông Trần Văn Còn, ngụ xã Hưng Thạnh cho biết: “Nước trên đồng không có nên tôi giăng lưới dưới sông kiếm cá ăn. Song, thủy triều lên xuống thất thường, cá không nhiều nên chán lắm! Những người sống bằng nghề câu lưới chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, không có đất sản xuất. Năm nay không có lũ, những người sống bằng nghề câu lưới như tôi cũng chẳng biết làm gì”.
Tiếp lời ông Còn, bà Gái (vợ ông Còn) nói: “Những năm trước, thời điểm này, gia đình tôi có thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày từ đặt lọp cua, đặt dớn, còn bây giờ kiếm đủ cá ăn là mừng rồi! Vợ chồng tôi mà không vướng bận mấy đứa cháu là kéo nhau lên Sài Gòn đi làm thuê, chứ khó trông cậy vào nghề câu lưới”.
Mùa lũ thường bắt đầu vào tháng 7 âm lịch. Theo đó, nước trên thượng nguồn sông Mê Kông đổ về làm ngập vùng hạ lưu, tràn đồng, mang theo lượng phù sa màu mỡ cho đồng ruộng; đồng thời, đem về con cá, con tôm cho người dân vũng lũ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây mực nước lũ ngày càng thấp, điều đó đồng nghĩa với kế sinh nhai của người dân sống bằng nghề câu lưới cũng ngày càng bấp bênh hơn.
Lũ chưa về không chỉ ảnh hưởng đến những người sống bằng nghề câu lưới mà cả cuộc sống của các tiểu thương tại chợ Tân Hưng, huyện Tân Hưng - một trong những chợ cá đồng nổi tiếng nhất vùng Đồng Tháp Mười. Thông thường, vào mùa lũ, chợ cá đồng Tân Hưng hoạt động liên tục và rất sôi động. Cụ thể, phía sau nhà lồng chợ thực phẩm tươi sống có bố trí 1 dãy riêng dành cho người “nhà vườn” (người tự đánh bắt cá) trực tiếp bán cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các tiểu thương cũng thu mua cá của người “nhà vườn” bán lại cho các thương lái trên TP.HCM.
Riêng năm nay, hoạt động tại dãy cá dành cho người “nhà vườn” rất trầm lắng, còn các tiểu thương đang “rầu thúi ruột” vì chẳng có người “nhà vườn” đem cá ra bán, trong khi đó, nhu cầu của các thương lái TP.HCM rất lớn. Bà Trần Thị Lắm, ngụ thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, trải lòng: “Nhờ mùa lũ mà chợ cá đồng hoạt động sôi nổi, tiểu thương cũng có thêm thu nhập. Những năm trước, thời điểm này, chợ bán rất nhiều loại cá đồng, nhất là cá linh. Còn bây giờ, chẳng có con cá linh nào. Hiện nay, nhiều khách hàng điện thoại đặt mua cá linh nhưng không có để bán”.
Lũ vẫn chưa về, chúng ta không còn được ngắm cảnh người dân thu hoạch hẹ nước, xem đánh bắt cá linh, hái bông điên điển,... Hơn hết, những người sống bằng nghề câu lưới lại tiếp tục “thất nghiệp”, cuộc sống của họ khó khăn lại càng khó khăn hơn./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nguoi-dan-vung-dong-thap-muoi-ngong-lu-a81253.html