Người dân vùng sạt lở Quảng Nam vui mừng trong ngôi nhà mới
Sau hơn 1 năm kể từ ngày xảy ra trận sạt lở núi kinh hoàng, đến nay, hàng trăm hộ dân ở huyện vùng cao Phước Sơn, tỉnh Quảng đã dọn về ở trong những ngôi nhà mới.
Với bà con nơi đây, ký ức đau buồn về thảm họa thiên tai khó có thể nguôi ngoai. Nhưng, bỏ qua những đau thương, mất mát ấy, mọi người đang gượng dậy ổn định cuộc sống tại những ngôi làng mới.
Cách đây 1 tuần, gia đình anh Hồ Văn Long, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn dọn về nhà mới sau những tháng ngày phải sống trong lều dựng tạm. Anh Long cho biết, năm ngoái khi bão tan, gia đình anh trắng tay. Ngày 28/10/2020 mưa rơi nặng hạt, mọi người chỉ kịp tháo chạy bất lực nhìn ngôi nhà bị đổ sập, nước cuốn trôi. Những gì còn lại chỉ là nền đất trống, tan hoang đầy bùn đất.
Về ở nhà mới trong Khu tái định cư thôn Trà Vân A, anh Hồ Văn Long không giấu được niềm vui: “Từ khi về đây, tôi cảm thấy rất tốt. Điều kiện ăn, ở được hơn trước nhiều. Vì ngày xưa mình ở nhà gỗ, giờ được ở nhà xây thoải mái hơn, đồ dùng sinh hoạt cũng tốt hơn. Chỗ mới bằng phẳng, tương lai cũng sẽ có điện, đường xá thuận tiện cho bà con. Năm nay, tôi sẽ ăn Tết ở đây vì giờ mình đã có nhà. Giờ tranh thủ làm thêm nhà bếp, hiên nữa để đón Tết”.
Ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020 đã làm 27 ngôi nhà của người dân thôn 2, xã Phước Kim bị cuốn trôi. Sau bão lũ, cuộc sống bà con nơi đây gặp vô vàn khó khăn. Nhiều tháng liền người dân sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, đồ ăn, thức uống phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Giờ đây, 27 ngôi nhà mới được cất lên ở thôn Trà Vân A, xã Phước Kim. Mỗi căn nhà trị giá 150 triệu đồng, được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước và các nhà hảo tâm giúp đỡ. Ông Hồ Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kim cho biết: Đến nay, tất cả bà con đã chuyển về làng mới sinh sống, gây dựng lại từ đầu.
“Hiện nay, tại khu Trà Vân A này đã xây xong, đưa bà con về ở. Từ nay tới Tết Nguyên đán, điện và nước ở khu này sẽ ổn định. Vừa qua, huyện với xã cũng đã làm thủy lợi bắc nước về chỗ ở cho bà con. Hiện nay, xã cũng đã phát động bà con dọn lại bờ ruộng chuẩn bị trồng lúa nước”- ông Hồ Văn Thương cho biết.
Khu tái định cư thôn 1, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn trước đây là một ngọn đồi, nay đã được san ủi hàng triệu mét khối đất đá phía trên để hình thành khu vực bằng phẳng để bà con lập làng mới. Tại đây có hơn 80 hộ đang dựng nhà và 10 hộ đã vào ở trong nhà mới. Hiện, chính quyền cùng người dân gấp rút dựng nhà để kịp hoàn thành trước Tết. Ông Hồ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, khu vực này thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, xã vận động bà con sử dụng kinh phí được hỗ trợ để sửa chữa nhà ở, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi.
“Đối với xã, tập trung chỉ đạo quyết liệt, vận động bà con về ở trước Tết, đảm bảo trong quá trình làm ăn sinh sống cũng như được ở đón Tết Nguyên đán kịp thời. Hiện nay, về cơ bản sẽ có 70 hộ dân hoàn thành nhà trước Tết”- ông Hồ Văn Trung cho biết.
Bên cạnh việc tìm kiếm và bố trí đất tái định cư lâu dài, vấn đề tìm kế sinh nhai cho người dân đang được UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đặc biệt chú trọng. Từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, UBND huyện đã hỗ trợ đồng bào trồng và chăm sóc cây dược liệu dưới tán lá rừng. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng sinh kế mới, bền vững và lâu dài cho đồng bào và thay thế cây keo, loại cây trồng vừa có hiệu quả kinh tế không cao, không giữ được đất, gây sạt lở núi trong mùa mưa lũ.
Ông Đỗ Hoài Xoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết: Những ngôi nhà mới của bà con có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là điểm tựa để mọi người yên tâm lao động sản xuất, từng bước tạo nên một diện mạo mới, đổi thay sau thiên tai.
“Về lâu về dài, ngoài chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay huyện cũng đang chờ chủ trương của tỉnh tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất ở, đất sản xuất cho nhân dân để đảm bảo ổn định cuộc sống. Hiện nay, các ban ngành của huyện cũng hướng dẫn triển khai cho bà con có hướng làm ăn lâu dài"- ông Đỗ Hoài Xoan cho biết.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, đặc biệt với các huyện miền núi, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
“Tỉnh sẽ làm những công trình dân sinh và hỗ trợ người dân giống cây trồng; hỗ trợ phát triển kinh tế bằng một số định hướng về cây trồng dược liệu, quế. Ngoài ra còn hỗ trợ trồng những cây dược liệu ngắn ngày. Tỉnh đang tích cực hỗ trợ việc đó. Mặt khác tỉnh đang gấp rút hoàn thành thủ tục thi công những đường từ trung tâm huyện lên các xã để thuận tiện giao thông cho bà con”- ông Hồ Quang Bửu cho biết./.