Người dân vùng thượng Kỳ Anh kể chuyện lở núi trong đêm, nhiều khối đá lớn rơi ầm ầm

Mưa lớn làm sạt lở núi trên diện rộng khiến hơn 219 ha đất lúa, đất màu và một số diện tích đất ven đồi trồng cây ăn quả của các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị vùi lấp.

Hàng loạt đồi núi ở các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh bị sạt lở nham nhở sau vài ngày có mưa lớn vừa đây. Ảnh: Những vết nứt dọc các dãy núi ở xã Lâm Hợp.

Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Tây là các xã xảy ra tình trạng sạt lở núi vùi lấp đất canh tác khá lớn, nhất là diện tích đất ruộng vốn đã ít ỏi nay lại càng bị thu hẹp. Ảnh chụp tại xã Kỳ Thượng.

Nhiều điểm sạt lở núi khá rộng và sâu...

Nhà ở cách khu vực núi Khe Táy - thôn Bắc Hà vài km, bà Dương Thị Hoan (ở thôn Nam Hà, xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh) cho biết, vào khoảng 4h sáng ngày 21/10, núi bắt đầu lở làm gia đình bà và nhiều người dân các thôn: Bắc Hà, Nam Hà tỉnh giấc vì những tiếng động lớn. Tình trạng sạt lở kéo dài đến hơn 10 giờ mới kết thúc.

Bà Hoan kể: “Đang ngủ ngon, bỗng nghe rầm ầm như trâu chạy bên nhà, kèm những tiếng nổ lớn như sấm sét. Cả nhà tôi chạy ra ngoài thì thấy nhiều người cũng đã ra đứng ở đường, mới biết là lở núi. Khi trời sáng ra, nhìn lên sườn núi thấy vô số đất đá thi nhau lao ầm ầm, phía sau hiện ra những mảng đất đỏ khổng lồ, nhìn mà nóng ruột. Tôi năm nay hơn 70 tuổi, chưa bao giờ thấy cảnh sạt lở núi nhiều và dữ dội như lần này”. Trong ảnh: Sạt lở núi ở khu vực Khe Táy.

Đặc biệt, tình trạng sạt lở đã phá hủy nhiều diện tích rừng tràm; cuốn trôi, chôn lấp và làm gãy đổ nhiều ha quýt bản địa lâu năm được người dân trồng trên các sườn núi ở các xã: Lâm Hợp, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc.

Gia đình anh Đặng Văn Quỳnh (ngoài cùng bên phải) ở thôn Bắc Hà, xã Lâm Hợp là một trong những hộ có diện tích quýt trồng trên sườn núi nhiều nhất (gần 4 ha) và cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (trên 2,5 ha bị cuốn trôi hoặc bị vùi lấp). Trong ảnh: Anh Quỳnh cùng cán bộ thôn và cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh kiểm tra những cây quýt hàng chục năm tuổi bị cuốn trôi về rừng tràm dưới chân núi.

Vườn quýt của ông Nguyễn Văn Minh (người đi sau), ở thôn Nam Hà với trên 2 ha cũng đang bị bao vây bởi nhiều khối đá khổng lồ, không thể dời dọn. Rất nhiều diện tích quýt của ông phải “sống chung với đá” như thế này.

Xót của, hằng ngày, ông Minh luôn có mặt ở rừng, cố gắng lượm lặt, chống đỡ và chăm sóc những cây quýt còn có thể phục hồi...

... và nhặt nhạnh những quả quýt rơi rụng về bóc vỏ, sấy khô để bán để vớt vát lại bớt thiệt hại. Ông Minh cho biết, 150 cây quýt của gia đình ông đã bị vùi lấp, trong đó hơn 100 cây đã cho thu hoạch.

Ông Phạm Hữu Khánh ở thôn Nam Hà, xã Lâm Hợp cũng mất 50 cây quýt trong lớp đất đá từ núi đổ xuống, trong đó 30 cây 15 năm tuổi.

Không chỉ gây thiệt hại trực tiếp, các điểm sạt lở núi đã làm hàng nghìn mét khối đất đá, nhiều cây cối trôi về hạ nguồn, vùi lấp gần 200 ha đất trồng lúa và hoa màu của các xã: Kỳ Thượng, Lâm Hợp, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn....

Địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất ở vùng dưới sạt lở đất là xã Kỳ Thượng với hơn 33 ha (chiếm 40% đất lúa của xã) bị vùi lấp với độ dày từ 1 đến trên 2 mét.

Thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Thượng có 11,3 ha đất trồng lúa thì đã có 11 ha bị đất vùi lấp do lở núi.

Ông Nguyễn Xuân Mến - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng (bên phải) cho biết: tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng và bất thường như vừa qua trên địa bàn các xã vùng thượng Kỳ Anh là rất hiếm thấy. Điều đáng nói là, hầu hết các diện tích đất bị vùi lấp như thế này sẽ rất khó phục hồi.

Tại xã Kỳ Lạc, nhiều diện tích đất ruộng đã bị lớp đất dày từ núi đổ xuống bao phủ...

Nhiều ruộng lúa chỉ còn đất và đá...

Hơn 170 ha đất trồng sắn dù không bị vùi lấp với chiều dày như đất lúa nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề..

... Những diện tích trồng hành tăm cùng chung số phận. Bà Hoàng Thị Luê xóm Lạc Trung (ở giữa) thiệt hại 2 sào hành.

Lãnh đạo xã Kỳ Lạc xuống đồng kiểm tra thiệt hại, động viên bà con thu dọn đồng ruộng ở những diện tích có thể khôi phục.

UBND huyện đang chỉ đạo phòng chuyên môn tiếp tục rà soát đánh giá thiệt hại, xây dựng phương án khắc phục tình trạng đất canh tác bị vùi lấp do sạt lở núi, kèm theo đó là xây dựng và kiến nghị chính sách hỗ trợ.

Theo dự kiến, huyện chia 3 loại với các mức độ ảnh hưởng khác nhau để có phương án khắc phục cụ thể. Đối với diện tích bị bồi lấp ít, huy động lực lượng hỗ trợ Nhân dân san gạt để kịp đưa vào sản xuất trong vụ xuân năm 2021; loại bị bồi lấp khá dày nhưng có thể cải tạo, huyện sẽ huy động nguồn lực và kiến nghị tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để đào xúc, cải tạo đất giúp người dân tổ chức sản xuất trong vụ xuân 20202; loại bị vùi lấp dày không thể khôi phục thì xây dựng phương án và đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Huyện cũng kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ dân bị mất đất ruộng do sạt lở núi trong thời gian chờ đợi khôi phục đất sản xuất hoặc thực hiện chuyển đổi nghề

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Thanh Hải

Vũ Viễn

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/nguoi-dan-vung-thuong-ky-anh-ke-chuyen-lo-nui-trong-dem-nhieu-khoi-da-lon-roi-am-am/200712.htm