Người dân xóm nghèo mơ nhà vượt lũ

Nằm cuối dòng sông Kiến Giang và tiếp giáp với phá Hạc Hải, hàng năm người dân thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đều bị lũ gây ngập úng thời gian dài. Trong trận lũ lịch sử tháng 10-2020, nhân dân trong thôn phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản. Họ luôn mơ ước có được căn nhà vượt lũ để yên tâm lao động, sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Hạt trao đổi với phóng viên về giấc mơ có được căn nhà vượt lũ. Ảnh: CTV

Anh Nguyễn Văn Hạt trao đổi với phóng viên về giấc mơ có được căn nhà vượt lũ. Ảnh: CTV

Thôn An Xá, xã Lộc Thủy có 153 hộ dân/490 nhân khẩu, nằm ở hạ nguồn sông Kiến Giang, sát với phá Hạc Hải, nguồn thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào trồng lúa, đánh bắt thủy hải sản. Cuộc sống tuy không đến mức đói nghèo nhưng khó có của ăn, của để. Gần như năm nào người dân thôn An Xá cũng phải gánh chịu lũ lụt, ngập úng và họ cũng đã có kinh nghiệm ứng phó. Thế nhưng trận lũ lịch sử tháng 10 vừa qua, đã vượt qua những dự tính và kinh nghiệm thích nghi của nhân dân. Chính vì vậy dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng người dân thôn An Xá vẫn phải gánh chịu những thiệt hại vô cùng lớn, toàn thôn có 54 hộ bị hư hỏng nhà cửa (trong đó có 22 nhà bị sập một phần, 5 nhà bị sập hoàn toàn), toàn bộ tài sản bị nước cuốn trôi, hư hại.

Hiện nay, người dân thôn An Xá đang bắt tay tái thiết lại cuộc sống sau lũ nhưng khó khăn vẫn còn hiện hữu rất rõ nét trong các gia đình. Chúng tôi đến vườn nhà anh Nguyễn Văn Hạt, xóm 5, thôn An Xá vẫn còn ngập nước, phải xắn quần đến đầu gối mới lội vào được. Căn nhà cấp bốn cũ kỹ của gia đình trống rỗng không còn cánh cửa nào, các vật dụng như giường, bàn ghế được xếp nằm chỏng chơ, xiêu vẹo ở góc sân. Cả gia đình đang phải trải chiếu nằm tạm trên chiếc sập gỗ vốn để đựng lúa. “Nhà tôi nằm sát với phá nên vào mùa lũ gió mạnh tạo sóng to lắm, các cánh cửa bị giật tung hết. Nếu không có lũy tre quanh vườn chắc căn nhà cũng đã sập rồi. Mọi vật dụng còn lại, cũng bị nước lũ làm hư hại hết”. - anh Hạt chia sẻ.

Gia đình anh Hạt có 5 người con, từ trước đến nay cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào 2 sào ruộng, may lắm cũng chỉ đủ ăn. Sức khỏe của cả anh, chị đều rất kém nên không thể làm được gì thêm, phần lớn tiền học tập cho các con đều phải vay mượn của bà con lối xóm. Nắm được hoàn cảnh, năm 2017, chính quyền địa phương đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình anh Hạt một cặp bê sinh sản để phát triển kinh tế. Thế nhưng trận lũ lịch sử vừa qua, tất cả đều bị chết hết.

Nghĩ đến những tổn thất, anh Hạt nước mắt lưng tròng chia sẻ: “Chúng tôi vốn đã quen với lũ nhưng năm nay nước về trong đêm tối, lại lên nhanh và lớn bất thường, tôi chỉ kịp đưa vợ con thoát ra ngoài để giữ mạng sống. Gia súc được các nhà hảo tâm hỗ trợ, vợ chồng ra công chăm sóc mấy năm nay đều chết hết, xót xa vô cùng, gia đình tôi lại rơi vào cảnh trắng tay. Giá như có được căn nhà tránh lũ thì tôi yên tâm để vợ con lại để lùa gia súc lên vùng cao từ sớm thì tốt quá”. Anh Hạt cũng nói rằng, nhà vượt lũ có lẽ chỉ là giấc mơ, bởi thu nhập, cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào việc canh tác 2 sào ruộng lúa, may mắn thì đủ gạo ăn.

Cách nhà anh Hạt không xa, gia đình ông Nguyễn Minh Liền (72 tuổi) và bà Lê Thị Tuệ (67 tuổi) cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Căn nhà bếp bị sập hoàn toàn, nhà lớn bay hết cửa, tốc mái, mọi vật dụng hư hỏng hết. Qua câu chuyện được biết, ông bà cũng đông con nhưng phần lớn đều nghèo khó và đều thiệt hại nặng trong lũ nên cũng không giúp được gì cho bố mẹ. “Thiên tai cũng đành phải chấp nhận chứ biết làm sao được, mong sao Nhà nước hỗ trợ xây nhà vượt lũ để sống những năm cuối đời không phải chạy lũ”. - ông Liền bộc bạch.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Nhiều gia đình ở thôn An Xá có hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương cũng luôn cố gắng hỗ trợ nhân dân vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ, chúng tôi cũng rất vất vả trong việc giúp nhân dân ứng phó với lũ lụt, bởi đây có nước to, sóng lớn rất khó tiếp cận cứu hộ, cứu nạn. Những căn nhà vượt lũ là rất cần thiết với người dân thôn An Xá, tuy nhiên kinh phí nằm ngoài khả năng ngân sách của địa phương”.

Gia đình ông Nguyễn Minh Liền và bà Lê Thị Tuệ mong muốn có được căn nhà vượt lũ trong những năm cuối đời. Ảnh: Viết Lam

Gia đình ông Nguyễn Minh Liền và bà Lê Thị Tuệ mong muốn có được căn nhà vượt lũ trong những năm cuối đời. Ảnh: Viết Lam

Cũng qua làm việc với chính quyền địa phương được biết, cũng đã có dự án hỗ trợ xây dựng nhà tránh lũ tại thôn An Xá nhưng người dân lại không mặn mà vì không phù hợp với nhu cầu của người dân.

Cụ thể, theo ông Dương Công Tuấn, cán bộ Văn phòng - Thống kê xã Lộc Thủy: “Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” tại Quảng Bình triển khai hỗ trợ 6 hộ ở thôn An Xá xây nhà vượt lũ. Mỗi căn nhà có diện tích 12m2, trị giá khoảng 48 triệu đồng, trong đó các gia đình được hỗ trợ 25 triệu đồng, còn nữa các hộ dân phải vay mượn đóng góp. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 gia đình thực hiện, các gia đình khác không tham gia, lí do họ đưa ra là diện tích sử dụng của nhà vượt lũ quá nhỏ, không phù hợp với nhu cầu sử dụng”.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, qua tìm hiểu cho thấy người dân địa phương có nguyện vọng muốn có được căn nhà kiên cố, rộng rãi hơn theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-dan-xom-ngheo-mo-nha-vuot-lu-post435935.html