Người đánh máy chữ cuối cùng ở 'phố thảo đơn'
Trong thời đại công nghệ luôn được cập nhật, phát triển theo từng ngày, những chiếc máy đánh chữ cũ kỹ đang rơi vào quên lãng. Song, giữa lòng TP Cần Thơ nhộn nhịp vẫn còn một người đàn ông dành tình yêu với nghề cùng chiếc máy đánh chữ của mình.
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, với máy vi tính và máy in, tưởng như việc đánh máy chữ đã “tuyệt chủng”. Song giữa lòng TP Cần Thơ nhộn nhịp, vẫn còn một người đàn ông lặng lẽ dành tình yêu với nghề và chiếc máy đánh chữ.
Tại một góc khu vực chợ An Lạc (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cứ đều đặn mỗi ngày vào 8h sáng lại xuất hiện bóng dáng của ông cụ tuổi lục tuần ra ngồi thảo đơn cho khách. Đó là ông Nguyễn Văn Quốc Việt (66 tuổi), người gắn bó với công việc này gần 50 năm, cũng là người cuối cùng tại đây còn dùng máy đánh chữ.
Ông Việt cho hay, hiện đại đa số mọi người đều dùng máy vi tính để soạn thảo đơn từ, nên công việc của ông không còn bận rộn như trước. Nhưng không vì thế mà “lỗi hẹn” với chiếc máy đánh chữ ngày nào, bất kể thời tiết ra sao, ông đều đặn ra đây ngồi, kiên trì với công việc.
Trước khi nói về chiếc máy chữ của ông, thì phải nói đến công việc đặc biệt là soạn thảo đơn thư. Nơi đây từng được gọi “phố thảo đơn” với mười mấy thành viên. Giờ nơi đây chỉ còn lại 4 người, trong đó ông Việt là người duy nhất còn sử dụng máy đánh chữ. Những người tâm huyết với nghề ngày nào nay cũng đã ngoài 60 tuổi. Hồi ức lại những ngày tháng trước đây, ai cũng nhận định đó là khoảng thời gian hoàng kim của nghề thảo đơn. Chỉ cần một mình cùng chiếc máy đánh chữ là có thể nuôi cả nhà no đủ.
Theo những người từng làm nghề soạn đơn là từng có giai đoạn muốn làm được công việc này, cần phải có giấy chứng nhận hành nghề. Để được cấp giấy phép, người soạn đơn phải có đầy đủ kiến thức chuyên môn, tay nghề đánh máy nhanh, đạo đức tốt.
“Cái nghề này những năm 1980 - 1990 rất ăn nên làm ra. Lúc đó máy vi tính hay photocopy chưa có nhiều như bây giờ nên mỗi ngày công việc của tôi làm hoài không hết. Nếu quy ra sức mua tương đương thì một mình tôi có thể kiếm 600.000 – 700.000 đồng/ngày là chuyện bình thường”, ông Việt hồi ức.
“Công việc này đang dần mai một, vì đa số người chuyển sang dùng máy vi tính để thảo đơn. Tuy nhiên, không có nghĩa là loại hình này không còn hữu dụng. Những ai đến đây đa phần đều muốn thuê viết đơn thưa kiện, ly hôn,... nên đòi hỏi người thảo đơn phải có kiến thức pháp luật để, cuộc sống, trình bày đúng mục đích tính chất của từng loại văn bản. Đó là điều mà tiệm photocopy khó làm được”, ông Việt nói.
Theo chia sẻ của ông Việt, việc thảo đơn bằng máy đánh chữ có những đặc trưng riêng thú vị. Đó là thói quen, là cảm giác hứng thú khi thao tác với máy, nghe những âm thanh đặc trưng của các phím cạch cạch khi các cò chữ “mổ” vào giấy. Ngoài ra, máy đánh chữ còn có thể được sử dụng trong môi trường không có điện, trong khi máy vi tính phải có nguồn điện mới có thể hoạt động.
Không ít lần “cần câu cơm” của ông Việt gặp trục trặc. Những khi ấy, việc tìm linh kiện và thợ sửa chữa thật sự rất khó khăn. Với tình yêu nghề mãnh liệt, ông Việt mày mò tìm cách tự khắc phục, trở thành thợ sửa máy bất đắc dĩ.
Theo ông Việt, gõ văn bản bằng máy đánh chữ cần hai yếu tố chính, là phần cơ (bàn phím, chữ dập, thanh gạt,…) và phần mực (dây băng). Trong khi phần cơ quyết định tốc độ, sự chuẩn xác, thì phần mực quyết định độ đậm nhạt, độ nét của văn bản, trong đó mực (hoặc giấy than – NV) là một trong những yếu tố quyết định. “Máy hư hỏng nhẹ thì chỉ cần khéo tay là có thể dùng hàn chắp vá sửa lại được, nhưng hết mực thì thật sự khó. Bây giờ không còn ai sản xuất dây băng này nữa”, ông Việt tâm sự.
Không “đầu hàng”, ông mày mò tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề trên. Đó là tận dụng dầu bôi trơn động cơ trét vào dây băng, khi dầu thấm vào tự động mực sẽ tan ra, chỉ cần để khô là sẽ sử dụng tiếp. Hoặc ông dùng giấy than thay cho dây băng, đề phòng dây băng không còn tái sử dụng được nữa.
Sau nhiều lần mày mò như thế, ông Việt lại càng yêu quý “bạn đồng hành” của mình hơn. Không ít lần có người trả giá cao để mua lại chiếc máy, nhưng ông nhất quyết không bán. Đối với ông, chiếc máy đánh chữ không chỉ đơn thuần là một công cụ để kiếm sống, còn là một người bạn giúp ông gắn bó với nghề.