Người Dao tuyển bản Mo bảo tồn nghề dệt vải

Khép lại vòng tuần hoàn của thời gian, khi những cánh đồng đã yên ả sau vụ gặt, đồng bào Dao tuyển ở bản Mo, xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên) bắt đầu bước vào vụ se bông, dệt vải. Người Dao có truyền thống mùa xuân trồng cây bông, mùa hạ thu quả bông chín và cuối thu, đầu đông thì se bông, dệt vải, nhuộm chàm, may áo mới.

Công đoạn bật bông để chuẩn bị kéo sợi.

Công đoạn bật bông để chuẩn bị kéo sợi.

Với đồng bào người Dao tuyển cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác ở Lào Cai, những bộ trang phục truyền thống được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Họ đều tự tay làm ra nguyên liệu dệt thành vải, nhuộm chàm, thêu hoa văn, đường viền để trang trí trên váy, áo của mình. Mặc dù trong cuộc sống hiện đại, đường về bản đã rộng mở, người Dao tuyển nơi “đỉnh trời” bản Mo có thể xuống chợ phiên các xã lân cận vào dịp cuối tuần để mua vải dệt máy công nghiệp về may quần áo, thế nhưng, các chất liệu có sẵn thường không đúng với bản sắc văn hóa dân tộc mình nên hầu hết người Dao ở bản Mo vẫn đau đáu muốn giữ nghề dệt truyền thống.

Chính vì điều ấy, mong muốn giữ nguyên giá trị và bản sắc của dân tộc mình, chị Hoàng Thị Thiết cũng như các hộ Dao tuyển trong bản Mo đang gìn giữ và khôi phục nhằm bảo tồn nghề trồng bông dệt vải, nhuộm chàm.

Vừa nhanh tay se những sợi bông thành chỉ cuộn, chị Hoàng Thị Thiết vừa trò chuyện với chúng tôi: Từ nhỏ, tôi và các bạn gái cùng trang lứa ở bản người Dao này đã được bà, mẹ của mình dạy cách tách hạt bông, cuộn chỉ sợi và xem các bà, các chị dệt vải, nhuộm chàm, may thêu áo mới. Lớn lên, khi có gia đình riêng, tôi và nhiều chị em trong bản vẫn duy trì nghề truyền thống này cho đến nay, vẫn tự trồng bông trong nương vườn của gia đình, dệt vải và nhuộm chàm.

Mặc dù trải qua nhiều công đoạn trong suốt cả một năm để có những tấm vải thơm mùi chàm dùng may áo mới cho cả gia đình nhưng chị Hoàng Thị Thiết và nhiều phụ nữ Dao tuyển ở bản Mo vẫn miệt mài, cần mẫn theo nghề. Để dệt ra một tấm vải may quần áo từ vật liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, phải qua nhiều công đoạn, kỳ công và phải kiên trì mới làm được. Từ trồng cây bông, đến thu hái quả bông về, ban đầu phải tách hạt, sau đó dùng các dụng cụ truyền thống để bật bông cho tơi, rồi vê thành ống, se thành chỉ, cuộn vào các suốt chỉ, dàn thành mành rồi cho vào khuông dệt, lúc đó mới đều tay đưa thoi để dệt vải.

Chị Hoàng Thị Thiết chia sẻ thêm: Sau khi đã dệt thành tấm vải sợi bông, người Dao tuyển còn dùng cây lá chàm, ngâm cho vải chuyển thành màu chàm, phơi khô, sau đó mới dùng may áo, may quần… Để tạo thành chàm nhuộm màu cho vải cũng là một công đoạn hết sức công phu, nếu không khéo tay, không có kinh nghiệm sẽ khó tạo nước chàm ngâm vải. Vải sợi bông sau khi ngâm chàm chừng 1 đến 2 giờ đồng hồ, đem hong ngoài nắng nhẹ rồi mới mang về may váy áo. Dù biết là kỳ công và tốn công sức mới làm được một bộ váy áo truyền thống của dân tộc mình, nhưng chúng tôi vẫn muốn bảo tồn và giữ gìn, bởi khi mặc bộ trang phục nguyên bản, chúng tôi có cảm xúc và tự hào về bản sắc của dân tộc mình hơn...

Đến bản Mo, chúng tôi gặp đồng bào Dao tuyển vẫn duy trì việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình và vẫn giữ nghề trồng bông dệt vải. Tuy nhiên, bà con Dao tuyển ở bản Mo luôn mong có sự hỗ trợ để khôi phục nghề truyền thống và trong tương lai sẽ phát triển thành làng nghề. Cùng với du lịch sinh thái (quế, chè) thì làng nghề truyền thống của đồng bào Dao tuyển ở bản Mo cũng là hướng phát triển để tạo thêm sức hấp dẫn cho bản vùng cao nơi đây…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350573-nguoi-dao-tuyen-ban-mo-bao-ton-nghe-det-vai