Người dập lửa hiệu quả là nhân dân
Người dập lửa hiệu quả là người phát hiện đốm lửa sớm nhất. Khi phát hiện lửa nhỏ, có phương tiện, có kỹ năng thì lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp sẽ 'ế' việc. Đó cũng là 'kim chỉ nam' trong phương châm '4 tại chỗ' đối với công tác PCCC và CNCH.
Phòng, chống “giặc lửa” từ cơ sở được xác định là yếu tố then chốt, có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), CAQ Hai Bà Trưng, Hà Nội đã chủ động xây dựng mô hình PCCC và CNCH trên địa bàn.
Nỗ lực vì địa bàn an toàn
Thực hiện chỉ đạo của Công an Thành phố và UBND quận Hai Bà Trưng, thời gian qua lực lượng CAQ đã rà soát, chủ động tham mưu thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại khu dân cư.
Đến nay, trên tổng số 15 phường đã triển khai, xây dựng 298 mô hình PCCC trong đó 22 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC, 257 mô hình điểm chữa cháy công cộng, 19 mô hình Đội dân phòng hiệu quả trong công tác PCCC và CNCH.
Theo Trung tá Nguyễn Hải Hưng, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hai Bà Trưng: “ Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đã phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng ngừa, giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy loại hình nhà để ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh liền kề nhau.
Với những mô hình thiết thực này, lực lượng Công an luôn tăng cường tuyên truyền, vận động và tập huấn trang bị kỹ năng xử lý sẽ góp phần quan trọng cho việc giải quyết chữa cháy ban đầu”.
Ngoài ra, mỗi hộ gia đình lắp đặt một chuông báo cháy tại tầng một, lắp hai nút ấn báo cháy (một nút ấn trong nhà, một nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau, đảm bảo khi ấn bất kỳ nút nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình cùng kêu.
Đây là lực lượng PCCC tại chỗ, được trang bị kỹ năng chữa cháy, đảm bảo an toàn cho khu dân cư trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó là mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Đây là mô hình mới, được bố trí tại các ngõ, hẻm sâu, tập trung nhiều nhà có chiều sâu 50m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận được.
Các điểm chữa cháy được trang bị sẵn các phương tiện như: Bình chữa cháy, xà beng, búa, kìm thủy lực... và bố trí ở các điểm thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện để chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn, không cản trở đi lại của người dân, tránh mưa nắng và có biển thông báo.
Đi đôi với xây dựng các mô hình về PCCC, để có được sự chuyển biến tích cực phát huy hiệu quả Phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, tiếp tục xây dựng, duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ.
An toàn PCCC là trách nhiệm của toàn dân
Cũng theo chỉ huy CAQ Hai Bà Trưng, để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy, lực lượng Công an luôn chủ động phối hợp với tổ chức, chính quyền ở cơ sở tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại các điểm, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy xảy ra. Đó là cửa hàng xăng dầu, khu dân cư cũ, chợ tạm, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Phương án thực tập để người dân trải nghiệm, nhận thấy nguy hiểm của cháy, nổ qua đó thay đổi nhận thức và cùng với các thủ tục mang tính chất pháp lý là ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC tại gia đình, khu dân cư...
“Chiến đấu với “giặc lửa” thời gian được tính bằng giây và để nắm lấy “thời điểm vàng”, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản thì chỉ có sự chung tay của toàn dân" - chỉ huy CAQ Hai Bà Trưng khuyến cáo.
Theo quy định của Luật PCCC: “Mọi hoạt động PCCC trước hết phải được giải quyết và thực hiện bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ”, do đó tuyên truyền, vận động xây dựng lực lượng quần chúng tham gia vào công tác PCCC từ cơ sở có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả công tác PCCC.
Hiện nay, cùng với công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đang tích cực kiểm tra, hướng dẫn và kiên quyết xử lý những tồn tại vi phạm về an toàn PCCC. Điển hình là cơ sở kinh doanh karaoke đã bị đình chỉ dừng hoạt động. Với những cơ sở “nhạy cảm” này, ngoài việc cắm biển, dán khuyến cáo người dân không sử dụng dịch vụ thì việc “giao” tai mắt người dân giám sát triệt để việc chấp hành quy định của cơ sở.
Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch 53/KH-UBND ngày 16/02/2023 của UBND TP Hà Nội về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn Thành phố và thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND, ngày 06/7/2022 của HĐND Thành phố Hà Nội đã nêu rõ trách nhiệm của Thủ trưởng các Phòng, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải xác định công tác PCCC&CNCH, việc triển khai thực hiện các kế hoạch về PCCC là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trên địa bàn, trong đó tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, chi bộ cấp cơ sở tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác PCCC&CNCH, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC.
Trong đó, lực lượng Công an làm nòng cốt quyết liệt thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về PCCC, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng trong xây dựng phong trào toàn dân PCCC, đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân tham gia PCCC và CNCH.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-dap-lua-hieu-qua-la-nhan-dan-post534566.antd