Người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, là người bạn lớn được nhân dân Trung Quốc vô cùng kính trọng và cũng là người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Đất nước Trung Quốc luôn là nơi ghi dấu và để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người là cầu nối trực tiếp thiết lập mối quan hệ và tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm 2015 từng nói: “Trong tâm trí thế hệ người Trung Quốc như chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn tốt nhất của nhân dân Trung Quốc. Chúng tôi gọi Người là Bác Hồ”.
Tình hữu nghị cách mạng
Trên con đường đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không nói đến giai đoạn Người hoạt động tại Trung Quốc. Ngày 11/11/1924, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc khi đó từ Moscow (Liên Xô) đến Quảng Châu (Trung Quốc) với bí danh Lý Thụy, làm phiên dịch cho cố vấn Liên Xô Mikhail Markovich Borodin. Quảng Châu thời kỳ này là trung tâm chính trị của Cách mạng Trung Quốc, cũng là nơi hoạt động của một số nhà cách mạng châu Á.
Với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị công tác lý luận, công tác tuyên truyền, công tác tổ chức và bồi dưỡng cán bộ, tạo cơ sở cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo điều kiện cho việc trở về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn này, Người đã tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xây dựng mối tình hữu nghị sâu đậm với nhân dân Trung Quốc trong phong trào đấu tranh cách mạng.
Tại Quảng Châu, Người đã truyền bá học thuyết Marx - Lenin về phong trào giải phóng dân tộc. Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên dựa trên tổ chức Tâm Tâm Xã. Đây là tổ chức cách mạng đầu tiên của Việt Nam được dẫn dắt bởi lý luận của chủ nghĩa Marx - Lenin và tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tòa nhà số 13 và 13-1 (tức số 248 và 250 ngày nay) trên đường Văn Minh ở Quảng Châu đã trở thành trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và là địa điểm tổ chức giai đoạn một và giai đoạn hai của lớp huấn luyện chính trị cho Thanh niên Việt Nam.
Đáng chú ý, công tác thành lập các tổ chức cách mạng và đào tạo cán bộ cách mạng ở Quảng Châu của Nguyễn Ái Quốc nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các đồng chí Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Trần Diên Niên, Trương Thái Lôi, Bành Bái, Lý Phúc Xuân và một số đồng chí lãnh đạo các cuộc đình công cấp tỉnh và Hong Kong đã được mời giảng bài tại lớp huấn luyện. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc cũng được in với sự giúp đỡ của các nhóm cách mạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Hội thảo Phong trào nông dân toàn quốc được tổ chức tại Quảng Châu vào thời điểm đó đã mời các học viên của lớp đào tạo đến tham dự lớp học.
Nhờ sự giúp đỡ quý báu đó, công tác đào tạo cán bộ trẻ Việt Nam tại Quảng Châu được thực hiện thuận lợi. Một số lượng lớn thanh niên trụ cột đã trở về Việt Nam, tuyên truyền chủ nghĩa Marx - Lenin ở nhiều nơi, thành lập các tổ chức cộng sản, vận động quần chúng, phát động cuộc kháng chiến chống Pháp, đưa phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam vào cục diện mới.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 8/2024, tại di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm viết lưu bút vào sổ tưởng niệm: “Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Việt Nam vô cùng xúc động đến thăm di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã có những năm tháng hoạt động cách mạng, nơi đã đào tạo nên những thế hệ người cộng sản kiên trung đầu tiên của Việt Nam, nơi đã chứng kiến tình cảm quốc tế cộng sản vô tư, trong sáng và tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết, gắn bó, “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc. Tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững!”.
“Trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc có nhân tố cực kỳ quan trọng, tồn tại vĩnh viễn, đó là nhân tố Hồ Chí Minh. Nhân tố Hồ Chí Minh trong quan hệ Việt –Trung là cốt lõi, có tính chất định hướng”. Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc Nguyễn Vinh Quang
Mối quan hệ mật thiết
Chủ tịch Hồ Chí Minh có tổng cộng 12 năm sống và hoạt động ở Trung Quốc (chia làm nhiều đợt). Và có lẽ, Trung Quốc cũng là đất nước có thời gian gắn bó nhiều nhất trong tất cả các quốc gia Người từng đến.PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu một số thời kỳ hoạt động của Người:
Giai đoạn thứ nhất là từ cuối 1924-1927 tại Quảng Châu, Người và các đồng chí đã nhiệt tình cống hiến hết mình cho “dòng nước cách mạng vĩ đại” do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, sát cánh chiến đấu cùng nhân dân Trung Quốc.
Giai đoạn thứ hai Người trở lại Trung Quốc vào cuối năm 1929 để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời kỳ này Người hoạt động nhiều ở Hong Kong. Đến năm 1931, Người bị chính quyền của Đế quốc Anh ở Hong Kong bắt giam. Trong quá trình Người bị giam giữ thì các bạn bè, đồng chí và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ nhiều, đặc biệt với sự giúp đỡ của luật sư người Anh Loseby, Người đã ra khỏi nhà tù ở Hong Kong. Sau đó Người được các đồng chí của Trung Quốc giúp đỡ, tạo điều kiện để trở lại Quốc tế Cộng sản vào năm 1934.
Giai đoạn thứ ba là cuối năm 1938, từ Moscow, Người trở lại Trung Quốc hoạt động đến tháng 1/1941. Đây là thời kỳ Người có nhiều gắn bó với nhân dân Trung Quốc nhất, đặc biệt là nhân dân ở vùng Quế Lâm, Nam Ninh, Quảng Tây, Tĩnh Tây, Côn Minh và Vân Nam. Nhân dân Trung Quốc đã che trở và các đồng chí Trung Quốc cũng giúp Người chuẩn bị về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng.
Giai đoạn thứ tư, năm 1942, Người từ Việt Nam trở lại Trung Quốc bắt liên lạc với các lực lượng đồng minh để tranh thủ sự ủng hộ của họ giúp chúng ta đánh Nhật. Tuy nhiên khi sang đây, Người đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và đến năm 1943 mới ra khỏi nhà tù. Từ năm 1943-1944, trước khi về nước, Người tiếp tục gắn bó các cơ sở cách mạng và nhân dân Trung Quốc.
Trong kháng chiến chống Pháp, cũng có một số lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc hoạt động.
Là người đồng chí, người bạn láng giềng gần gũi của nhân dân Trung Quốc, ngay sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập (ngày 1/10/1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh có bức điện quan trọng gửi Chủ tịch Mao Trạch Đông, nhấn mạnh: “Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải qua mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài”.
Ngày 15/1/1950, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tuyên bố công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chỉ ba ngày sau đó, ngày 18/1/1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ra tuyên bố công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, mở ra trang sử mới cho quan hệ hai nước.
Kể từ dấu mốc lịch sử đó, trong 75 năm qua, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển ổn định, tích cực, tinh thần trong câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em” tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước Việt Nam, Trung Quốc kế thừa và phát huy một mạch nguồn chảy về phía tương lai.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguoi-dat-nen-mong-cho-quan-he-viet-nam-trung-quoc-300269.html