Người đau đáu với đạo Mẫu đã ra đi
Là nhà nghiên cứu văn hóa đau đáu với truyền thống dân tộc, người đặt nền móng lí luận cho đạo Mẫu Việt Nam, GS.TS Ngô Đức Thịnh vừa rời cõi để cắp tráp theo hầu Thánh mẫu Liễu Hạnh.
NHÀ NHÂN HỌC, DÂN TỘC HỌC
Sau khoảng chục năm chống chọi căn bệnh suy thận, GS.TS Ngô Đức Thịnh ra đi lúc 6h30 sáng 6/6, thọ 77 tuổi. Ông quê ở Hải Phúc, Hải Hậu, Nam Định- cái nôi của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng là mảnh đất giáng thế của Mẫu Liễu Hạnh-vị Thánh đứng đầu hệ thống thờ Tam, Tứ phủ ở Việt Nam.
Năm 1980 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, được phong hàm giáo sư năm 2002. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, sau nghỉ hưu ông sáng lập và giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017 nhờ nhiều công trình nghiên cứu văn hóa đồ sộ.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Giá trị Di sản đánh giá: GS Ngô Đức Thịnh là giáo sư đầu ngành về dân tộc học, là nhà dân tộc học thuộc thế hệ thứ hai ở Việt Nam. Thế hệ đầu tiên có GS Nguyễn Văn Huyên, muộn hơn có GS Phan Hữu Dật, Đặng Nghiêm Vạn- là thầy dạy của GS Thịnh, nhưng khi ấy các ông cũng mới bước vào nghiên cứu dân tộc học chưa bao lâu.
Những nghiên cứu về văn hóa các dân tộc dưới góc nhìn nhân học và dân tộc học của GS Thịnh thể hiện qua các công trình được xuất bản như Văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Tìm hiểu nông cụ cổ truyền Việt Nam: Lịch sử và loại hình. “Có lẽ GS Thịnh là người đầu tiên nghiên cứu về nông cụ. Công trình được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá xuất sắc, được tái bản nhiều lần. Ông còn quan tâm tới nghiên cứu ẩm thực, cuốn sách về ẩm thực các dân tộc rất giá trị của ông tái bản 7-8 lần”, ông Sơn nói.
Nhiều người biết GS Thịnh là chuyên gia hàng đầu về đạo Mẫu, nhưng ít ai biết ông còn có công đầu với sử thi Tây Nguyên. Theo đánh giá của TS Trần Hữu Sơn, nếu ngành sử có nhiều công trình về quốc sử đồ sộ, thì đề án sưu tầm sử thi Tây Nguyên là đề án văn hóa đồ sộ nhất. Sở dĩ nói công lớn thuộc về GS.TS Ngô Đức Thịnh bởi khi các nhà khoa học chưa nghiên cứu, sưu tầm sử thi Tây Nguyên thì ông trình bày với Chính phủ, thuyết phục lãnh đạo các cấp quan tâm đầu tư cho đề án này. Từ những năm 1990, các nhà khoa học bắt đầu điền dã, sưu tầm sử thi Tây Nguyên.
“GS Ngô Đức Thịnh có công lớn tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật, xuất bản sử thi Tây Nguyên. Sau ông, khó ai làm được công trình lớn lao như vậy. Ông bảo tồn sử thi ở nhiều khía cạnh từ ghi âm, giải băng ghi âm, dịch thuật, xuất bản. Điều đáng quý là ở giai đoạn đó nhiều nghệ nhân cao tuổi nắm giữ di sản còn sống, nếu không kịp thời chắc họ mang theo di sản về suối vàng”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói. Ban đầu các nhà khoa học chỉ nghĩ người Ê Đê có sử thi, sau đi vào nghiên cứu đã làm rõ và mở rộng tất cả sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên; góp phần bảo tồn, trao truyền sử thi Tây Nguyên cho muôn đời sau. Đóng góp này được ghi nhận với Giải thưởng Nhà nước năm 2017.
ÐAU ÐÁU VỚI ÐẠO MẪU
UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, không thể không nhắc tới công lao của GS.TS Ngô Đức Thịnh.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, GS Thịnh đã đi sâu nghiên cứu đạo Mẫu. Ông là chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian đầu tiên kiên trì thuyết phục các nhà quản lý coi hát văn và đạo Mẫu là di sản văn hóa nổi bật và sáng tạo của người Việt. Năm 1990 ông xuất bản cuốn Hát văn. 1996, ông xuất bản hai tập Đạo Mẫu (sau này ông hoàn thiện và tái bản với tên Đạo Mẫu ở Việt Nam). Năm 2008, ông xuất bản cuốn Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận. Ông được xem là người đầu tiên đặt nền móng lý luận cho tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
TS. Trần Hữu Sơn cho hay, tuy tuổi cao sức yếu nhưng GS Thịnh chịu khó điền dã. “Ông là người hệ thống hóa về thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc bộ, phân tích nguồn gốc, cả tác động của tín ngưỡng thờ Mẫu đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt”, ông Sơn nói. Cách đây hai năm dù sức khỏe ngày càng suy giảm, GS Ngô Đức Thịnh vẫn cùng nhóm điền dã nghiên cứu đạo Mẫu ở Đông Cuông (Yên Bái), ở Tuyên Quang. Ông chỉ có thể chọn khoảng cách địa lý phù hợp trong khoảng một ngày rưỡi, vì sau đó ông phải trở lại bệnh viện điều trị.
Ở thời điểm chuẩn bị đệ trình hồ sơ tín ngưỡng thờ Mẫu lên UNESCO, trong một lần phỏng vấn tôi tò mò hỏi giáo sư vì đâu trước đây ông kịch liệt phản đối đề xuất ghi danh tín ngưỡng thờ Mẫu, sau lại trở thành một trong số cố vấn cho hồ sơ này. Ông thẳng thắn nói rằng là do nhận thức từ nhà quản lý cho tới người dân thay đổi. Hầu đồng xưa thường bị khép vào hoạt động mê tín dị đoan, sau này xã hội đón nhận nó là một phần của di sản tín ngưỡng bản địa phụng thờ nữ thần, mẫu thần rất sáng tạo của người Việt. Công lao thay đổi nhận thức của xã hội ấy có đóng góp miệt mài của GS. Ngô Đức Thịnh suốt mấy chục năm qua. Hậu vinh danh, GS. Ngô Đức Thịnh lại dốc tâm huyết vì muốn các thanh đồng tạo dựng cộng đồng thực hành tín ngưỡng đúng quy chuẩn, tuân thủ pháp luật, tránh hiện tượng thương mại hóa làm xói mòn giá trị tốt đẹp của di sản.
“Khi GS Thịnh nghiên cứu đạo Mẫu, tín ngưỡng này còn là vấn đề nhạy cảm và cấm kỵ ở nước ta. Trong giai đoạn khó khăn ấy, ông xuất bản cuốn sách Hát văn trong đó sưu tầm nhiều văn bản về hát văn, thông qua đó người ta hiểu được giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị âm nhạc của hát văn. Đó là nền tảng vững chắc để ghi nhận đạo Mẫu, là một phần không thể tách rời của nghi lễ hầu đồng. Nghiên cứu hát văn là bước đi tiên phong, lựa chọn đúng đắn của một nhà khoa học thông minh, bản lĩnh và dũng cảm”, PGS Nguyễn Văn Huy đánh giá.
Sự ra đi của GS.TS Ngô Đức Thịnh là mất mát của dòng tộc, của giới nghiên cứu văn hóa dân gian. Ông dành trọn cuộc đời cho khoa học, trở thành nhà khoa học đầu ngành uyên bác và bản lĩnh.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nguoi-dau-dau-voi-dao-mau-da-ra-di-1669642.tpo