Người đi bộ liều mạng qua đường sai luật, dù có cầu bộ hành
Người dân Hà Nội vẫn chưa từ bỏ thói quen sang đường không đúng nơi quy định, gây mất ATGT.
Hiện Hà Nội đã đầu tư khoảng 50 cầu vượt bộ hành hiện đại. Tuy nhiên, phần lớn cầu vượt bộ hành này chưa phát huy hiệu quả, khi người dân vẫn chưa từ bỏ thói quen sang đường không đúng nơi quy định, gây mất ATGT.
Phớt lờ cầu vượt, đối mặt “tử thần”
Sáng 19/5, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại khu vực Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (336 Nguyễn Trãi), dù đã được xây dựng một cầu bộ hành, song hàng ngày người đi bộ, nhất là sinh viên của hai trường này vẫn tập trung thành từng tốp đi dưới lòng đường để di chuyển sang nhà chờ xe buýt bên kia đường.
“
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Tạ Đức Giang, Phó chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ luật Hình sự, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260) mở rộng đối với cả những người tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, người tham gia giao thông đường bộ, đi bộ sai luật có thể bị phạt tiền, nặng thì phạt từ 7 - 15 năm tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Để phát huy hiệu quả của cầu vượt bộ hành, tới đây Ban ATGT thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời, yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm hành vi sang đường không đúng quy định.
”
Giữa dòng phương tiện đang lưu thông dày đặc trên đường Nguyễn Trãi, một nhóm người gồm 2 nữ sinh và 1 nam thanh niên sau khi xuống xe buýt tại nhà chờ trước cổng Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, thay vì đi về phía cầu vượt bộ cách đó khoảng 200m, lại xuống luôn lòng đường, len lỏi giữa các dòng xe để sang hướng đường ngược lại, khiến nhiều người đi ô tô, xe máy phải “thót tim”.
Tương tự, cây cầu vượt trước cổng Học viện Ngân hàng (đường Chùa Bộc, quận Đống Đa) cũng trong cảnh bị “bỏ quên”. Chỉ ít phút có mặt tại đây, PV chứng kiến nhiều tốp sinh viên sau khi kết thúc buổi học, ra khỏi cổng trường không chọn cầu đi bộ cách đó chừng 10m để sang đường đối diện mà lại “túm năm tụm ba” chờ đèn tín hiệu tại nút giao Chùa Bộc - Học viện Ngân hàng chuyển đỏ rồi băng qua đường. Thậm chí, một số người không đủ kiên nhẫn chờ đèn đỏ, luồn lách giữa dòng phương tiện để sang đường, nguy cơ va chạm luôn thường trực.
Trên đường Láng Hạ, nhằm tạo thuận lợi cho người đi bộ và hành khách đi xe buýt nhanh (BRT), cầu vượt đi bộ đã được thiết lập gần các nhà chờ BRT Thành Công và Giảng Võ. Tuy nhiên, nhiều người đi bộ không “mặn mà”. Quan sát tại khu vực cầu đi bộ ngay sát nhà chờ BRT Thành Công trong khoảng 10 phút, PV ghi nhận hàng chục người, trong đó có cả học sinh, nhân viên văn phòng, người cao tuổi... sau khi xuống xe buýt lách qua “khe cửa hẹp” giữa các thanh lan can sắt, xuống lòng đường để cắt ngang sang phía vỉa hè.
“Tôi biết lưu thông trên cầu đi bộ sẽ an toàn, song, do tuổi cao, chân yếu, đường dẫn lên cầu lại cao nên đành đánh liều đi dưới lòng đường. Kể ra nếu có thang máy sẽ giúp chúng tôi thuận lợi hơn”, bác Hằng, một người sống trong khu tập thể Thành Công sau khi hớt hải băng qua dòng phương tiện nói.
Em Lưu Công Định, một học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội cho biết, lý do không chọn cầu đi bộ sau khi xuống xe BRT vì thấy nhiều người đi dưới đường... nên đi theo(?).
Phải cưỡng chế, xử lý nghiêm
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Phan Lê Bình, Giảng viên Đại học Việt Nhật cho rằng, cầu vượt bộ hành là cơ sở hạ tầng có ý nghĩa rất lớn nâng cao an toàn cho người đi bộ. Tại các đô thị lớn, việc đầu tư xây dựng cầu vượt đi bộ là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành, TP Hà Nội chưa có giải pháp tuyên truyền phù hợp. Cùng đó, việc cưỡng chế, xử lý người đi bộ không đúng quy định gần như chưa được thực hiện.
“Ở Thái Lan, có những đoạn đường sơn chữ to, những ai đi qua đường không đúng chỗ sẽ bị phạt khoảng 200USD. Ở các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Nhật, có những quãng đường không đèn xanh đỏ thì không ai dám qua đường cả. Vì nếu băng qua bị tai nạn thì không những không được bồi thường mà ngược lại, người đi bộ phải bồi thường cho người đi xe vì sang đường sai chỗ”, TS. Bình dẫn chứng và cho rằng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp cưỡng chế và xử phạt người đi bộ sang đường sai quy định.
Ở góc độ khác, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên Trường Đại học GTVT cho rằng, vẫn còn một số cầu đi bộ đang bị “đặt sai vị trí”. Đơn cử, cầu vượt khu vực Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Cây cầu này được đặt ngay sát điểm quay đầu xe và trước cổng trường. Tuy vậy, hạ tầng xung quanh phục vụ người dân lại chưa được đồng bộ. Mỗi ngày, có hàng trăm sinh viên lên xuống xe buýt ở hai bên đường, tuy nhiên điểm chờ xe buýt hướng từ Ngã Tư Sở về Hà Đông lại cách xa so với đường dẫn lên cầu. Ở hướng ngược lại, lối lên cầu vượt trở thành nơi tập kết rác thải.
“Muốn cầu bộ hành phát huy hiệu quả, Hà Nội cần nghiên cứu chọn những vị trí người qua đường mật độ cao, tiềm ẩn nguy cơ TNGT lớn, nhu cầu người dân cao nhất. Đồng thời, có thể làm thêm một số hàng rào ở chỗ qua đường gần cầu vượt để gom người đi bộ lên cầu. Cùng đó, thành phố cần nghiên cứu thêm các tiện ích để tạo thuận lợi cho người già, người khuyết tật cũng có thể lên cầu”, bà Thủy cho hay.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, HĐND TP Hà Nội mới phê duyệt chủ trương đầu tư 6 cầu vượt cho người đi bộ bằng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 34,6 tỷ đồng. “Chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương rà soát kỹ các vị trí sẽ tiến hành xây dựng cầu bộ hành để sau đưa vào vận hành có thể thu hút người dân đi bộ”, ông Tuấn cho hay.
Xử phạt khó khăn
Đại diện Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, thời gian qua, việc xử phạt người đi bộ trái quy định vẫn được duy trì nhưng tương đối hạn chế. Mức phạt hành vi này từ 60.000 - 100.000 đồng.
Khó khăn lớn nhất thời điểm hiện tại là nhiều người đi bộ trong quá trình tham gia giao thông không mang theo giấy tờ tùy thân. Một số người khác thậm chí không có tiền. Chưa kể, có những người đi bộ tập trung đi theo nhóm băng qua những cung đường lớn dày đặc phương tiện, nếu phát hiện CSGT đến xử phạt sẽ thi nhau chạy, gây mất ATGT cho chính họ và những người khác. Vì vậy, những trường hợp trên, đa phần CSGT chốt trực trên đường chỉ có thể nhắc nhở, tuyên truyền.
“Đối với những trường hợp không có giấy tờ tùy thân, lực lượng CSGT có thể mời về trụ sở để làm việc và nộp phạt. Tuy vậy, do lực lượng chốt trực trên đường còn quá mỏng, phải tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng hơn là điều tiết, phân luồng, giải tỏa ùn tắc tại các nút giao nên việc xử phạt người đi bộ gặp khó khăn”, vị này cho biết.