Người đi tìm tử thần trên đất lửa Quảng Trị

Quảng Trị một chiều đầu tháng 4 nắng gắt, những thanh niên mặc đồng phục kaki, mũ tai bèo, tay cầm dụng cụ và máy móc dò kim loại cần mẫn làm việc trên mảnh đất cằn cỗi.

Công việc của đội rà phá bom mìn được nhiều người gọi là "đi săn tử thần". Hàng ngày, họ phải tiếp xúc với vô vàn bom đạn, vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh, chỉ cần sai sót một ly hay bất cẩn trong tích tắc có thể trả giá bằng tính mạng.

XEM VIDEO:

Nguyễn Thị Lệ Khuyên hiện là giám sát của đội SEDP (thuộc dự án rà phá kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ). Đội được thành lập ngày 1/10/2020 với nguồn vốn hoạt động do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ.

Khuyên đã gắn bó với công việc rà phá bom mìn hơn 3 năm qua. Cầm máy dò trên tay, cô chậm rãi đưa máy rà trên mặt đất tại hiện trường dự án rà phá bom mìn thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Đội của Khuyên chuyên về rà các dự án nhằm phục vụ phát triển kinh tế cho huyện gồm 17 thành viên, người trẻ nhất sinh năm 1994. Từ khi hoạt động, đội đã hoàn thành việc rà phá, xử lý vật liệu nổ, làm sạch 19 con đường, 1 trường mầm non, nhà cộng đồng và khu tái định cư... trên tổng diện tích gần 30ha.

Đội của Khuyên chuyên về rà các dự án nhằm phục vụ phát triển kinh tế cho huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)

Đội của Khuyên chuyên về rà các dự án nhằm phục vụ phát triển kinh tế cho huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)

Đội đã tìm thấy tổng cộng 50 vật liệu nổ di chuyển được và 2 vật liệu phải hủy tại chỗ. “Khi gặp vật liệu nổ không di chuyển được thì đội tiến hành hủy tại chỗ. Trước lúc xử lý, chúng tôi báo chính quyền địa phương, đồn biên phòng, cơ quan chức năng. Những vật liệu được đánh giá không nguy hiểm khi vận chuyển sẽ được đưa về kho, hủy nổ tập trung cách hiện trường rà phá gần 20km”, Khuyên cho biết.

Lúc đầu bước chân vào dự án, Khuyên khá do dự, vì địa bàn hoạt động cách nhà (Gio Linh) hơn 120km. Từ lúc tham gia việc rà phá bom mìn (2018) đến nay, Khuyên đều đi làm cả tuần, thứ sáu mới về nhà. Năm 2020 cô làm đội phó, sau khi đạt chứng chỉ IMAS 3 (chứng nhận xử lý vật liệu nổ theo tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế) thì đảm nhận vai trò giám sát đội SEDP.

Biến đất chết thành đất sạch và xanh

Hàng ngày, công việc của Khuyên và các đồng nghiệp diễn ra trong thầm lặng. Mỗi lần tiếng máy rà vang lên khi gặp phải kim loại thì cả đội vừa mừng, vừa lo.

Nếu phát hiện vật kim loại, thành viên đội nhanh chóng cắm cờ đánh dấu. Tiếp đó, một người khác cầm máy dò tay đến kiểm tra, dùng xẻng đào nhẹ lớp đất. Cứ thế, theo quy trình kỹ thuật, họ sẽ bóc tách dần lớp đất cho đến khi phát hiện bom, mìn hoặc vật liệu nổ…

Các thành viên trong đội phần lớn là người bản địa. Họ được đào tạo bài bản từ các chuyên gia nước ngoài và không ngừng được nâng cao trình độ.

Việc vô hiệu hóa bom mìn ở biên giới là nhiệm vụ khó khăn, không chỉ vì địa hình đồi núi hiểm trở mà còn vì những bãi mìn dày đặc, với nhiều loại khác nhau

Việc vô hiệu hóa bom mìn ở biên giới là nhiệm vụ khó khăn, không chỉ vì địa hình đồi núi hiểm trở mà còn vì những bãi mìn dày đặc, với nhiều loại khác nhau

Khi mới bắt tay vào công việc săn tìm tử thần, họ gặp nhiều khó khăn và bỡ ngỡ, nhưng làm dần thành quen, bản lĩnh hơn, kinh nghiệm dày dặn hơn.

“Thành quả tôi nhận được lớn nhất, đó là gặp các bố các mẹ lao động trên những mảnh đất đã rà phá bom mìn, trở thành đất sạch và xanh, họ không còn sợ hãi. Thậm chí phát hiện ra vật liệu nổ, người dân đã biết và báo cho chúng tôi xử lý. Việc học hành của trẻ em nơi hẻo lánh này đã vô cùng khó khăn, trường thì ở xa. Nhưng khi có đất sạch sẽ, trường sẽ được xây dựng gần nơi ở, các em tới trường chuyên cần hơn”, Khuyên tâm sự.

Việc vô hiệu hóa bom mìn ở biên giới là nhiệm vụ khó khăn, không chỉ vì địa hình đồi núi hiểm trở mà còn vì những bãi mìn dày đặc, với nhiều loại khác nhau, chỉ cần bước chân lên là có thể phát nổ. Những ngày đầu, Khuyên từng nghĩ khó có thể gắn bó với công việc này vì xa gia đình, con nhỏ, nắng lẫn mưa đều khổ.

Nguyễn Thị Lệ Khuyên không còn cảm giác rợn người khi gặp bom mìn nữa

Nguyễn Thị Lệ Khuyên không còn cảm giác rợn người khi gặp bom mìn nữa

Giờ thì cả đội đã quen với những đợt gió Lào quạt lửa, hay cái lạnh thấu xương mùa đông. “Từ lâu, tôi đã không còn cảm giác rợn người khi gặp bom mìn nữa. Khi gặp vật liệu nổ, tôi không còn sợ hãi, chỉ hình dung trong đầu các phương án để xử lý. Đó chính là bản lĩnh tôi có được nhờ trải qua các khóa đào tạo chuyên nghiệp”, nữ giám sát đội chia sẻ.

Con của Khuyên năm nay sắp đi học lớp 1, cả ngày tới trường chỉ mong mỗi buổi tối chờ điện thoại của mẹ. Mẹ con chia sẻ mọi chuyện trong ngày. Trở về nhà cuối tuần, Khuyên thường đem sách vở ra dạy con học và chỉ cho con biết rõ hơn về công việc mẹ làm.

Để người dân không còn hiểm họa chiến tranh giữa thời bình

“Ngay từ nhỏ tôi đã từng nghe và chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm từ bom mìn chưa phát nổ. Chiến tranh đã qua rất lâu mà đau xót thay, người dân quê hương tôi vẫn ngày ngày đối mặt hiểm họa còn sót lại. Đó chính là lý do thôi thúc tôi đến với công việc này", Khuyên nói.

Công việc rà phá bom mìn gần như không thể rút kinh nghiệm cho lần sau nên mọi động tác phải chính xác 100%. Phải thận trọng, tỉ mỉ, chú ý toàn tâm, chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể trả giá bằng tính mạng của mình, của đồng đội và người dân.

Công việc rà phá bom mìn gần như không thể rút kinh nghiệm cho lần sau

Công việc rà phá bom mìn gần như không thể rút kinh nghiệm cho lần sau

Quảng Trị đang hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025

Quảng Trị đang hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025

Sau chiến tranh, Quảng Trị là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất do bom mìn và các vật liệu nổ còn sót lại. Từ năm 1975 đến nay, gần 3.500 người chết và hơn 5.000 người bị thương ở đây.

Quảng Trị đang hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025. Những năm gần đây, với sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, quân đội, chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế, đã có hơn 600 làng được rà soát, 21 triệu m2 đất được làm sạch bom mìn và gần 900.000 người, trong đó có hơn 300.000 phụ nữ và trẻ em gái được hỗ trợ trực tiếp.

Hàng ngày, đại diện các tổ chức phi chính phủ quốc tế và quân đội vẫn đi đến từng làng để bảo đảm hoạt động rà soát và loại bỏ vật nổ. Và những người rà phá bom mìn như Khuyên vẫn rong ruổi trên mọi khu vực của đất lửa Quảng Trị.

Peace Trees Vietnam là tổ chức phi chính phủ Mỹ được cấp giấy đăng ký hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực hỗ trợ rà phá và giáo dục nâng cao nhận thức về bom mìn, phát triển cộng đồng.

Từ năm 1995 đến nay, Peace Trees Vietnam xử lý hơn 123 nghìn đơn vị vật liệu nổ, trồng hơn 44 nghìn cây xanh trên các vùng đất đã được khôi phục an toàn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bom mìn cho hơn 150 nghìn người, xây dựng hàng chục nhà mẫu giáo và thư viện...

Thái An - Đức Yên - Bạch Hân

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/nguoi-di-tim-tu-than-tren-dat-lua-quang-tri-728616.html