'Người đi xe biển giả cần bồi thường thiệt hại cho chủ xe biển thật'
Chuyên gia giao thông kiến nghị cần tăng mức xử phạt đồng thời bắt buộc tài xế sử dụng biển số giả, biển số không đúng quy định phải bồi thường cho chủ xe biển thật.
Liên quan đến vụ 2 ôtô Mercedes E300 có cùng biển số di chuyển trên một con phố Hà Nội, chỉ huy Công an quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết đơn vị đã tiếp nhận vụ việc và đang phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh, làm rõ.
Tình trạng tài xế sử dụng biển số xe không đúng quy định đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên thời gian gần đây khi hệ thống xử phạt qua camera được triển khai rộng rãi, hành vi trên khiến nhiều người bức xúc và tỏ ra lo ngại bởi người dùng biển số thật có nguy cơ bị phạt nguội "oan".
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Anh H.V.B. là quản trị viên của một diễn đàn về giao thông với gần 200.000 thành viên. Từ khi hệ thống xử phạt vi phạm giao thông bằng camera đi vào hoạt động, anh cho biết các hành vi che biển được người dân ghi lại và chia sẻ với tần suất ngày càng cao.
Theo anh B., trước đây tình trạng sử dụng biển số giả chủ yếu là các loại biển số đẹp hoặc biển số xe ưu tiên. Những người này mang tư tưởng thể hiện cá tính và đánh lừa lực lượng làm việc trực tiếp trên đường.
Thời gian gần đây khi cơ quan chức năng ứng dụng công nghệ vào xử lý vi phạm, một bộ phận tài xế dùng các chiêu thức tinh vi hơn. “Họ vẫn dùng biển số thật, nhưng gắn các dụng cụ để che hoàn toàn biển số hoặc dùng các loại miếng dán để thay đổi chữ và số trên biển thành ký tự khác. Từ đó, đánh lừa camera ghi nhận vi phạm. Khi cần thiết, chủ xe có thể gỡ bỏ những phụ kiện trên nhanh chóng”, anh B. nói.
Còn theo tài xế Nguyễn Quang Quý (trú tại Hưng Yên), đầu tháng 1, anh bắt gặp ôtô 7 chỗ biển số 30E-092.. di chuyển trên một con phố ở Hà Nội. Nhưng khi lại gần, anh Quý mới phát hiện ký tự gạch dưới cùng của chữ E là một mảnh băng dính màu đen, còn biển số thật của phương tiện này là 30F-092...
Qua hệ thống tra cứu xử phạt của Cục CSGT, ôtô 30F-092…đã 2 lần vi phạm ở Nghệ An và Hà Tĩnh nhưng chưa nộp phạt. “Điều này cho thấy ý thức chấp hành của tài xế không tốt, có thể tiếp tục vi phạm và khiến chủ xe 30E -092…bị liên lụy”, tài khoản Lâm Nguyễn bình luận.
Mới đây nhất, ngày 28/2, hình ảnh từ mạng xã hội cho thấy 2 ôtô Mercedes E300 màu đen cùng biển số 30E-488… lưu thông ở quận Hà Đông, Hà Nội. Một người chứng kiến sự việc cho biết tài xế của 2 phương tiện sau đó đã dừng lại để tranh cãi.
“Trong 2 phương tiện có ít nhất một xe dùng biển số giả, chủ xe đi xe sang mà ý thức kém quá. Nếu ngày hôm đó không phát hiện thì tài xế có biển số xe thật có nguy cơ bị phạt nguội oan”, chị Hoàng Lan để lại bình luận.
Cần nghiên cứu tăng mức phạt
Trước những lo ngại của tài xế về nguy cơ bị phạt nguội oan do biển số giả, tiến sĩ, thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng CSGT, Công an Hà Nội khẳng định cơ quan này có đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, đảm bảo xử lý đúng người, đúng vi phạm.
Theo ông Long, khi camera phát hiện vi phạm, hệ thống sẽ phân tích biển số xe và chủng loại phương tiện. Nếu dữ liệu biển số và phương tiện không trùng nhau, đơn vị ứng trực hệ thống sẽ báo về tổ công tác CSGT gần nhất để ra hiệu lệnh dừng xe.
Ngoài ra, Phòng CSGT Hà Nội cũng phối hợp với lực lượng thuộc công an các địa phương ghi lại hướng đi của phương tiện vi phạm để xác minh, truy tìm khi cần thiết. “Sau khi gửi giấy thông báo phạt nguội, chúng tôi sẽ mời tài xế lên làm việc. Nếu họ khẳng định không thực hiện hành vi vi phạm, CSGT sẽ xác minh lại lịch trình của xe đồng thời thông báo tới các tổ công tác, tuần tra để truy tìm trong quá trình làm nhiệm vụ”, ông Long nói.
Đối với chủ xe không vi phạm mà vẫn nhận giấy báo phạt nguội, vị lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội khuyến cáo cần bình tĩnh và cung cấp các thông tin với cơ quan công an.
Về chế tài đối với các vi phạm trên, thiếu tá Long cho biết theo Nghị định 100, tài xế ôtô dùng biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (biển giả) sẽ bị phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, tước bằng lái 1-3 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Tuy nhiên với các hành vi dùng biển số không rõ chữ, số (dán, che mờ biển số) thì tài xế bị phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Theo tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, với chế tài như vậy rõ ràng chưa đủ sức răn đe. Ông lý giải trong bối cảnh cơ quan chức năng đẩy mạnh xử phạt bằng công nghệ, việc dán, che mờ biển số cũng để lại hệ lụy ngang bằng với việc dùng biển số giả.
Vị chuyên gia giao thông cũng đánh giá việc chủ xe biển số thật không vi phạm nhưng lại nhận giấy thông báo phạt nguội là điều không công bằng. Kể cả khi cơ quan chức năng xác minh và không xử phạt thì họ cũng mất nhiều thời gian và tiền bạc vì có thể bị từ chối đăng kiểm hoặc phải đi lại, giải trình nhiều lần.
Về giải pháp đề ra, tiến sĩ Minh đề xuất cơ quan chức năng cần tăng mức phạt đối với hành vi dán, che mờ biển số ngang bằng với hành vi sử dụng biển số giả. Đồng thời, thông qua hệ thống dữ liệu vi phạm, nếu phát hiện chủ xe tái phạm thì mức phạt cần được tăng cao hơn nữa.
“Hệ thống xử lý vi phạm cần được cải tiến để nhanh chóng phát hiện biển số xe không đúng với phương tiện. Ngoài ra, người đi xe biển giả mà gây ảnh hưởng cho người đi xe biển thật thì phải bồi thường toàn bộ các chi phí có liên quan”, ông Minh nói.