Người điều khiển xe mô tô có dung tích dưới 50cm3 phải có bằng lái xe: Cần lộ trình thích hợp

Tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất người điều khiển phương tiện giao thông có dung tích dưới 50 cm3 hoặc có công suất động cơ điện không quá 4kw phải có giấy phép lái xe. Đề xuất trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, để quy định có thể phát huy được tác dụng thì cần phải có lộ trình và cách làm phù hợp, tránh những áp lực không đáng có cho cả người học và lực lượng chức năng.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển xe gắn máy có dung tích dưới 50cm3 không cần giấy phép lái xe. Do vậy, có nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền mua xe cho con tự đến trường. Quan sát thực tế tại các trường cấp 2, cấp 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể thấy, số lượng học sinh sử dụng xe gắn máy, xe máy điện có dung tích dưới 50cm3 lớn.

Việc yêu cầu người điều khiển xe gắn máy có dung tích dưới 50 cm3 phải có giấy phép lái xe là cần thiết

Việc yêu cầu người điều khiển xe gắn máy có dung tích dưới 50 cm3 phải có giấy phép lái xe là cần thiết

Tại trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (Cầu giấy), sau tiếng trống báo hiệu tan trường, hàng chục học sinh điều khiển xe máy, xe máy điện cùng đổ ra đường. Tương tự, tại các trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Nguyễn Trãi, Hà Đông), Trường Tiểu Học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Trung Hòa, Cầu Giấy), Trường Trung học phổ Thông Đoàn Kết – Hai bà Trưng (phố Hồng Mai, Hai Bà Trưng)…tình trạng học sinh điều khiển xe mô tô có dung tích dưới 50cm3 cũng diễn ra phổ biến.

Em Đỗ Ngọc Bảo - học sinh trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Nguyễn Trãi, Hà Đông) cho biết, đã sử dụng xe máy được gần 2 năm nay do lịch học của em gần như kín cả ngày nên gia đình không có đủ thời gian để đưa đón. Sau khi được bố mẹ mua xe, em đã có thể tự mình đến trường cũng như đi học thêm. Bảo cũng cho biết, không chỉ riêng em mà hiện nay nhiều bạn học sinh khác trong trường cũng được bố mẹ mua xe máy hoặc xe máy điện cho để tự đi học.

Có thể thấy loại phương tiện này đang ngày càng trở nên phổ biến và mang lại nhiều lợi ích, nhưng thực tế không ít trường hợp các em học sinh thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.Theo TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông, Trường Đại học Việt Đức cho biết, một nghiên cứu độc lập cho thấy, tỷ lệ tai nạn giao thông với học sinh liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện ở mức rất cao. Học sinh Trung học phổ thông chiếm 90% các vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong 3 năm gần đây. Trong khi đó, có tới trên 50% các vụ tai nạn giao thông xảy ra với học sinh do xe máy điện và xe đạp điện.

Nguyên nhân phần lớn do các em học sinh thiếu kiến thức, kỹ năng cơ bản khi điều khiển phương tiện mà phổ biến là tình trạng không đội mũ bảo hiểm, đeo tai nghe, phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí chở 3. Theo quy định, xe đạp điện phải được nhà sản xuất khống chế tốc độ ở mức 25 km/h để đảm bảo an toàn. Nhưng thực tế, công suất xe có thể đạt tốc độ lên 40-45 km/h, thậm chí với xe máy điện có loại còn vượt 50km/h, gây nguy hiểm lớn cho người tham gia giao thông.

Nâng cao ý thức trách nhiệm

Thực tế cho thấy việc giáo dục an toàn giao thông đã được thực hiện trong các nhà trường thường chỉ được lồng ghép trong giờ học ngoại khóa, hay các buổi nói chuyện chuyên đề tổ chức thưa thớt. Về phía gia đình, không phải phụ huynh nào cũng sát sao hướng dẫn, nhắc nhở, tập huấn cho các em về kỹ năng giao thông an toàn. Trong khi đó, đây chính là độ tuổi các em ngày càng chủ động nhiều hơn trong việc đi lại. Tai nạn giao thông vì thế tiềm ẩn mức rất cao đối với nhóm tuổi này.

Chính bởi vậy, việc yêu cầu phải học và thi lấy bằng lái xe đối với nhóm phương tiện dưới 50cm3 là cần thiết. Không chỉ phù hợp với xu hướng trên thế giới, mà điều này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông một cách bài bản, có hệ thống cho người trẻ ở độ tuổi vị thành niên, để họ hiểu lý do và chịu trách nhiệm cho hành vi giao thông của mình. Quy định này cũng sẽ gắn trách nhiệm của người lớn để không thể chủ quan, tùy tiện giao xe cho con em mình như trước.

Để góp phần hạn chế những nguy cơ tai nạn do nhóm phương tiện giao thông trên gây ra, tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất người lái xe gắn máy, kể cả xe máy điện có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 hoặc có công suất động cơ điện không quá 4kw phải được đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A0. Điểm a, Khoản 1, Điều 63 dự thảo Luật cũng quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A0.

Chia sẻ về vấn đề này, Thiếu tá Đỗ Xuân Khoa, Tổ trưởng Tổ Xử lý vi phạm giao thông, Đội Cảnh sát giao thông Số 6 (Công an thành phố Hà Nội) cho hay: Từ trước đến nay, khi chưa có quy định về việc người điều khiển xe gắn máy, xe điện dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 hoặc có công suất động cơ điện không quá 4kw phải được đào tạo và cấp phép lái xe thì các cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông Số 6 đã thường xuyên tiến hành, tuyên truyền về các quy tắc và luật an toàn giao thông cho các em học sinh trung học phổ thông. Bởi đây là đối tượng chính sử dụng các loại phương tiện này. Vì vậy theo Thiếu tá Đỗ Xuân Khoa, việc Bộ Giao thông Vận tải có đề xuất đưa nội dung trên vào Luật Giao thông đường bộ là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với tình hình giao thông nước ta.

“Trên thực tế có không ít trường hợp các cháu học sinh tham gia giao thông một cách tự phát gây mất an toàn cho bản thân cũng như người xung quanh. Việc yêu cầu người điều khiển xe gắn máy có dung tích dưới 50cm3 có bằng lái xe sẽ giúp các em học sinh được học đầy đủ về luật, cách thức tham gia giao thông đồng thời qua đó kiểm tra được trình độ tay lái, góp phần giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông”- Thiếu tá Đỗ Xuân Khoa cho biết.

Đồng tình với đề xuất, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, tình hình tham gia giao thông của đối tượng học sinh khi điều khiển xe máy dưới 50 cm3, xe máy điện và tình hình tai nạn giao thông cho thấy, việc bắt buộc người điều khiển những phương tiện này có giấy phép lái xe là cần thiết. Tuy vậy, việc triển khai cần được tính toán kỹ để ít ảnh hưởng nhất đến các bậc phụ huynh, người giám hộ và bản thân các em học sinh

Theo ông Lương Duyên Thống, để quy định trên có thể đi vào thực tiễn cần phải có số liệu thống kê, phân tích nhu cầu từng địa bàn, từng địa phương, khu vực, kết hợp với việc so sánh công suất, năng lực đáp ứng của các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe thì lúc đó mới có phương án phù hợp.

Rõ ràng, yêu cầu người điều khiển nhóm phương tiện dưới 50 cm3 phải học và thi lấy giấy phép lái xe là cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của lái xe trong việc chịu trách nhiệm cho hành vi giao thông của mình. Mặt khác, công tác đào tạo và cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển ở nhóm phương tiện này cũng góp phần trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông một một cách bài bản, có hệ thống cho người ở độ tuổi vị thành niên. Ủng hộ và đồng tình song hơn hết các cơ quan chức năng phải duy trì khâu đoạn thực thi. Nói cách khác, các ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giấy phép lái xe của người điều khiển mọi loại phương tiện, đặc biệt là xe máy do học sinh điều khiển để bảo đảm không bỏ sót vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-dieu-khien-xe-mo-to-co-dung-tich-duoi-50cm3-phai-co-bang-lai-xe-can-lo-trinh-thich-hop-109254.html