Người đủ điều kiện hưởng lương hưu không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 2026

Theo quy định mới tại Luật Việc làm năm 2025, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2026, người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ không thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, các đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp thất nghiệp hoặc trợ cấp hàng tháng theo quy định của Chính phủ cũng không bắt buộc tham gia loại hình bảo hiểm này.

Bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được xác định là một trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, vừa mang ý nghĩa hỗ trợ tài chính cho người lao động khi mất việc, vừa là công cụ quản trị thị trường lao động.

Luật Việc làm 2025 cụ thể hóa các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, làm rõ trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2024.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương, Luật Việc làm năm 2025 đã kế thừa nhiều quy định từ Luật Việc làm năm 2013 vốn được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.

Đồng thời, Luật mới cũng sửa đổi những nội dung không còn phù hợp, với trọng tâm là thể chế hóa bốn nghị quyết đột phá, được ví như “bộ tứ trụ cột” nhằm tạo nền tảng đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Một điểm nhấn đáng chú ý trong Luật Việc làm 2025 là việc cải cách sâu rộng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, biến công cụ này thành một bộ phận điều tiết thị trường lao động theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Các cải cách bao gồm mở rộng phạm vi điều chỉnh, nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả của chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Luật mới mở rộng đáng kể phạm vi đối tượng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, bao gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ một tháng trở lên, kể cả khi hợp đồng được đặt tên khác nhưng vẫn có tính chất trả lương và quản lý từ phía người sử dụng lao động.

Người làm việc không trọn thời gian cũng thuộc diện tham gia nếu có mức lương trong tháng bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ngoài ra, người làm việc theo hợp đồng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan nhà nước, cũng như các chức danh quản lý doanh nghiệp có hưởng lương như thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Giám đốc, Tổng giám đốc... đều thuộc diện bắt buộc tham gia.

Luật quy định rõ, nếu một người lao động đồng thời thuộc nhiều diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp khác nhau, họ và người sử dụng lao động vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp bên cạnh việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về phía người sử dụng lao động, bao gồm các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thuê mướn lao động, tổ chức quốc tế và tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo đúng quy định.

Bên cạnh việc mở rộng đối tượng, Luật Việc làm 2025 cũng nêu rõ những trường hợp không bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm người lao động đang hưởng lương hưu, đang nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hoặc trợ cấp hàng tháng theo quy định của Chính phủ, người đã đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa làm thủ tục nhận, người đang trong thời gian thử việc và người làm nghề giúp việc gia đình.

Luật cũng đặt nền móng cho việc mở rộng linh hoạt đối tượng tham gia trong tương lai. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể xem xét quyết định bổ sung các nhóm đối tượng khác có việc làm và thu nhập ổn định, thường xuyên tham gia bảo hiểm thất nghiệp, dựa trên đề xuất của Chính phủ và trong khuôn khổ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Đ.T

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nguoi-du-dieu-kien-huong-luong-huu-khong-phai-tham-gia-bao-hiem-that-nghiep-tu-2026-320010.html