Người đưa búp bê Việt Nam chu du thế giới

Ai nói con trai không được chơi búp bê? Bùi Thịnh Đa phá bỏ định kiến ấy. Chàng trai sinh năm 2004 không những sưu tầm búp bê mà còn làm ra những mẫu búp bê mới lạ, trong đó đáng chú ý là búp bê chính danh Việt Nam, ra mắt đầu tháng 11 năm 2024.

Bùi Thịnh Đa trong thế giới búp bê của mình

Bùi Thịnh Đa trong thế giới búp bê của mình

Việt Nam đã có búp bê truyền thống

Búp bê Việt Nam, còn được Đa gọi là búp bê truyền thống, ra đời từ “dự án Việt Nam”. Từ lâu, Bùi Thịnh Đa đã băn khoăn, tại sao không có búp bê mang hình dáng của người Việt, văn hóa của người Việt? Một ngày nọ, một người bạn nước ngoài hỏi Đa: “Việt Nam của bạn có búp bê truyền thống không?”. Câu hỏi ấy khiến Đa đau đáu cả năm trời, anh quyết tâm thực hiện “dự án Việt Nam” thay cho câu trả lời.

Búp bê Việt Nam của Bùi Thịnh Đa

Búp bê Việt Nam của Bùi Thịnh Đa

Búp bê Việt Nam của Bùi Thịnh Đa có cả phiên bản nam và nữ. Búp bê phiên bản nữ thu hút sự chú ý của người xem bởi nét đẹp mộc mạc, dịu dàng nhưng không kém phần quý phái, kiêu sa. Bức ảnh nổi tiếng chụp Nam Phương Hoàng hậu trong triều phục thuở xuân sắc đã ảnh hưởng không ít tới gương mặt và thần thái trong phiên bản búp bê nữ Việt Nam của Bùi Thịnh Đa. Riêng khâu trang phục của búp bê đã đủ làm chàng trai thuộc thế hệ Gen Z đau đầu, anh mất nhiều thời gian nghiên cứu sách vở và đi đến bảo tàng, nuôi dưỡng cảm hứng từ trang phục thời Nguyễn dành cho tầng lớp vương tôn quý tộc để tạo nên trang phục thu nhỏ cho các “bé” của mình. (Đa không gọi là con búp bê, mà gọi bé búp bê).

“Dự án Việt Nam” thành công thể hiện ngay trong đơn hàng. Anh tự hào khoe: Năm 2024 bùng nổ đơn hàng búp bê Việt Nam. Một “bé” búp bê Việt Nam cao 45 cm, có giá 6 triệu đồng. Để nhiều khách hàng có thể sở hữu búp bê Việt Nam, anh tạo thêm mẫu búp bê nhỏ hơn, cao 18 cm, bán với giá trên 1,5 triệu đồng đến gần 1,8 triệu đồng. Nhiều người Việt Nam ủng hộ búp bê Việt Nam của Bùi Thịnh Đa khi so sánh với cơn sốt “túi mù”. Bên trong túi mù là đồ chơi công nghiệp sản xuất hàng loạt còn búp bê của Bùi Thịnh Đa được làm thủ công hoàn toàn. Riêng việc nặn khuôn mặt búp bê đã ngốn của Đa cả tuần lễ. Từ mái tóc đến móng chân của búp bê đều được Đa chăm chút cẩn thận, thậm chí nghệ nhân trẻ thuê hẳn thợ làm móng chuyên nghiệp để sơn móng chân búp bê. Dù một mẫu búp bê được làm với số lượng không nhỏ nhưng mỗi “bé” đều mang sắc thái riêng. Đa giải thích: “Bởi khuôn mặt được vẽ bằng tay, quần áo làm bằng tay, cảm xúc của tôi không lúc nào giống lúc nào, cho nên các “bé” không thể giống nhau như đúc”.

Tác phẩm búp bê Việt tỉ mỉ và tinh tế đã thu hút những nhà sưu tập nước ngoài đến từ Mỹ, Ý, Nga, Pháp... Một số phụ huynh người Việt cũng mua búp bê Việt Nam cho các con chơi, bởi họ muốn thông qua việc vui chơi để hướng con trẻ vào tình yêu con người, văn hóa Việt Nam.

Búp bê Việt Nam của Bùi Thịnh Đa

Búp bê Việt Nam của Bùi Thịnh Đa

Người trẻ tuổi khám phá bộ môn mới lạ

Bùi Thịnh Đa làm dự án Việt Nam xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc. Mục đích kiếm tiền chưa bao giờ được Đa đặt lên hàng đầu. Anh mới bán búp bê khoảng 3 năm trở lại đây, trước đó vẫn làm búp bê chỉ vì đam mê, có khi giữ lại, có lúc mang tặng. Ngày bé, Bùi Thịnh Đa chỉ được chơi ké búp bê cùng chị gái. Khi đang học lớp 6, anh biết đến búp bê khớp cầu thông qua Internet và khát khao sở hữu nó. Ngặt mỗi nỗi, búp bê khớp cầu có giá quá cao, chắt chiu tiền ăn sáng bao nhiêu cũng không thể mua được, lại càng không thể xin tiền cha mẹ. Cũng bởi cha mẹ của anh kịch liệt phản đối việc con trai đam mê búp bê. Cuối cùng, Đa đành mua đất sét về nhà, mày mò học cách làm búp bê khớp cầu.

Sau một năm, Đa đã làm ra “bé” búp bê khớp cầu đầu tiên, đến nay vẫn còn giữ. Anh chia sẻ: “Búp bê khớp cầu gần người thật hơn, các “bé” có thể đứng được không cần giá đỡ, có thể thay đổi trang phục dễ dàng”. Chẳng hạn trong dự án Việt Nam, “bé” búp bê Việt Nam chỉ cao 18 cm mà có cả khớp vai, khớp tay, khớp đùi, đầu gối. Anh còn làm búp bê lấy cảm hứng từ cơ thể của những vũ công ballet. Để “bé” búp bê có thể tạo dáng như vũ công ballet thực thụ anh đã làm tổng cộng 52 khớp.

Búp bê Việt Nam của Bùi Thịnh Đa

Búp bê Việt Nam của Bùi Thịnh Đa

Tại Việt Nam, bộ môn búp bê khớp cầu còn rất mới, Bùi Thịnh Đa được xem như người trẻ tuổi nhất chinh phục bộ môn này. Chính đam mê và thành quả của Bùi Thịnh Đa đã dẹp bỏ quan niệm chơi búp bê, chế tạo búp bê là “đặc quyền” của con gái. Bây giờ, bố mẹ của anh đã hiểu chuyện và ủng hộ con trai nhiệt tình. Hằng ngày Đa làm việc một mình từ sáng đến chiều tối. Chỉ những dịp đặc biệt cần giải quyết loạt đơn hàng anh mới cần cộng sự hỗ trợ. Chàng trai trẻ không cảm thấy vất vả vì không nghĩ mình đang làm việc, mà chỉ nghĩ đang được chơi búp bê. Đa còn muốn lan tỏa tình yêu với búp bê khớp cầu tới mọi người. Anh tổ chức những workshop búp bê thu hút cả người Việt và người nước ngoài cùng tham gia. Đa cho biết, những người yêu búp bê, thích sưu tập búp bê ở Việt Nam ngày càng nhiều. Ở TP. Hồ Chí Minh, đã có những hội chợ dành cho búp bê, dù quy mô còn nhỏ.

Một mẫu búp bê tả thật của Đa

Một mẫu búp bê tả thật của Đa

“Bé” búp bê cao nhất của Đa là 75 cm. “Bé” có cả khớp ngón tay. Còn “bé” búp bê nhỏ nhất chỉ cao khoảng 10 cm.

Với những bạn mê búp bê, muốn theo bộ môn búp bê khớp cầu, Đa gợi ý: “Trước hết, bạn nên tìm hiểu về giải phẫu học. Chỉ khi có kiến thức về giải phẫu học mới có thể làm búp bê sinh động, có hồn, giống người thật”. Ngoài ra, người muốn làm búp bê còn cần kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác như thời trang, hội họa… Giàu đam mê, có kiến thức, có năng khiếu là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ để người trẻ đi trên con đường độc lạ này. Muốn bước vào thế giới sáng tạo búp bê cần rất nhiều kiên nhẫn, tỉ mỉ và chấp nhận những hi sinh về sức khỏe. Quá trình chế tạo búp bê gây nhiều bụi mịn, gây ảnh hưởng sức khỏe. Nghệ nhân còn phải tiếp xúc với những hóa chất giúp màu sắc búp bê bền lâu. Cho nên, quá trình làm việc nghệ nhân như Đa phải đeo vật dụng bảo vệ sự an toàn của bản thân.

9 năm miệt mài làm búp bê khớp cầu, Đa không nhớ nổi đã làm hỏng bao nhiêu, tốn bao nhiêu vật liệu. Không có trường lớp dạy làm búp bê, cho nên những bài học của Đa được rút ra từ mỗi lần thất bại. Ban đầu, Đa chỉ làm búp bê trên một chất liệu duy nhất: Đất sét. Đến nay, búp bê của Đa được làm với 3 chất liệu chính: Đất sét, nhựa (dành riêng cho búp bê) và sứ. Trong 3 chất liệu đó, khiến Đa “đổ mồ hôi sôi nước mắt” chính là chất liệu sứ. Anh giải thích: “Khó ở chỗ khi nung sứ dễ gặp rủi ro, nứt hoặc gãy”. Sản phẩm sứ đầu tiên Đa phải làm vài năm mới xong. Đến nay, khoảng 1-2 năm anh mới cho ra đời một tác phẩm bằng sứ. Giá cho tác phẩm bằng sứ từ 3.000 USD trở lên (khoảng 76 triệu đồng trở lên, theo tỷ giá USD hiện tại).

Bùi Thịnh Đa trong quá trình chế tạo búp bê

Bùi Thịnh Đa trong quá trình chế tạo búp bê

Càng đi sâu vào thế giới búp bê, Đa càng cảm thấy rộng lớn, muốn khám phá nhiều hơn. Hiện nay, anh đang có 3 dòng búp bê: Búp bê bộ sưu tập theo mùa; Búp bê chân dung tả thật; Búp bê theo style hoạt hình. Dự án Việt Nam với những “bé” búp bê Việt Nam diện phục trang thời Nguyễn nằm trong búp bê bộ sưu tập theo mùa. Dòng búp bê này được các nhà sưu tập thích vì nó ra đời từ cảm hứng bất chợt của tác giả, chỉ bán trong một thời điểm nhất định với số lượng nhất định. Búp bê chân dung tả thật có giá rất cao, bởi nó đòi hỏi sự công phu, cần tới 500 giờ lao động tỉ mỉ liên tục để hoàn thiện. Búp bê chân dung tả thật dựa vào mẫu người thật, có thể tạo dáng, thay đổi trang phục, nhờ chế tạo khớp linh hoạt. Mùa Valentine vừa qua Bùi Thịnh Đa được đặt hàng búp bê chân dung tả thật. Nhờ đôi tay khéo léo, những cặp tình nhân đang say đắm trong tình yêu được Đa phù phép thành búp bê sống động. Là một chàng trai giàu cảm xúc, Đa còn chế tạo búp bê bạch biến, giúp cho những người đang mang căn bệnh da liễu này cảm thấy được yêu thương, được sưởi ấm.

Búp bê Việt Nam của Bùi Thịnh Đa

Búp bê Việt Nam của Bùi Thịnh Đa

Trong thế giới búp bê của Đa có cả những búp bê ma mị, khá “ăn khách”. Nhưng tương lai, Đa vẫn muốn nối dài dự án Việt Nam, dành thời gian sáng tạo thêm nhiều mẫu búp bê truyền thống để giới thiệu văn hóa Việt với khách hàng trong nước và quốc tế. Cũng có những lúc bị “bí” sáng tạo Đa cho phép mình xả hơi vài ngày để nạp năng lượng, bằng cách lên mạng tìm hiểu về búp bê khớp cầu. Tôi hỏi Đa có hối hận khi dành cả thanh xuân rực rỡ cho búp bê? Chàng trai cười, đáp: “Tôi chưa bao giờ hối hận”.

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-dua-bup-be-viet-nam-chu-du-the-gioi-post1719305.tpo