Người 'đưa đường' lãnh án

Cuối tháng 9/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị lần lượt đưa ra xét xử sơ thẩm 2 vụ án Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Hoạt động phạm tội của các bị cáo diễn ra trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép của lực lượng chức năng đầy áp lực và gian nan.

 Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử một vụ án Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép -Ảnh: B.H

Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử một vụ án Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép -Ảnh: B.H

Thủ đoạn tinh vi

Vụ án Phạm Hoàng Quốc V. (sinh năm 1969), trú tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép là vụ có số lượng “khách hàng” nhiều nhất trong tất cả các vụ án cùng tội danh diễn ra trên địa bàn Quảng Trị trong thời gian COVID-19 diễn biến phức tạp. Khác với những đối tượng khác, V. có phương thức, thủ đoạn tinh vi, không phải lén lút theo đường tắt lối mở, vượt sông qua biên giới mà hướng thẳng qua cửa khẩu để sang Lào. Tuy nhiên, tại luồng xuất cảnh Cửa khẩu quốc tế La Lay, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã lật tẩy thủ đoạn của V.

Theo cáo trạng, trong quá trình liên kết với một số doanh nghiệp của người Việt Nam hoạt động tại Lào làm thủ tục cho công nhân Việt Nam nhập cảnh sang Lào để lao động, V. phát hiện kẽ hở trong thủ tục cấp visa của Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng là không yêu cầu nộp bản gốc các tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp visa. Từ đó, V. nảy sinh ý định giả mạo hồ sơ, tài liệu xin cấp visa để tổ chức cho người Việt Nam nhập cảnh trái phép sang Lào nhằm mục đích thu lợi bất chính. Phương thức của V. là dùng hồ sơ hợp lệ đã sử dụng trước đây còn lưu lại, sau đó chỉnh sửa, chèn danh sách những người mới có nhu cầu xuất cảnh sang Lào tìm việc làm. Để thực hiện kế hoạch này, V. liên hệ với Ngô Thị Lệ Hằng (sinh năm 1983), Nguyễn Minh Thắng (sinh năm 1986), Nguyễn Thắng Lợi (sinh năm 1994, đều trú tại Thừa Thiên Huế) tìm kiếm công dân có nhu cầu xuất cảnh sang Lào để V. nhận làm thủ tục trọn gói, với giá 17 triệu đồng đối với người lớn và 1,5 triệu đồng đối với trẻ em. Từ tháng 10 đến tháng 12/2021, Thắng, Lợi và Hằng tiến hành tìm kiếm và thỏa thuận thu tiền người có nhu cầu xuất cảnh cao hơn từ 1 đến 4 triệu đồng để hưởng lợi.

Hằng tìm được 10 người (trong đó có 1 trẻ em), thu 118,5 triệu đồng; Thắng tìm được 11 người (5 trẻ em), thu 101 triệu đồng; Lợi tìm được 29 người, thu 502,5 triệu đồng. Tất cả những người có nhu cầu xuất cảnh sang Lào đều trú tại Thừa Thiên Huế. Các đối tượng thỏa thuận chuyển tiền cho V. sau, trừ các khoản chi phí như giấy xin phép nhập cảnh, xin visa, thuê phương tiện di chuyển, ăn uống, test COVID-19, cách ly tại Lào…, V. sẽ thu lợi số tiền hơn 200 triệu đồng.

Sau khi tập hợp hộ chiếu và danh sách người có nhu cầu, V. đến tiệm photocopy nhờ nhân viên của quán sử dụng phần mềm máy tính chỉnh sửa, thay thế danh sách người có nhu cầu xuất cảnh trong các văn bản hợp lệ trước đó như Công điện Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Lào gửi Tổng lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng, thư đề nghị của doanh nghiệp gửi Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Lào…Xong công đoạn này, V. lập hồ sơ (bao gồm hộ chiếu, tờ khai xuất cảnh và công văn đã điều chỉnh nói trên bằng bản phô tô) gửi cho thư ký Tổng lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng để xin cấp visa cho 50 người.

Sau khi nhận được visa và thống nhất thời gian địa điểm xuất phát, V. liên hệ để chuẩn bị phương tiện đón khách từ cửa khẩu về khu cách ly. Sáng 4/12/2021, V. cùng Lợi đưa 50 người lên Cửa khẩu quốc tế La Lay. Tới nơi, V. gom giấy xét nghiệm COVID-19, cùng Hằng mang hộ chiếu, giấy tờ của 50 người xuất trình cho lực lượng biên phòng tại cửa khẩu. Trong quá trình làm thủ tục, Bộ đội biên phòng Quảng Trị kiểm tra và phát hiện V. có hành vi giả mạo giấy tờ để tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép nên đã bắt quả tang.

Kể từ khi bị bắt quả tang cũng như tại phiên tòa, V. thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo luật định, Tòa đã tuyên V. 5 năm tù về tội Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Qua sông cũng không lọt

Nếu như V. sa lưới ngay khu vực cửa khẩu thì Nguyễn Công H. (sinh năm 1977), trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, lại bị truy bắt ngay trên dòng sông biên giới Sê Pôn. Tại phiên tòa, H. thừa nhận hành vi như cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân Quảng Trị truy tố. Theo đó, vào cuối tháng 3/2022, Võ Thanh Tùng (thị trấn Lao Bảo) muốn sang Lào vì có việc gấp nên gọi điện nhờ H. đưa sang. H. lúc đầu từ chối nhưng sau lại đồng ý. Khi Tùng hỏi tiền công thì H. cho biết chỉ cần chi phí xăng xe, trà nước.

Chiều ngày 31/3/2022, H. gọi điện báo cho Tùng sẽ vượt biên trái phép qua Lào bằng đường sông Sê Pôn và hẹn điểm xuất phát. H. mượn chiếc ghe của người quen để chèo đưa Tùng sang Lào. Chỉ một khoảng thời gian ngắn là qua tới bờ bên kia nên H. gấp rút để quay lại, tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, khi gần đến đường biên trên sông, chỉ còn cách 1 mái chèo thì lực lượng biên phòng Quảng Trị truy đuổi, bắt giữ.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 12 đến 15 tháng tù đối với bị cáo. Sau khi áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo luật định, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tuyên bị cáo H. 9 tháng tù về tội Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Dù biết trừ đi thời gian tạm giam, bị cáo H. sẽ sớm trở về với gia đình nhưng đây là cái giá quá đắt mà bị cáo phải trả, cũng là bài học đối với nhiều người khác.

Bảo Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=171415&title=nguoi-%E2%80%9Cdua-duong%E2%80%9D-lanh-an