Người đưa miến dong Bắc Kạn tới châu Âu

Ðược mệnh danh là 'thủ phủ' dong riềng, những năm qua, xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã đẩy mạnh mô hình chế biến miến dong theo hướng hàng hóa, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Mới đây, miến dong Bắc Kạn lần đầu được xuất khẩu tới thị trường châu Âu.Thành quả đó có công sức rất lớn của người phụ nữ dân tộc Tày Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc Hợp tác xã Tài Hoan.

Ðược mệnh danh là "thủ phủ" dong riềng, những năm qua, xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã đẩy mạnh mô hình chế biến miến dong theo hướng hàng hóa, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Mới đây, miến dong Bắc Kạn lần đầu được xuất khẩu tới thị trường châu Âu.Thành quả đó có công sức rất lớn của người phụ nữ dân tộc Tày Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc Hợp tác xã Tài Hoan.

Sinh ra, lớn lên ở vùng miến Na Rì, ngay từ nhỏ chị Nguyễn Thị Hoan đã sớm được ông bà, cha mẹ truyền dạy về cách trồng củ dong và chế biến miến dong thủ công bằng phương pháp tráng tay. Ðam mê với nghề truyền thống của quê hương và nhận thấy tiềm năng để phát triển kinh tế, chị Hoan đã bàn với gia đình thành lập Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan chuyên chế biến miến. Sản phẩm sử dụng nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn. Với mong muốn đưa cơ sở ngày càng vươn lên chiếm lĩnh thị trường, xây dựng thương hiệu có chất lượng đáp ứng thị trường khó tính, chị Hoan đã mạnh dạn sản xuất miến quy mô lớn bằng máy móc. HTX thực hiện phương châm chú trọng làm tốt từng khâu, từ chọn củ dong riềng nguyên liệu cho tới người chế biến phải có kỹ thuật và kinh nghiệm lâu năm. Từ năm 2017 tới nay, HTX đứng ra bao tiêu thu mua củ dong cho người dân trong huyện, trung bình mỗi năm tiêu thụ hơn 1.000 tấn củ, chế biến ra hơn 200 tấn bột và hơn 100 tấn miến.

Chị Hoan cho biết: "Bí quyết trong chế biến là bột dong riềng chuẩn, đánh đủ bột chín, sử dụng nước sạch trong chế biến; không hóa chất, không phẩm mầu là những tiêu chí hàng đầu. Nhờ khắt khe trong chọn nguyên liệu, ủ bột, phơi… cho nên sợi miến thành phẩm trong, dai, khi ăn sợi mềm, có độ giòn, mùi thơm đúng vị. Miến được phơi tự nhiên, không sấy hay bảo quản cho nên sản phẩm đẹp, bảo quản vài tháng mà không bị mốc, hỏng". Toàn bộ quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, có bao bì, nhãn mác, mã vạch, chứng nhận của ngành chuyên môn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Sản phẩm miến Tài Hoan đã có mặt tại nhiều đại lý, cửa hàng, các kênh bán hàng online (trực tuyến); siêu thị Hapro ở Hà Nội và đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay, HTX có khoảng hơn 20 điểm giao hàng bán buôn, bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Không chỉ góp phần tạo nên uy tín cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn, HTX Tài Hoan còn tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 15 đến 20 lao động địa phương với thu nhập sáu triệu đồng/người/tháng.

Nhờ chất lượng sản phẩm, uy tín sản xuất, HTX Tài Hoan là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn xuất khẩu mặt hàng miến dong sang Cộng hòa Séc. Chị Hoan chia sẻ, từ khi bắt tay vào thực hiện cho tới khi đáp ứng đủ các thủ tục, điều kiện để xuất khẩu sản phẩm miến dong sang thị trường châu Âu mất hơn ba tháng và phải vượt qua được các vòng kiểm định chất lượng khắt khe. Ðến tháng 8, HTX đã xuất khẩu đợt một 5,3 tấn miến dong sang Cộng hòa Séc với tổng giá trị đơn hàng đợt này là gần 15.000 USD. HTX vừa đầu tư hơn năm tỷ đồng để hoàn thiện, nâng công suất chế biến lên từ một đến hai tấn/ngày để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì Lương Thanh Lộc, sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của chị Nguyễn Thị Hoan là một tấm gương cho các HTX khác làm theo. Ðồng thời, thành công bước đầu của HTX Tài Hoan đã cho thấy chất lượng, thương hiệu sản phẩm miến dong đưa nông sản Việt Nam ngày một tự tin bay xa, có thể cạnh tranh với các quốc gia khác. Thời gian tới, huyện Na Rì sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX chế biến miến dong trên địa bàn mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-toc-mien-nui/nguoi-dua-mien-dong-bac-kan-toi-chau-au-615273/