Người dùng di động 'méo mặt' vì tổng đài thu cước giá 'trên trời'
Chỉ sau vài cuộc gọi tổng đài với tổng thời gian chưa đến 20 phút gọi, một người dùng mới đây 'tá hỏa' khi thấy số tiền cước lên tới cả trăm nghìn đồng.
Mới đây, tại cộng đồng OFFB trên Facebook, một người dùng di động đã chia sẻ trải nghiệm dở khóc dở cười của chính mình khi gọi điện cho tổng đài. Theo đó, người này gặp phải một vấn đề với xe ô tô nên chủ động liên lạc tới tổng đài của hãng để được hỗ trợ.
Sau khi gọi tới một vài đầu số khác (dạng 1900xxxx) theo đề nghị của tổng đài, người này mới “tá hỏa” khi phát hiện bị trừ cả trăm nghìn đồng trong tài khoản chỉ sau vài phút gọi. Trong khi đó, sự cố với chiếc xe vẫn không thể giải quyết khiến anh này mất “cả chì lẫn chài”.
Trước câu chuyện của người dùng trên, đã có hàng trăm bình luận chia sẻ, đồng thời phản ánh cũng gặp phải tình huống tương tự.
Đem thắc mắc này tới đại diện bộ phận chăm sóc khách hàng của một nhà mạng ảo, người này cho hay, việc định giá cước tổng đài thường do phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Hiện không có quy định nào liên quan tới mức cước này.
Chia sẻ với VietNamNet, một chuyên gia đang làm việc trong ngành viễn thông cho biết, mức giá cước gọi tổng đài cao hay thấp do hãng tự ấn định. Một số doanh nghiệp sẽ tự chịu phí và trả thay cho người dùng, nhưng cũng có doanh nghiệp để người dùng tự chi trả tiền phí liên hệ đến tổng đài.
Thông thường, người dùng có thể nhận biết thông qua đầu số của tổng đài. Với đầu số 1800, người gọi sẽ được miễn phí, công ty, doanh nghiệp sẽ trả cước phí gọi đến tổng đài. Trong khi đó, với đầu số 1900, người gọi tới sẽ mất tiền và trả phí phát sinh tùy theo cuộc gọi. Mức cước phí có thể từ 1.000-12.000 đồng/phút, thậm chí 15.000 đồng/phút.
“Các doanh nghiệp lớn thường miễn phí hoặc để mức phí gọi tổng đài tối thiểu là 1.000 đồng. Tuy nhiên khi sử dụng một số dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giá cước có thể lên tới 15.000 đồng do bao gồm cả phí tư vấn”, người này nói.
Khi hỏi sâu thêm, vị chuyên gia này cho biết, để duy trì hệ thống tổng đài hỗ trợ khách hàng, các doanh nghiệp đều phải trả chi phí thuê dịch vụ, nhân sự, thiết bị, hệ thống,... Do vậy, một số doanh nghiệp có thể tính phí với khách hàng nhằm giảm bớt vấn đề chi phí.
Đối với câu chuyện của người dùng trên, theo góc nhìn chuyên gia, có thể có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, phía tổng đài của hãng ô tô đã đẩy phần chi phí tổng đài về phía khách hàng thanh toán.
Bên cạnh đó, còn có thể có trường hợp thứ 2, đó là người dùng liên hệ nhầm tới các tổng đài giả mạo. Đây là những “tổng đài ma” được tạo ra nhằm mục đích giả danh các thương hiệu lớn. Khi người dùng gõ tìm kiếm số tổng đài trên Google, rất có thể họ bị nhầm lẫn giữa số tổng đài thật với các “tổng đài ma”.
Chi phí gọi đến các tổng đài mạo danh thường rất đắt đỏ. Khi kết nối cuộc gọi, nhân viên “tổng đài ma” thường hay tìm cách câu giờ, trả lời vòng quanh nhằm lấy thêm tiền của người dùng. Do vậy, nếu gọi nhầm vào “tổng đài ma”, người dùng sẽ bị mất tiền oan, thậm chí thiệt hại lớn trong khi không giải quyết được vấn đề.
Trước đó, nhà mạng VinaPhone từng là nạn nhân của tình trạng này khi một số người dùng di động bị nhầm lẫn giữa tổng đài chăm sóc khách hàng của VinaPhone (18001091) với các đầu số 1900xxxx khác dẫn đến bị trừ tiền cước điện thoại.
Ngoài ra, còn có hiện tượng các đối tượng xấu sử dụng hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, mạo danh là tổng đài các hãng taxi để làm cho khách nhầm tưởng, đặt xe. Sau đó, chúng giao cuốc xe lại cho tài xế, nhằm thu lợi.
Để tránh trở thành nạn nhân của tình trạng này, người dùng di động cần tỉnh táo, chỉ liên hệ số hotline có trên website chính thức của doanh nghiệp.
Thông thường, nếu thu phí, hệ thống tổng đài tự động sẽ phát thông báo ở đầu cuộc gọi. Người dùng có thể dừng cuộc gọi và liên hệ bằng phương thức khác nếu không muốn bị mất khoản chi phí này. Trong trường hợp tổng đài không thông báo, người dùng nên chủ động hỏi tổng đài viên để chủ động thông tin, tránh việc bị “trừ tiền oan” mà không biết.