Người dùng nghĩ gì sau một tháng dùng sinh trắc học chuyển tiền

Trải nghiệm xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng ngày càng đơn giản và tiện lợi, song vẫn còn một số khó khăn khi sử dụng kèm lo ngại bảo mật thông tin.

 Người dùng xác thực khuôn mặt khi giao dịch trên app ngân hàng. Ảnh: Cốc Cốc.

Người dùng xác thực khuôn mặt khi giao dịch trên app ngân hàng. Ảnh: Cốc Cốc.

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày cần xác thực sinh trắc học. Điều này giúp tăng cường an ninh, bảo vệ người dùng trước rủi ro lừa đảo.

Sau một tháng, khảo sát diện rộng của Cốc Cốc cho thấy người dùng dần thích nghi biện pháp bảo mật mới, tỷ lệ xác thực thành công cải thiện so với thời điểm một tuần áp dụng quy định.

Bên cạnh sự tiện lợi và cài đặt dễ dàng, nhiều người vẫn lo ngại trước rủi ro an toàn thông tin khi các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi và phức tạp.

Nhiều người tiếp cận quy định dễ dàng

Khảo sát của Cốc Cốc diễn ra trực tuyến từ ngày 22-31/7. Lượng đáp viên gồm 3.386 người trên phạm vi toàn quốc, từ 18 tuổi trở lên.

Dựa trên kết quả khảo sát, tỷ lệ người dùng được tiếp cận thông tin về quy định vẫn duy trì trên 90%. Trung bình mỗi người biết đến thông tin qua 2 kênh khác nhau, phổ biến gồm mạng xã hội (47-49%), app/web ngân hàng (39-42%), báo chí (33-37%), TV (25-28%)…

Theo kết quả khảo sát, truyền thông đã làm tốt vai trò phổ biến quy định. Việc đề cập liên tục trên các phương tiện truyền thông giúp người dùng tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.

 Lượng người dùng biết đến quy định xác thực sinh trắc học và các kênh truyền thông phổ biến. Ảnh: Cốc Cốc.

Lượng người dùng biết đến quy định xác thực sinh trắc học và các kênh truyền thông phổ biến. Ảnh: Cốc Cốc.

Có 76% người tham gia khảo sát đã cài đặt xác thực sinh trắc học. Trong đó, cứ 2 người thì một người cài đặt thành công trên tất cả ứng dụng ngân hàng đang sử dụng.

So với khảo sát trước (một tuần sau khi áp dụng quy định), lượng người cài đặt sinh trắc học vẫn duy trì ngưỡng gần 80%. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công trên tất cả app ngân hàng tăng 8%, đạt 48%. Nhóm tuổi 35-44 ghi nhận mức thành công cao nhất (56%).

Trong khi đó, lượng người khảo sát đã cài đặt sinh trắc học nhưng một số app ngân hàng chưa thành công chiếm 11%, tất cả ngân hàng chưa thành công chiếm 17%, và chưa cài đặt trên bất cứ ngân hàng nào chiếm 24%.

Hà Nội và TP.HCM là 2 khu vực có tỷ lệ cài đặt sinh trắc học thành công trên tất cả app ngân hàng cao nhất, lần lượt 53% và 49%. Khu vực miền Trung cũng nhanh chóng bắt kịp với tỷ lệ xác thực thành công tăng cao nhất (11% so với thời điểm gần một tuần áp dụng quy định).

Những vấn đề phổ biến

Sau gần một tháng, trải nghiệm cài đặt sinh trắc học ngày càng đơn giản với phần lớn người dùng. Cụ thể, lượng đáp viên đánh giá quá trình cài đặt dễ dàng/rất dễ dàng chiếm 45%, tăng 7% so với khảo sát trước. Để so sánh, tỷ lệ người dùng cảm thấy khó khăn khi cài đặt sinh trắc học giảm từ 31% còn 22%.

Có 48% người dùng dưới 45 tuổi đánh giá việc cài đặt sinh trắc học dễ dàng/rất dễ dàng. Trong khi đó, tỷ lệ này với người dùng trên 45 tuổi đạt 38%.

Dù lượng người tiếp cận và cài đặt thành công nhiều hơn, vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thiết lập sinh trắc học.

 Những vấn đề phổ biến khi cài đặt xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng. Ảnh: Cốc Cốc.

Những vấn đề phổ biến khi cài đặt xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng. Ảnh: Cốc Cốc.

Theo khảo sát của Cốc Cốc, những vấn đề gia tăng khi cập nhật sinh trắc học được ghi nhận sau một tháng gồm khó nhận diện khuôn mặt và điện thoại không tương thích.

Trong khi đó, tình trạng không thể đọc thông tin trên chip NFC của CCCD, khó chụp CCCD/đọc mã QR hay phải ra ngân hàng cập nhật CCCD có xu hướng giảm.

Vẫn lo ngại rủi ro bảo mật

Phần lớn người khảo sát (72% đáp viên) đồng tình quan điểm rằng xác thực sinh trắc học có thể tăng mức độ an toàn cho các giao dịch trực tuyến.

Nhóm trên 35 tuổi có tỷ lệ tin tưởng 78%, cao hơn 11% so với nhóm tuổi dưới 35. Nhóm tuổi tin tưởng thấp nhất là 22-24 (63%), kế tiếp là 25-34 (66%) với lựa chọn đồng ý/rất đồng ý.

Dù đồng tình quan điểm sinh trắc học giúp tăng cường an toàn khi giao dịch trực tuyến, vẫn còn 41% đáp viên lo ngại về bảo mật thông tin khi sử dụng sinh trắc học, tăng 5% so với khảo sát trước.

Trong nhóm tuổi 35-44, có 49% đáp viên lo ngại vấn đề bảo mật, cao nhất so với các nhóm tuổi khác (24-39%).

 Những lo ngại phổ biến khi cung cấp thông tin sinh trắc học cho app ngân hàng. Ảnh: Cốc Cốc.

Những lo ngại phổ biến khi cung cấp thông tin sinh trắc học cho app ngân hàng. Ảnh: Cốc Cốc.

Sau gần một tháng áp dụng quy định, tâm lý người dùng về vấn đề bảo mật cũng thay đổi theo khu vực. Theo đó, quan điểm lo ngại từ đáp viên miền Trung tăng đáng kể (11%), đạt 44%. Trong khi đó, miền Bắc vẫn là khu vực ít lo ngại nhất (38%).

Trong các lo ngại khi cung cấp thông tin sinh trắc học cho ngân hàng, rủi ro bị kẻ xấu đánh cắp dữ liệu, chiếm đoạt tiền trong tài khoản được đặt lên hàng đầu (49%), tiếp theo là hệ thống bảo mật của ngân hàng bị tấn công (37%), sập bẫy lừa đảo (34%), bị khóa tài khoản do thao tác sai (32%) và không thể xác thực danh tính khiến giao dịch thất bại (30%).

Đối tượng người dùng trẻ (dưới 45 tuổi) và phụ nữ đặc biệt lo ngại bẫy lừa đảo khi xác thực thông tin, tỷ lệ lần lượt 39% và 42%.

51% xác thực thành công trong tất cả giao dịch

Theo cảm nhận chung, an toàn và tiện lợi là những ưu điểm lớn của xác thực sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến. Sau quá trình sử dụng, thao tác nhanh chóng và dễ sử dụng là những yếu tố nổi bật. Dù vậy, vẫn có 17% người dùng không tìm thấy ưu điểm.

Người trên 35 tuổi đánh giá cao sự an toàn của bảo mật sinh trắc học (55%). Tuy nhiên với ưu điểm thao tác nhanh và dễ sử dụng, tỷ lệ đánh giá tốt ở lứa tuổi dưới 35 lại cao hơn.

Phần lớn người dùng cho rằng hạn chế của biện pháp này chủ yếu đến từ trải nghiệm khó xác thực trong một số điều kiện như ánh sáng yếu, ngón tay ướt… hoặc tốn thời gian và khó thao tác.

 Một số ưu điểm khi xác thực sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến. Ảnh: Cốc Cốc.

Một số ưu điểm khi xác thực sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến. Ảnh: Cốc Cốc.

Theo khảo sát, 51% người dùng đã xác thực thành công với tất cả giao dịch từ 10 triệu đồng/lần, hoặc 20 triệu đồng/ngày trở lên. Vẫn có một số người thất bại khi trong một tháng, 32% đáp viên gặp 1-2 lần xác thực không thành công.

Phần lớn người dùng (49%) có quan điểm trung lập (bình thường) khi đánh giá tốc độ giao dịch khi sử dụng xác thực sinh trắc học. Đáng chú ý, tỷ lệ đánh giá nhanh/rất nhanh cao hơn 2,6 lần so với đánh giá chậm/rất chậm.

Ngoài ra, người dùng thường xuyên giao dịch sinh trắc học có tỷ lệ đánh giá tốt hơn. Cụ thể, 54% người phát sinh giao dịch cần dùng sinh trắc học hàng ngày đánh giá tốt về tốc độ giao dịch, cao hơn lần lượt 1,3 và 1,5 lần so với người có giao dịch hàng tuần, hàng tháng.

 Tỷ lệ thành công với các giao dịch áp dụng xác thực sinh trắc học. Ảnh: Cốc Cốc.

Tỷ lệ thành công với các giao dịch áp dụng xác thực sinh trắc học. Ảnh: Cốc Cốc.

Theo Thông tư 17/2024-TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp người dùng không xác thực sinh trắc học từ ngày 1/1/2025 sẽ không thể giao dịch online.

Khi được hỏi, 64% đáp viên cho rằng quyết định này cần thiết/rất cần thiết, trong khi 10% đánh giá không cần thiết/rất không cần thiết. Đặc biệt, lượng người từng có giao dịch lớn ủng hộ quyết định này.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-dung-nghi-gi-sau-mot-thang-dung-sinh-trac-hoc-chuyen-tien-post1490836.html